Vạn dặm đất lành và biển lặng

ĐOÀN LÊ| 04/06/2009 05:20

Tôi lên kế hoạch chơi xuân trong Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định. Một ngày đầu năm trong vùng đất rừng ngập mặn, chỉ để ngồi thật yên lặng nhìn ngắm bầy chim nước, là họ hàng nhà cò vạc bay lên đậu xuống kiếm ăn trong cái lạnh tê tái.

Vạn dặm đất lành và biển lặng

Tôi lên kế hoạch chơi xuân trong Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định. Một ngày đầu năm trong vùng đất rừng ngập mặn, chỉ để ngồi thật yên lặng nhìn ngắm bầy chim nước, là họ hàng nhà cò vạc bay lên đậu xuống kiếm ăn trong cái lạnh tê tái.

Xuân Thủy là khu rừng ngập nước.

Không ngờ, cảm xúc trong tôi khá mạnh. Sở dĩ có được quyết định dũng cảm này là vì trong vài lần gặp gỡ ngắn, chị ấy truyền vào tôi tình yêu giản dị và nặng trĩu đối với những mảnh đất nghèo nàn, vô danh vốn còn rất nhiều trên bản đồ hình chữ S này. Tình yêu ấy của chị rất cụ thể, chị tìm mọi cách để bảo vệ mảnh đất dưới chân, bảo vệ làn nước biển, đòi một bãi cát cho con rùa biển lên đẻ trứng, hay đơn giản giữ một cụm san hô làm nơi ẩn náu, kiếm ăn của cá.

Công việc của chị và đồng nghiệp ở tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường MCD (Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng) là lo cho người nông dân có khả năng kiếm sống mà không phải tận diệt chính môi trường xung quanh họ ở Xuân Thủy (Nam Định), Tam Hải (Quảng Nam), Vạn Ninh (Khánh Hòa).

 Xuân Thủy là khu rừng ngập nước. Tháng 10/2004, UNESCO công nhận Xuân Thủy là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở đồng bằng ven biển sông Hồng. Chúng tôi ngồi trên bờ cỏ bình yên của một ngày lạnh 10 độ C. Phía sau lưng rất xa là những xóm làng mờ trong sương. Trước mặt, những con chim sống ở vùng nước ngập có cái màu trắng tinh khiết đang cần mẫn đi đi lại lại kiếm ăn. Cảnh nghìn đời trong ca dao về những cái cò cái vạc cái nông nay lại mang tính chất khác.

Những đàn chim cư trú ở Vườn quốc gia Xuân Thủy

Xuân Thủy đã trở thành khu rừng ngập mặn bình yên và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng chục dự án quốc tế. Sự có mặt thường xuyên của 150 loài chim di trú và gần 50 loài chim nước đã tạo điều kiện cho Xuân Thủy trở thành thành viên Công ước Ramsar và trở nên nổi tiếng. Sau gần 10 năm được bảo vệ theo công ước quốc tế, bây giờ du khách có thể ngắm các loại chim di cư từ Nhật Bản xa xăm về đây ung dung kiếm ăn trên đồng đất Xuân Thủy.

Nó trở thành biểu tượng của đất lành và thu hút du khách đến đây vừa ngắm những bầy chim nước Ramsar, vừa học một bài học hữu ích đầu tiên về bảo vệ thiên nhiên. Và từ các dự án quốc tế đó, nông dân Xuân Thủy bắt đầu biết quý mảnh đất bạc màu nơi mình đang sống, quý mặt biển nơi mà họ từng dùng lưới xung điện quét hết nguồn hải sản. Và họ được học để tự sống mà không
cần tận diệt môi trường. Họ không phát rừng ngập mặn, không nổ mìn trên mặt biển.

Thạc sĩ Hồ Thị Yến Thu có giọng nói rất nhẹ của người Hà Nội gốc, chị là Phó giám đốc Tổ chức phi chính phủ MCD chuyên các hoạt động bảo vệ môi trường. Văn phòng MCD ở Hà Nội, nhưng Thu đã dành gần trọn tuổi trẻ của mình cho những vùng nông thôn
cách xa thủ đô đến vài trăm cây số. Lần đầu tiên trên một bãi biển vô danh của xã Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tôi ngồi rất lâu nghe Thu kể về những cây san hô có vai trò quan trọng thế nào trong môi trường sống của con người.

Đại loại, trong vùng biển Việt Nam có khoảng trên 1.000km2 san hô với khoảng trên 300 loài, phân bố rộng khắp từ Bắc chí Nam, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 20% loài còn tươi tốt. Sống quanh quẩn trong các vùng san hô có trên 2.000 loài cá và sinh vật biển. Nơi nào san hô dày, nơi ấy tôm cá kéo đến. Sự tổn thương trầm trọng các rạn san hô ven biển là nguyên nhân khiến nguồn sinh vật biển sụt giảm, kéo theo tình trạng sa sút trong ngành khai thác thủy - hải sản và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con
người.

Nghĩ về hai dự án bảo vệ môi trường Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên Rạn Trào, tôi hay đùa Hồ Thị Yến Thu là người toàn lo chuyện chim trời cá nước, nghĩa là lo chuyện dông dông. Thu cười nhẹ, và đúng tác phong một nhà khoa học, chị đưa ra con số: Ở khu Rạn Trào, sau hai năm khoanh vùng cấm khai thác và phục hồi rạn san hô, tỷ lệ sinh vật biển từ 230 cá thể đã lên trên 550 cá thể trên diện tích 400m2 mặt nước.

Từ tình cảnh khai thác hàng trăm nghìn tấn san hô chở lên Tây Nguyên bón vườn cà phê, hoặc xây nhà máy xi măng ở Ninh Thuận cũng lấy san hô làm nguyên liệu đến việc nông dân Rạn Trào lặn xuống đáy biển trồng lại từng cây san hô là một quá trình dài vạn dặm trong ý thức giữ gìn môi trường của người Việt chúng ta. Từ cái chuyện dông dông này mà những mảnh đất nghèo khó vô danh như Xuân Thủy hay Rạn Trào bỗng trở thành những khu bảo tồn thiên nhiên đầy giá trị nhân văn.

Tôi thích cái cách một tổ chức phi chính phủ như MCD do những trí thức trẻ Việt Nam (như Hồ Thị Yến Thu) điều hành và hoạt động để bảo vệ môi trường biển dựa trên sự phát triển cộng đồng. Họ là cầu nối tin cậy để các quỹ hỗ trợ xã hội quốc tế đổ vốn vào Việt Nam, đồng thời cũng là một kênh quan trọng để giúp người dân trở thành những người có kiến thức thiết thực đối với môitrường sống quanh mình. Đến với Rạn Trào mùa hè này,tôi có dịp chứng kiến nhiều anh chị nông dân cùng cácchuyên gia du lịch tập huấn chế biến món ăn phục vụ dukhách nhằm tuyên truyền cho người dân có ý thức gìngiữ cảnh quan, vệ sinh môitrường để làm du lịch.

Rạn Trào đang đón nhiều công ty lữ hành đến khảo sát tour khám phá cuộc sống vùng biển, mà nhân vật chính là những người ngư dân và khu bảo tồn thiên nhiên phong phú với những rạn san hô tuyệt đẹp, những lồng nuôi tôm hùm, những món ăn dân dã và phong cảnh, văn hóa đặc sắc của vùng nông thôn ven biển miền Trung. Chăm sóc cho nhà nông như chăm con mọn là ở chỗ ấy. Mùa hè, sóng yên bể lặng, những ngư dân Rạn Trào sẽ đưa những cây san hô giống xuống đáy biển, và ở đó chúng lại sinh sôi nảy nở một nguồn sống mới.

Nhìn những nông dân ngày ngày lặn xuống, ngoi lên với vẻ mặt rạng ngời và khoe: “San hô mới trồng đó mà dài được 20cm rồi bà con ơi” là thấy rõ niềm vui có thật của chuyện chim trời cá bể. Tôi quá cảm động khi ngắm những nông dân miền Trung đen đúa, khắc khổ hướng dẫn một ông Tây lặn xuống đáy biển trồng san hô và giải thích cho ông ta hiểu rừng san hô đang bảo vệ môi trường sống của chúng ta ra sao! Nhìn thấy cảnh ấy thì mới hiểu tại sao nhiều khách quốc tế tỏ thái độ phẫn nộ vì những cành san hô chết bày bán đầy ở chợ Đầm - Nha Trang.

Trong cảm nhận của tôi, có lẽ nông dân miền Trung ở Rạn Trào và nông dân miền Bắc ở Xuân Thủy là tiến bộ nhất Việt Nam vì họ dám từ bỏ thói quen kiếm ăn nghìn đời nơi bìa rừng hay đáy biển để hình thành tập quán mới, xa lạ hơn, thậm chí khó khăn hơn là sản xuất hàng thủ công và làm du lịch. Họ là những nông dân hạnh phúc được tiếp xúc với những nguyên lý bảo vệ môi trường sống, trở thành hội viên của Hội Bảo vệ cácloài chim, thành cán bộ giám sát thay đổi sinh thái.

Tôi hình dung sau này người Việt chúng ta mỗi lần thamquan những khu bảo tồn thiên nhiên như Rạn Trào, Xuân Thủy, chính là đã có dịp học lại bài học rất sơ đẳng về cách chung sống thân thiện với thiên nhiên.

- Từ cảnh khai thác hàng trăm nghìn tấn san hô chở lên Tây Nguyên bón vườn cà phê, xây nhà máy xi măng ở Ninh Thuận cũng lấy san hô làm
nguyên liệu đến việc nông dân Rạn Trào lặn xuống đáy biển trồng lại từng cây san hô là một quá trình dài vạn dặm trong ý thức giữ gìn môi trường của người Việt chúng ta.
- Sau này người Việt chúng ta mỗi lần tham quan những khu bảo tồn thiên
nhiên như Rạn Trào, Xuân Thủy, chính là chúng ta có dịp học lại bài học rất sơ đẳng về vấn đề chung sống thân thiện với thiên nhiên như thế nào...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vạn dặm đất lành và biển lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO