Việt Nam cần thành lập tổ chức chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp

Vân Ly| 15/04/2020 09:00

Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, thảm họa kinh tế do Covid-19 gây ra đòi hỏi "bệnh quỷ phải có thuốc tiên".

Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, đã đến lúc Chính phủ nên thành lập một tổ chức chuyên trách có nguồn lực tài chính để huớng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

* Tổng thống Trump gần đây tuyên bố Covid-19 là thảm họa lớn, trước đó, trong tháng 3/2020, ông Trump cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Giáo sư có thể cho biết nhận định của mình về tác động của dịch bệnh này đối với kinh tế thế giới và cách đối phó?

- Từ đầu năm đến nay, chỉ nhìn vào số người bị nhiễm bệnh và tử vong, kinh tế thiệt hại hàng ngàn tỷ USD, Covid-19 quả là một thảm họa của thế giới.

Với tốc độ lây lan nhanh chóng, sức tàn phá mãnh liệt và hệ lụy chưa từng có trong khoảng 100 năm qua, Covid-19 đang gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2020 và có thể kéo dài trong năm 2021. Quý I/2020, Covid-19 đã cho thấy nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước ở châu Âu bị đình trệ và nhiều ngành như du lịch, hàng không, vận chuyển, phim ảnh, xăng dầu… gần như tê liệt.

HaTonVinh-2-7341-1586856878.jpg

Dịch bệnh bắt đầu từ tháng 12/2019 tại Trung Quốc, kéo theo sự sụt giảm sản xuất và xuất khẩu của nước này. Hầu hết các chỉ số kinh tế đều giảm mạnh, nhất là trong ba tháng đầu năm 2020. Số người thất nghiệp ở Trung Quốc là rất cao mặc dù nước này không công bố số liệu về lao động thất nghiệp hay doanh nghiệp đóng cửa.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong quý II/2020 dự kiến giảm 20% và cả năm 2020 có thể sụt giảm 13%. Trong hai tháng đầu năm 2020, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 13.5%, đầu tư tài sản cố định giảm gần 25%, doanh thu bán lẻ giảm 21%. Nhìn chung năm 2020 sẽ là năm GDP của Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất, vào khoảng dưới 4%.

HaTonVinh-3-2857-1586856878.jpg

Tại Hoa Kỳ, số người thất nghiệp đã tăng nhanh, trong vòng 4 tuần từ giữa tháng 3/2020 đến hôm nay đã có hơn 17 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tuần qua công bố số nguời thất nghiệp, giảm lương, hoặc bị cắt giờ làm vì Covid-19 trên thế giới và đặc biệt tại châu Âu cùng châu Á lên đến hơn 1 tỷ, ảnh hưởng trầm trọng đến hơn 80% lao động toàn cầu. ILO cho biết, trong quý II/2020, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 125 triệu lạo động bị mất việc. Ở châu Âu, con số này là khoảng 20 triệu người. 

Trong ba tháng đầu năm 2020, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chủ động cho nhân viên nghỉ việc. Ở Pháp, sau ba tuần bị phong tỏa, cách ly, đã có gần 6 triệu người bị mất việc; ở Đức, nửa triệu công ty lớn nhỏ đã cho nhân viên nghỉ việc; tại Anh có hơn 1 triệu nguời bị mất việc trong hai tuần cuối của tháng 3/2020.

Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng như châu Á đang tìm giải pháp cấp bách và lâu dài cho đại dịch này. Quốc hội Hoa Kỳ cuối tháng 3/2020 đã thông qua một gói cứu trợ khẩn cấp và kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. Gói cứu trợ này bao gồm việc tài trợ cho các chuơng trình y tế, kiểm soát dịch bệnh, giúp người thất nghiệp được huởng lương thất nghiệp tương đương với lương 4 tháng đi làm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, cho các thành phố và tiểu bang vay để hỗ trợ các ngành công nghiệp vị ảnh hưởng nặng nề. Những gia đình có nguời lớn đóng thuế sẽ nhận được khoản hỗ trợ tiền mặt 1.200 USD, trẻ em được nhận 500 USD. Nhưng gói hỗ trợ này chỉ là bước đầu.

Liên minh Châu Âu vừa thông báo sẽ đưa ra gói hỗ trợ hơn 500 tỷ EUR để đối phó với Covid-19. Gói hỗ trợ này gồm có hạn mức tín dụng 240 tỷ EUR giúp cho những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, một quỹ bảo lãnh 200 tỷ euro dành cho các khoản vay doanh nghiệp, và 100 tỷ EUR để giải quyết thất nghiệp lao động trong ngắn hạn.

Nhật Bản cũng vừa thông qua gói cứu trợ hàng trăm triệu USD để giúp chặn đứng sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều gói cứu trợ cho nhiều ngành kinh tế như hàng không, du lịch, sản xuất ôtô, và hạ thấp lãi suất cho vay xuống 4 - 4,5%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục.

* Theo ông, Việt Nam nên hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào?

- Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống Covid-19 đã đem lại kết quả rõ rệt, mặc dù việc xóa bỏ đại dịch cần phải có thêm thời gian. Tôi tin rằng, với nỗ lực của Chính phủ và với sự cộng tác tích cực của toàn dân, dịch Covid-19 sẽ dứt điểm trong tháng 5 tới. Việc cách ly hay giãn cách xã hội là chủ trương cần phải có và phải duy trì trong thời gian chưa có thuốc hoặc vắc-xin chống SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, nhìn vào đại dịch này, chúng ta thấy Covid-19 không phải chỉ là vấn đề thuần túy y tế. Thảm họa kinh tế và thương mại do Covid-19 gây ra đòi hỏi "bệnh quỷ phải có thuốc tiên". Giải quyết hậu quả kinh tế khốc liệt của Covid-19 mới là vấn đề nan giải. Các gói hỗ trợ nguời nghèo, lao động bị thất nghiệp, doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản là những bước cần thiết nhưng chắc chắn không đủ hay chỉ có tác dụng ngắn hạn.

Song song với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, theo tôi cần thành lập Ban chỉ đạo và cố vấn quốc tế về phục hồi kinh tế, một việc làm chắc chắn sẽ kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Nhìn vào con số thiệt hại về kinh tế trong các ngành du lịch, khách sạn, hàng không, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, bất động sản, dệt may, chế biến đồ gỗ… chúng ta sẽ thấy ngay việc phục hồi kinh tế sẽ là một nhu cầu cấp bách và đòi hỏi nhiều nỗ lực, nguồn lực và thời gian.

Việc phục hồi kinh tế cần có tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn trong vòng từ 3 đến 6 tháng sau Covid-19 giúp cho doanh nghiệp tồn tại, tránh đổ vỡ hoặc phá sản. Mục tiêu trung hạn trong vòng 6 tháng đến 24 tháng nhằm giúp doanh nghiệp tái khởi động và lấy lại khả năng phát triển kinh doanh trước dịch bệnh, tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, thị trường, sản phẩm. Mục tiêu dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp vươn lên, sản xuất, kinh doanh bền vững.

HaTonVinh-4-9745-1586856878.jpg

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần có nhiều gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp, ví dụ như cho vay mau lẹ, dễ dàng với lãi suất ưu đãi, giảm thuế, giãn nợ… Các khoản vay ngắn hạn này có thể từ một tổ chức hay quỹ tài chính do Chính phủ thành lập và do một cơ quan công hay tư nhân điều hành và quản lý. Tổ chức hay quỹ này sẽ được điều hành như một công ty kinh doanh có lợi nhuận và dưới sự chỉ đạo và giám sát của Chính phủ.

Trong trung hạn, doanh nghiệp sẽ tiến đến việc ổn định sản xuất, kinh doanh. Sự hỗ trợ về tài chính sẽ dựa trên tính khả thi và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Với khoảng 98% doanh nghiêp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự hỗ trợ tài chính cũng như các hỗ trợ khác rất cần thiết và phải đa dạng. Đã đến lúc Chính phủ nên thành lập một tổ chức chuyên trách để huớng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, các tập đoàn lớn hay đa quốc gia đều bắt đầu từ những doanh nghiệp nhỏ, có tầm nhìn dài hạn, sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường, và hệ thống quản lý ổn định, phát triển đều đặn trong nhiều năm. Sự hỗ trợ ban đầu của một tổ chức hay quỹ phát triển công sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

* Doanh nghiệp nên làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, thưa ông?

- Dịch Covid-19 làm cho doanh nghiệp nhìn lại mình và điều chỉnh từ cách lãnh đạo, quản lý, tầm nhìn, sản phẩm, thị trường. Doanh nhân cần có ý chí và hoài bão vươn cao, nhưng cũng cần phải thực tế và biết rõ chỗ đứng của mình. Việc doanh nhân bỏ quên một trong hai yếu tố này sẽ không giúp xây dựng được doanh nghiệp bền vững. Covid-19 là một phép thử đối với doanh nhân và doanh nghiệp.

Bây giờ, doanh nhân nên áp dụng câu "Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu" trong Kinh dịch: quy luật của sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền. Doanh nhân là người biết hơn ai hết phải làm gì cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng để tồn tại.

Covid-19 đến rồi cũng phải đi, doanh nhân có thể phát triển mạnh hơn trước nếu không mất niềm tin vào chính mình, vào sản phẩm, vào thị trường. Nếu lấy Steve Jobs của Apple làm mẫu thì doanh nhân sẽ "không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách". Nếu lấy nghịch cảnh là thước đo của doanh nhân thì nhà thơ Nguyễn Công Trứ là một doanh nhân đi tiên phong trong việc chống lại nghịch cảnh với câu thơ: "Còn trời, còn đất, còn non nước/ Có lẽ ta đâu mãi thể này".

* Cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ!

HaTonVinh-1-5912-1586856878.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam cần thành lập tổ chức chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO