Trung Quốc - Thị trường xuất khẩu tiềm năng của cá tra Việt?

Theo VietnamPlus| 28/12/2015 06:46

Tại thị trường Trung Quốc, cá tra có mức giá phù hợp với người dân và người dân hiện không an tâm với các sản phẩm sản xuất trong nước. Do vậy, đây là cơ hội cho cá tra xâm nhập mạnh hơn vào thị trường này.

Trung Quốc - Thị trường xuất khẩu tiềm năng của cá tra Việt?

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu cá tra của cả nước trong năm 2016 có thể giảm 5% so với năm 2015, đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Nguyên nhân bởi tác động từ thuế chống bán phá giá, chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ và áp lực cạnh tranh với các loại cá thịt trắng sẽ khiến giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Trước những khó khăn từ các thị trường chính, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương kiêm Phó Chủ tịch VASEP cho rằng trong năm 2016, các doanh nghiệp đừng quan tâm nhiều vào thị trường Mỹ. Thay vào đó, hãy nhắm đến thị trường châu Á với dân số trên 3 tỷ người có mức thu nhập tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN...

Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, cá tra có mức giá phù hợp với người dân và người dân hiện không an tâm với các sản phẩm sản xuất trong nước. Do vậy, đây là cơ hội cho cá tra xâm nhập mạnh hơn vào thị trường này.

Trong 8 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam thì có đến 6 thị trường giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể như, thị trường Mỹ giảm 5,6%, EU giảm 14,3%, ASEAN giảm 4,3%, Brazil giảm 39,8%, Mexico giảm 13,2%, Colombia giảm 13,9%; chỉ có giá trị xuất khẩu sang Anh tăng 17%, Trung Quốc-Hong Kong tăng 42% và Saudi Arabia tăng 2,4%.

Tại hầu hết các thị trường lớn, xuất khẩu cá tra đều gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu chậm, giá bán không tăng, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn. Riêng Mỹ và EU là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng giá trị xuất khẩu giảm liên tiếp ngay từ đầu năm.

Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại ​Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.

“Theo phán quyết này, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Hùng Vương 0,36 USD/kg và Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An là 0,84 USD/kg; 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế 0,6 USD/kg. Với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg, phần lớn các doanh nghiệp cá tra Việt Nam không thể bán cá tra vào Mỹ,” ông Ngô Văn Ích - Chủ tịch VASEP cho biết.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng mới triển khai chương trình giám sát cá da trơn đối với cá tra từ Việt Nam.

Từ tháng 9/2017, nếu các nước không nộp danh sách doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ và các chứng minh về chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thì sẽ không được tiếp tục xuất khẩu.

Từ trước đến nay, việc xem xét cấp tiêu chuẩn tương đồng cho các nước được phép xuất khẩu mặt hàng thịt, thịt lợn và thịt gia cầm vào Mỹ, FSIS phải mất ít nhất 8 năm xem xét công nhận và đến nay, chưa có một quốc gia châu Á nào đạt được chứng nhận tương đồng.

Quy định này cho thấy đây là một khó khăn và thách thức trực tiếp cho việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ trong thời gian tới.

Ngoài các quy định trên, cá tra cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm cá thịt trắng Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi...

Được biết trong năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014.

>Mỹ siết chặt tiêu chuẩn cá tra nhập khẩu từ Việt Nam

>Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn

>Ngành sản xuất cá da trơn loay hoay vì thiếu quy trình đồng bộ

>Mỹ thanh tra cá da trơn, DN Việt ứng phó thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc - Thị trường xuất khẩu tiềm năng của cá tra Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO