Trở tay không kịp

VÂN ANH| 01/01/2010 07:22

Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi ví von: Cùng lúc nhiều đơn vị cứu hỏa nhận được tin báo cháy, nhưng đơn vị này cứ tưởng đơn vị kia đã đi dập tắt lửa nên chẳng ai tới trước.

Trở tay không kịp

Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi ví von: Cùng lúc nhiều đơn vị cứu hỏa nhận được tin báo cháy, nhưng đơn vị này cứ tưởng đơn vị kia đã đi dập tắt lửa nên chẳng ai tới trước. Tương tự, biến đổi khí hậu đã xảy ra rồi, không phải thỉnh thoảng nữa và cường độ ngày một lớn, vấn đề là các nước phải cùng nhau cứu trái đất chứ không phải nước này chờ nước kia như các đơn vị cứu hỏa nọ.

Đe dọa an ninh lương thực quốc gia

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, 50 năm qua, biến đổi khí hậu đã diễn ra ở Việt Nam, nhiệt độ đã tăng 0,75oC, nước biển đã dâng 20cm. Đến năm 2100, nhiệt độ ở nước ta sẽ tăng thêm 2 - 3oC, nước biển dâng từ 0,75 -1m, khỏang 38% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập trong nước mặn. Việt Nam là một trong 30 nước sớm có chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL là nơi xuất khẩu gạo, thủy sản chính của Việt Nam, biến đổi khí hậu không những đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia mà còn làm giảm lượng gạo nuôi sống hàng triệu người ở các nước nhập khẩu lương thực.

Đại sứ Úc tại Việt Nam Allaster Cox, nói: “Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế mà cả công nghệ nghiên cứu giống lúa và cây trồng có sức chống chọi với biến đổi khí hậu”. TS. Võ Công Thành, bộ môn Di truyền - Chọn giống Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, kết quả nghiên cứu giống lúa chịu mặn trên 5 ‰ đang được thực hiện.

GS.TS Nguyễn Văn Luật, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, cần phải nuôi ý tưởng trồng cây lương thực lấy củ và ông đánh giá cao KS. Hồ Quang Cua, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - người đang nghiên cứu, chọn tạo một số cây trồng có ưu thế chịu mặn cho ĐBSCL.

Phải làm gì?

Cuộc sống của người dân ĐBSCL đang bị đe dọa, nhưng liêu có bao nhiêu người ở vùng đất này biết chuyện gì sắp xảy ra với họ. TS. Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Viện Biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, Ths. Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc - Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ là hai người kiên trì đưa ra những cảnh báo về biến đổi khí hậu, nhưng chính quyền các cấp ở ĐBSCL hầu như chưa có kế hoạch gì để chủ động đối phó với hiện tượng trái đất nóng lên.

Ths. Kỷ Quang Vinh kiến nghị cần phải lập kế hoạch của vùng và một tổ chức liên kết những quốc gia đang khai thác thô bạo nguồn lợi từ sông Mê Kông để trhống nhất các chương trình đốí phó với biến đổi khí hậu. Ông Vinh cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch lập đê biển từ Quảng Ngãi đến ĐBSCL để đối phó với tình trạng nước biển dâng, nhưng như vậy chưa đủ mà phải phát triển nền kinh tế dựa trên tiêu chí không sử dụng năng lượng bẩn và trả lại thiên nhiên những gì thuộc về thiên nhiên”.

Ngày 9 -11/12/2009, Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) phối hợp Viện Biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ tiếp tục thảo luận về những thay đổi dòng chảy trên dòng Mê Kông và Mississippi. Điều này làm cho hậu quả nước biển dâng càng tồi tệ hơn. Một trong những giải pháp thích ứng, giảm nhẹ tình trạng này là bảo vệ, khôi phục hệ thống rừng sinh thái trên dòng Mê Kông và ven biển, nâng cao nhận thức bảo vệ môi sinh của cộng đồng.

Sự chia sẻ

Năm 2009, Hoa Kỳ tài trợ hơn 7 triệu USD cho các chương trình về môi trường trong khu vực sông Mê Kông. Năm 2010, Hoa Kỳ có thể tài tài trợ thêm 15 triệu USD để hỗ trợ cải thiện an ninh lương thực tại các nước khu vực sông Mê Kông.

Ngày 21/12, tại tỉnh Trà Vinh, Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã tổ chức Diễn đàn Thích ứng với biển đổi khí hậu ở vùng ven biển ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Việc phục hồi rừng ngập mặn ven biển thu hút nhiều ý kiến, riêng kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở vùng cửa sông và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của bà Trine Glue Đoàn - Quỹ WWF được đặc biệt chú ý. Tuy nhiên, phục hồi diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, xây dựng hệ thống đê biển chống triều cường, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản, phân bố lại vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đòi hỏi sự cố gắng tổng lực và sự hỗ trợ của thế giới.

Tại cuộc hội thảo biến đổi khí hậu lần thứ nhất tại Cần Thơ ngày 12-13/11/2009, đại diện WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa và ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam cho biết, nguồn tài chính hỗ trợ cho thích ứng và giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu của ADB khoảng 990 triệu USD, quỹ công nghệ sạch 5,2 tỷ USD; chương trình hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng; giảm nhẹ và quản lý rủi ro - mỗi chương trình 30 triệu USD; chương trình năng lượng tái tạo nông thôn tiểu vùng Mê Kông mở rộng 20 triệu USD

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trở tay không kịp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO