VieON bị hủy dịch vụ thanh toán, có thiệt hại?

Ý Nhi| 20/09/2020 02:58

Bị hủy dịch vụ thanh toán, phía ứng dụng giải trí tại Việt Nam-VieON cho rằng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác lại thấy VieON vẫn có lợi.

VieON bị hủy dịch vụ thanh toán, có thiệt hại?

Ngày 12/12/2019, VieON đã ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ di động Trực tuyến (M-Service) về việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử MoMo. Giải pháp thanh toán qua Ví điện tử MoMo.Tuy nhiên đến, ngày 15/7/2020, M-Service gửi công văn đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ và chính thức "ngắt kết nối" vào đầu tháng 9.

Thông tin đến báo chí, ông Huỳnh Long Thủy- Giám đốc VieON cho rằng: “Vụ việc này đã khiến VieON bị thiệt hại nặng nề. Cụ thể, từ ngày 3/9 đến nay, VieON không gia tăng được người dùng mới. Người dùng cũ cũng không thể gia hạn các gói dịch vụ và phải đầu tư, xây dựng lại giải pháp thanh toán, bỏ ra chi phí khổng lồ để quảng bá lại từ đầu”.

Vị đại diện này cũng cho biết, hiện có đến 45% người dùng đã và đang sử dụng ví MoMo để thanh toán cho ứng dụng của VieOn và VieON đang có nguy cơ mất 45% người dùng này và đã nộp đơn kiện MoMo yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại, hiện hồ sơ đang được tòa án thụ lý.

Lý giải việc ngưng hợp đồng đơn phương với VieON, phía M-Service khẳng định: “MoMo hoàn toàn làm đúng theo hợp đồng. Việc MoMo dừng hợp đồng là do định hướng phát triển nội bộ của M-Service trong thời gian sắp tới. Công ty tạm thời không còn nhu cầu phát triển kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đã hợp tác với VieON. 

th-1-5142-1600581505.jpg

Hơn nữa, đây cũng là hợp đồng thương mại bình thường và việc ngưng hợp đồng với VieON cũng được thực hiện theo đúng các điều khoản đã thỏa thuận và đã ký trong hợp đồng và đã được MoMo thông báo trực tiếp bằng văn bản trước 30 ngày. Đến thời điểm này, MoMo cũng chưa nhận được đơn kiện nào từ phía VieON”. 

Theo Luật gia Nguyễn Mạnh Hùng, trước tiên cần xem xét kỹ nội dung hợp đồng dịch vụ giữa các bên, đặc biệt là điều khoản thỏa thuận liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng. Giả định trong hợp đồng dịch vụ giữa VieON và MoMo có điều khoản thỏa thuận: Nếu hai bên có thay đổi hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải báo cho bên kia và không có điều khoản bồi thường” thì MoMo không có trách nhiệm bồi thường khi đã thông báo việc này bằng văn bản trước cho VieON. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể Khoản 1 Điều 428 quy định: “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Luật Thương mại 2005 cũng quy định về trường hợp miễn trách nhiệm nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 294).

 Còn Luật sư Hà Hải- Đoàn Luật sư TP.HCM thì cho rằng: “Dù việc đơn phương chấm dứt hợp đồng có nằm trong điều khoản của hợp đồng đã ký thì cũng không có nghĩa miễn nhiễm trách nhiệm hoàn toàn. Nếu hợp đồng không minh thị ghi rõ việc giải quyết hậu quả của hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên bị thiệt hại vẫn có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền, buộc bên đơn phương chấm dứt hợp đồng bồi thường thiệt hại cho mình, nếu có đủ cơ sở và chứng minh thiệt hại, vì khởi kiện là quyền của tất cả các bên liên quan". 

VieON được biết là một start up có tuổi đời khá trẻ, có thể vụ việc xảy ra với VieON là một sự cố khiến doanh nghiệp này không kịp trở tay và cũng bị thiệt hại ít nhiều. Song, cho dù có việc VieON thắng hay không trong vụ kiện MoMo thì việc VieON tổ chức họp báo, thông tin "sẽ kiện MoMo" đến báo chí và được các kênh thông tin truyền thông đăng tải như một sự kiện “hot” thì xem ra, đơn vị này cũng đang có thêm một khoản lợi...khá hời. Thậm chí, nếu VieON “thua” về mặt pháp lý thì vẫn có lợi về... thương hiệu. Bởi qua sự kiện ồn ào với chủ đề cũng gây tò mò dư luận trong những ngày qua, đồng nghĩa VieON đang có thêm hàng trăm ngàn lượng người xem quan tâm và qua đó, nhiều khách hàng trước nay chưa biết VieON thì nay cũng  biết thêm thương hiệu vốn có tuổi đời còn khá non trẻ này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VieON bị hủy dịch vụ thanh toán, có thiệt hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO