Triển khai chương trình kích cầu của UBND TP.HCM năm 2011

DNSG| 20/09/2011 04:05

Triển khai chương trình kích cầu của UBND TP.HCM năm 2011; Nhiều nguyên nhân khiến sữa tăng giá; Bộ Tài chính sẽ giám sát việc vay nợ của doanh nghiệp; Thanh tra bán hàng bình ổn giá; Tràn lan thuốc bảo vệ thực vật giả; Hạt tiêu Việt Nam vào vụ “làm giá”; Nhập khẩu tấm lợp Composite từ Trung Quốc tăng mạnh.

Triển khai chương trình kích cầu của UBND TP.HCM năm 2011

Triển khai chương trình kích cầu của UBND TP.HCM năm 2011

Chương trình kích cầu của UBND TP.HCM sẽ dành số vốn tài trợ 8.000 tỷ đồng, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất lên đến 100 tỷ đồng cho 1 dự án và thời gian hỗ trợ lãi vay lên đến 7 năm dành cho các dự án trên địa bàn TP.HCM

 Ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới kỹ thuật, công nghệ, thiết bị; các dự án đầu tư thực hiện tại Lào, Campuchia do đơn vị thành phố lập và được trình duyệt theo quy định hiện hành; được các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn thành phố chấp thuận.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đánh giá, Quyết định 33 của UBND TP.HCM như một luồng gió mới, tạo ra cơ chế, chính sách mới cho các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của mình.

Q.C

Nhiều nguyên nhân khiến sữa tăng giá

Trong khi giá sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, một số hãng sữa bất ngờ điều chỉnh giá bán với mức tăng 4 - 15%. Đây là đợt tăng giá thứ hai của một số loại sữa từ đầu năm đến nay, nâng mức tăng tổng cộng lên 20 - 25%.

Theo các đại lý phân phối và kinh doanh sữa tại TP.HCM, việc tăng giá chủ yếu rơi vào nhóm sữa bột. Riêng dòng hàng sữa nước, nhà sản xuất tung ra mẫu sữa mới bán với giá cao hơn sữa cũ 10.000 đồng/thùng 12 lốc.

Nguyên nhân chủ yếu mà các hãng đưa ra là do giá nguyên vật liệu đóng gói tăng giá từ 5 - 18%, giá nhân công cũng đã tăng nhiều trong thời gian qua và để duy trì được nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo cho sản xuất, lương của lao động trực tiếp sản xuất phải tăng thêm khoảng 4,5%. Ngoài ra, nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng giá từ 11-54% .

C.Q

Bộ Tài chính sẽ giám sát việc vay nợ của doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Đối ngoại (Bộ Tài chính), đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho DN vay lại thì tới nay, trong số hơn 500 dự án vay lại, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 0,7%.

Trong tổng số 74 dự án đang được Chính phủ bảo lãnh, chỉ có 6 dự án đang gặp khó khăn về trả nợ. Đây là các dự án có khó khăn tạm thời chứ không phải mất khả năng thanh toán.Tuy nhiên, việc giám sát chặt chẽ hơn hoạt động vay nợ của DN trong thời gian tới vẫn rất cần thiết.

Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang chủ trì, nghiên cứu xây dựng “Dự thảo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nợ nước ngoài của quốc gia.

H.V

Thanh tra bán hàng bình ổn giá

Bộ Tài chính vừa có Quyết định 2126/QĐ-BTC về 3 nội dung thanh tra giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá và Nhà nước thực hiện bình ổn giá.

Theo đó, Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chế độ về đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá. Trong đó, sẽ xác định số lần thay đổi giá, mức giá tại các thời điểm thay đổi trong thời kỳ thanh tra, tỷ lệ biến động giá thời kỳ đầu và thời kỳ cuối của thời kỳ thanh tra, tỷ lệ biến động từng lần thay đổi giá...

Bộ sẽ thanh tra việc thực hiện các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước với 5 nhiệm vụ chính: Thanh tra việc chấp hành các quy định về đăng ký giá, kê khai giá trong thời kỳ Nhà nước thực hiện bình ổn giá; thanh tra việc thực hiện công khai thông tin về giá; thanh tra việc thực hiện quy định về giá tối đa, tối thiểu, khung giá đối với hàng hóa, dịch vụ; thanh tra việc thực hiện quy định về kiểm soát các yếu tố hình thành giá; thanh tra việc triển khai thực hiện các biện pháp tài chính, tiền tệ, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành.

Thanh tra các yếu tố hình thành giá thành, giá bán của hàng hóa, dịch vụ từ khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông đến tay người tiêu dùng.

N.H

Tràn lan thuốc bảo vệ thực vật giả

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, có đến 12 - 14% trong số 15.000 cơ sở sản xuất, gia công, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vi phạm các vấn đề về thuốc cấm, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm nhãn mác... Trong đó, việc buôn bán thuốc BVTV giả đang gia tăng trong 6 tháng đầu năm với 805 cửa hàng vi phạm bị phát hiện.

Hiện nay, tình hình sản xuất, buôn bán thuốc BVTV giả ngày càng nghiêm trọng; chủng loại và khối lượng hàng hóa vi phạm ngày càng gia tăng, thuốc giả được sản xuất với quy mô cao, có tổ chức, hàng hóa khá tinh vi với bao gói mẫu mã giống hàng thật, nhiều loại còn có cả tem chống hàng giả.

Ông Robert Hulme, Chủ tịch CropLife Việt Nam (thuộc Phòng Thương mại Châu Âu tại VN - Eurocham), khuyến nghị, tình trạng thuốc BVTV giả không chỉ làm hại nông dân mà còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng thực phẩm và môi trường, nguy hại tới xuất khẩu nông nghiệp của VN vì các nhà nhập khẩu quốc tế sẽ không mua các sản phẩm nông nghiệp nếu sử dụng các hóa chất bất hợp pháp.

H.Ng

Hạt tiêu Việt Nam vào vụ “làm giá”

Giá xuất khẩu hạt tiêu trắng hiện ở mức 7.540 USD/tấn và tiêu đen là 5.235 USD/tấn. Theo thống kê của Hải quan, 8 tháng đầu năm, VN xuất khẩu 99.787 tấn tiêu các loại, đạt tổng giá trị kim ngạch 560,25 triệu USD, tăng 8,7% về lượng, tăng tới 83,7 % về trị giá so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo của ngành nông nghiệp gần 2.000 tấn.

Riêng tháng 8, VN xuất khẩu khoảng 16.988 tấn tiêu các loại, đạt giá trị kim ngạch 106,25 triệu USD. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu VN (VPA), giá hạt tiêu xuất khẩu đang ở mức giá cao kỷ lục. Do vậy, đây sẽ là cơ hội cho người dân cũng như DN xuất khẩu hạt tiêu. Tuy nhiên, hiện tại đang là thời điểm cuối vụ, nên ông Nam khuyến cáo, người dân cũng như DN nên biết “cầm chừng” để tránh tình trạng giá cao nhưng lại hết hàng.

L.LOAN

Nhập khẩu tấm lợp Composite từ Trung Quốc tăng mạnh

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, nhập khẩu sản phẩm tấm lợp Composite từ Trung Quốc về VN qua cửa khẩu Móng Cái tăng mạnh trong tháng 9/2011.

Trung bình mỗi tuần có khoảng 400 tấn được nhập, theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 1.800 tấn tấm lợp composite nhập về trong tháng 9 với mức giá giao động từ 18 - 46 NDT/m dài đối với các loại dày 1mm; 1,2mm và 1,5mm. Hiện, nhu cầu sử dụng loại vật liệu này tăng khá cao, do mùa lũ đang đến gần, là nguyên nhân thúc đẩy các đơn vị kinh doanh nâng cao sản lượng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu.

H.Đ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển khai chương trình kích cầu của UBND TP.HCM năm 2011
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO