Vì sao một ngày ra mắt hai hiệp hội nước mắm, Bộ Nội vụ thay đổi 180 độ?

PV| 29/10/2020 00:19

Dù việc tiếp thu, điều chỉnh từ phản ảnh, ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội là bình thường nhưng việc Bộ Nội vụ từ chỗ “chưa có đủ cơ sở xem xét, giải quyết” đến cho thành lập hai hiệp hội nước mắm vẫn đang khiến nhiều ý kiến chưa đồng tình.

Vì sao một ngày ra mắt hai hiệp hội nước mắm, Bộ Nội vụ thay đổi 180 độ?

Theo đó, cần có giải thích rõ hơn. Mong muốn tách bạch tên gọi nước mắm (nước mắm truyền thống) với nước chấm (nước mắm công nghiệp) của nhiều cơ sở làm nước mắm vẫn chưa trọn vẹn.

Đồng ý sau hơn một năm trả hồ sơ

Ngày 3/9/2020, Bộ Nội vụ đã có hai quyết định cho phép thành lập hai hiệp hội liên quan đến nước mắm là Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.

Đáng chú ý rằng cũng chính bộ này vào ngày 23/4/2018, trong công văn số 1714/BNV- TCPCP, trả lại hồ sơ cho hai ban vận động thành lập hiệp hội nói trên với lý do: "cùng thời điểm đã có hai đề nghị thành lập hiệp hội với tên gọi gần giống nhau, trùng lặp về lĩnh vực hoạt động chính, có cùng phạm vi hoạt động cả nước. Do đó Bộ Nội vụ chưa có đủ cơ sở xem xét, giải quyết về đề nghị thành lập 02 hiệp hội này theo quy định của pháp luật".

Vậy thì tại sao hơn một năm sau, cũng chính Bộ Nội vụ lại ra quyết định đồng thời cho thành lập hai hiệp hội nói trên?

TS. Trần Thị Dung - Phó trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cho biết, sau bê bối "nước mắm nhiễm arsen" năm 2016, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn về nước mắm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và cho phép thành lập một hội về nước mắm, lấy tên là Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.

Bộ NN&PTNT ra quyết định số 1779/QĐ-BNN-TCCB ngày 9/5/2017 công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam gồm 17 thành viên. Ngày 31/7/2017, Ban Vận động đã gửi hồ sơ xin thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đến Bộ Nội vụ theo quy định, nhưng sau thời hạn trả lời ban này không nhận được ý kiến của Bộ Nội vụ.

Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch AFT (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản), sau khi không nhận được trả lời của Bộ Nội vụ, ban đã tìm hiểu và được biết ngày 15/8/2017 Bộ Y tế đã thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.

Trong thành phần ban này có một số cựu công chức của Cục An toàn thực phẩm và các công ty nước mắm công nghiệp, không có thành viên nào là các nhà sản xuất nước mắm truyền thống.

nuocmam2-8873-1603942281.jpg

Qua kênh thông tin từ các bộ, chúng tôi được biết Bộ Nội vụ đã gửi hồ sơ của Ban Vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam (Bộ Y tế thành lập) để xin ý kiến các bộ ngành mà không xử lý hồ sơ của Ban Vận động Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam do Bộ NN&PTNT thành lập?

Chúng tôi tự hỏi không biết có điều gì uẩn khúc ở đây, bởi hồ sơ xin thành lập Ban Vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam gửi đến Bộ Nội vụ sớm nhất cũng phải sau 20/8/2017, tức là sau thời điểm Ban Vận động Hiệp hội Nước mắm truyền thống gửi hồ sơ (ngày 31/7/2017)?

Từ đó đến tháng 4/2018, Ban Vận động Nước mắm truyền thống đã hai lần gửi văn bản (tháng 9 và 11/2017) đến Bộ Nội vụ đề nghị trả lời về việc cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nhưng không nhận được văn bản trả lời.

Bất đồng vì tên gọi

Sau khi Bộ Nội vụ ngày 23/4/2018 trả lại hồ sơ với lý do cùng lúc nhận được hai hồ sơ, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay Ban Vận động Nước mắm truyền thống đã mời Ban Vận động của Bộ Y tế họp vào ngày 10/5/2018 để trao đổi việc thành lập một hiệp hội nước mắm và đề nghị giữ tên hội là hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam.

Lý do giữ tên hội như vậy là để giữ gìn truyền thống lâu đời của nước mắm. Và xuất phát từ thực tế, nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm công nghiệp là nước mắm thấp đạm, lấy từ các nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống.

Lý do nữa là để tạo nên sự khác biệt với nước mắm của Thái Lan và một số nước khác chỉ sản xuất nước mắm công nghiệp. Rất tiếc, bà Minh cho hay cuộc họp đã không mang lại kết quả. Đại diện của Ban Vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam không đồng ý tên gọi chung nói trên.

Không thích từ "truyền thống"

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay đã đề nghị trong hiệp hội có hai hội thành viên với hai sản phẩm: nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (hoặc đơn giản là nước mắm nếu Ban Vận động Hiệp hội Nước mắm Việt Nam không thích cụm từ "công nghiệp").

Tuy nhiên, cuộc họp đã không mang lại kết quả vì các đại diện của Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam không chấp nhận giữ tên "truyền thống".

Theo bà Trần Thị Dung - Phó chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, khó khăn phía trước còn nhiều nhưng những người làm nước mắm truyền thống quyết bảo vệ nghề, mang lại cho dân Việt những giọt nước mắm không phẩm màu, không hương nhân tạo, không chất bảo quản…

(Theo Tuoitre.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao một ngày ra mắt hai hiệp hội nước mắm, Bộ Nội vụ thay đổi 180 độ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO