Việt Nam - Ấn Độ lần đầu ký hợp tác về năng lượng tái tạo

Ngọc Thoại| 27/11/2020 01:21

Theo Bộ Công Thương, về năng lượng tái tạo, tính đến năm 2019, Ấn Độ đã có 176 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đạt khoảng 814 triệu USD.

Đại diện Việt Nam - Ấn Độ ngày 26/11/2020 vừa ký biên bản ghi nhớ tăng cường trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại TP.HCM nhân hội thảo Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư Ấn Độ ngành năng lượng tái tạo.

Biên bản ghi nhớ (MoU) này được Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) và Liên đoàn năng lượng mặt trời Ấn Độ (NSEFI) ký kết. Cũng nhân sự kiện này, 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, gồm Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, công ty CP Đức Thành Mũi Né, Công Ty TNHH Điện Gió Sunpro - Bến Tre Số 8, đã tham dự buổi giao lưu trực tuyến với các đối tác Ấn Độ nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Thân Đức Hưởng và Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng thuộc Sở Công Thương Bình Thuận Dương Tấn Long - đại diện cho 2 địa phương có tiềm năng về điện gió và mặt trời hàng đầu Việt Nam, cũng kêu gọi doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào 2 lĩnh vực này tại địa phương.

Tổng Lãnh sự Madan Mohan Sethi - đại diện phía Ấn Độ và đại diện Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), cầm biên bản ghi nhớ (MoU) vừa được ký kết.

Tổng Lãnh sự Madan Mohan Sethi - đại diện phía Ấn Độ và đại diện Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), cầm biên bản ghi nhớ (MoU) vừa được ký kết.

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, với những định hướng chiến lược trong chính sách năng lượng quốc gia, Ấn Độ đang mở rộng mục tiêu là đạt công suất lắp đặt 175GW cho năng lượng tái tạo vào năm 2022 thành 450GW vào năm 2030.

"Tôi rất vui mừng khi biết một số công ty Ấn Độ đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, nhất là vào các nhà máy năng lượng mặt trời và khí sinh học. Việc xây dựng nhà máy điện mặt trời 50MW tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận của Adani và Nhà máy điện sinh khối KCP 30MW ở tỉnh Phú Yên là những ví dụ", ông Verma nói. 

"Một số công ty Ấn Độ khác cũng đã thể hiện sự quan tâm, trong khi một số tỉnh ở Việt Nam đã tiếp cận với chúng tôi để có thể hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta nên khám phá và nắm bắt những cơ hội này", ông Verma nói.

Giáo sư Gopalakrishnan Iyer - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến năng lượng tái tạo Ấn Độ, cho biết tiềm năng tăng trưởng cho năng lượng mặt trời ở Ấn Độ lên đến 400 GW vào năm 2024-25, tức 10 lần công suất hiện tại. Tương tự, công suất gió hiện là 40GW có khả năng tăng gấp ba, lên 150GW vào năm 2024-25. 

"Nền kinh tế Việt Nam sẽ cần 96,5GW vào năm 2025, trong đó có mục tiêu tăng 2GW năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) hiện tại lên 30,6GW vào năm 2025. Hơn nữa, tổng tiềm năng của Việt Nam về năng lượng mặt trời là 385GW và đối với gió (ngoài khơi) là 160GW", ông Iyer nói. 

Theo Bộ Công Thương, về năng lượng tái tạo, tính đến năm 2019, Ấn Độ đã có 176 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đạt khoảng 814 triệu USD. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã đầu tư phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam như dự án sản xuất điện mặt trời tại Bình Thuận của Tập đoàn TATA; dự án đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo công suất 1.000 MW của Tập đoàn Adani; dự án đầu tư của Tập đoàn Suzlon để sản xuất thiết bị tuabin điện gió và xây dựng các cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Định…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam - Ấn Độ lần đầu ký hợp tác về năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO