Vay vốn hỗ trợ lãi suất: Không dễ!

THU THỦY| 09/09/2009 07:02

Chiều 8/9/2009, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức Hội nghị báo cáo tình hình khó khăn vướng mắc của DN.

Vay vốn hỗ trợ lãi suất:  Không dễ!

Quyết định số 131/QĐ – TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh trong thời gian qua thực sự đã giúp rất nhiều DN vượt qua được khó khăn, duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện QĐ này còn nhiều bất cập, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất này vì nhiều nguyên nhân.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức Hội nghị báo cáo tình hình khó khăn vướng mắc của DN.

Nhằm giúp các doanh nghiệp thành viên tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tiếp cận được với nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất của chính phủ, chiều 8/9/2009, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã tổ chức Hội nghị báo cáo tình hình khó khăn vướng mắc của DN. Các thành viên Ban chấp hành Hiệp hội đã lắng nghe và tập hợp ý kiến của các Hội thành viên, các DN để tham mưu cho lãnh đạo thành phố và trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giúp DN vượt qua khủng khoảng.

Thời hạn giải ngân ngắn, thủ tục gây khó cho doanh nghiệp

Theo phản ánh của một doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm thời trang, quy định của ngân hàng phải giải ngân trong vòng 20 ngày đối với vốn vay ngắn hạn (6 tháng) là quá ngắn, nhất là khi doanh nghiệp phải nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài, không thể lên kế hoạch chi trà trong thời hạn ngắn như vậy.

Đã vậy, thời gian tiếp cận, tìm hiểu và hoàn tất thủ tục để vay được khoản tiền này cũng mất đến 2 tháng, thế nên DN chỉ còn 4 tháng xoay sở với đồng vốn vay, quá ngắn để có thể hoàn tất một quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không kịp để vượt qua khó khăn.

Đại diện DN sản xuất hàng mỹ nghệ phản ánh, họ rất khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất này vì không thể hội đủ các điều kiện do ngân hàng đưa ra, trong đó, khó khăn nhất là chứng từ mua nguyên vật liệu. Đa số nguyên liệu cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ được mua trực tiếp từ nông dân nên không thể có hóa đơn đỏ, đây chỉ là một trong những vướng mắc mà nếu không có sự tháo gỡ của các cơ quan chức năng, DN đã khó khăn càng thêm lúng túng trong việc xoay xở tìm kiếm nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo của Hội DN huyện Bình Chánh, trong số hơn 1.000 DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện, hơn 80% là DN vừa và nhỏ, đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn nhưng rất ít DN tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ. Lý do vẫn chỉ là những doanh nghiệp cần vay thì không hội đủ những điều kiện cần thiết do ngân hàng đưa ra như: tài sản thế chấp, chứng minh hiệu quả kinh doanh của năm trước, minh bạch tài chính, hóa đơn đầu vào… Số ít DN hội đủ những điều kiện của ngân hàng thì lại chưa cần vốn đến mức bức thiết.

Thống kê của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Bình Chánh cho thấy, trong số 500 khách hàng là DN đóng trên địa bàn huyện, chỉ có 28 DN vay được 128 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất của chính phủ, một con số quá nhỏ so với nhu cầu của DN.

Doanh nghiệp góp ý tại hội nghị

Những đề xuất tháo gỡ

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa những đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các DN vừa và nhỏ đang thực sự gặp khó khăn có thể tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của chính phủ. Đáng chú ý là đề xuất của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ TP.HCM.

Theo Quyết định số 131/QĐ – TTg ngày 23/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc Hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất – kinh doanh, các ngân hàng thương mại cho vay các nhu cầu vốn lưu động để hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất . Thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 08 tháng, mức lãi suất hỗ trợ khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn vay thực tế.

Theo đề xuất, Hiệp hội DN TP.HCM cần tập trung quan tâm hơn đến DN vừa và nhỏ vì đây là lực lượng sản xuất chính, chiếm tỷ lệ 82% trong tổng số 97.000 DN đăng ký hoạt động tại TP.HCM. Cần tổ chức những khóa đào tạo nhẳm năng cao năng lực quản lý, nhất là quản lý nguồn vốn cho các DN này, nhằm đáp ứng yêu cầu về tính minh bạch trong công tác tài chính, kế toán của DN do ngân hàng đưa ra khi xem xét hồ sơ cho vay.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn, giúp DN tiếp cận thông tin, hoàn tất thủ tục, hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng, cùng DN tháo gỡ những khó khăn về tài sản thế chấp, về chứng từ khi mua nguyên liệu từ nông dân…

Quỹ cũng đề xuất cho DN một hướng tìm kiếm nguồn vốn vay khác, đó là đẩy mạnh hoạt động thuê, mua tài chính. Đây là nguồn bổ sung vốn hữu hiệu giúp DN đổi mới công nghệ, mua sắm thiết bị, trang bị tư liệu sản xuất, xây dựng nhà xưởng…

Đa số các DN đều kiến nghị, đối với “gói kích cầu” này, nên “giảm liều” chứ không nên “cắt liều” để tránh gây sốc. Đối với thành phố, nên duy trì 2 tổ công tác do UBND TP chủ trì, đồng hàng cùng DN, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, giúp DN an tâm sản xuất.

Thời hạn đáo nợ vốn vay hỗ trợ lãi suất của chính phủ đã gần kề, đang là nỗi lo chung của cộng đồng DN. Đa số đều cần được vay vốn với thời hạn dài hơn để có thể duy trì được sản xuất, tất cả đều đang trông chờ những giải pháp dài hơi, căn cơ hơn, để có thể thực sự đứng vững và vượt qua được khủng hoảng, tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vay vốn hỗ trợ lãi suất: Không dễ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO