TP. Hồ Chí Minh đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

THIÊN YẾT| 04/04/2017 00:41

Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những giải pháp của TP. Hồ Chí Minh để tăng năng lực cạnh tranh cấp địa phương trong vấn đề thu hút đầu tư.

TP. Hồ Chí Minh đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp

Đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những giải pháp của TP. Hồ Chí Minh để tăng năng lực cạnh tranh cấp địa phương trong vấn đề thu hút đầu tư.

Đọc E-paper

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I - 2017 đồng thời triển khai nhiệm vụ quý II của TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), tiến tới mục tiêu có 500.000 DN đến năm 2020 theo đúng Quyết định 3907/QĐ-UBND (triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ Về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020). 

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2016, TP.HCM có trên 36.000 DN và hơn 300.000 hộ kinh doanh cá thể. Trong quý I - 2017 có 7.947 DN được thành lập với tổng số vốn đăng ký 99.475 tỷ đồng, đồng thời có 10.970 lượt DN đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh, trong đó vốn bổ sung tăng 49.453 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, Cục Thuế TP.HCM đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, tạo thuận lợi cho DN đăng ký khoán sử dụng hóa đơn, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện (khám chữa bệnh, chế biến, thực phẩm, mua bán dược phẩm) hay khoán về doanh thu (trên 100 triệu/tháng ở trung tâm và 50 triệu/tháng đối với vùng ven).

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các quận tạo điều kiện nhanh nhất về thủ tục cho hộ gia đình chuyển sang DN. Thành phố cũng tạo điều kiện để DN mới tiếp cận nguồn vốn vay, các cơ hội liên doanh, liên kết trong kinh doanh.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, TP.HCM đang đơn giản hóa thủ tục hành chính để DN dễ dàng triển khai sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những giải pháp để tăng năng lực cạnh tranh cấp địa phương trong vấn đề thu hút đầu tư.

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, lần đầu tiên TP.HCM bật khỏi top 5 (đứng thứ 8) nhưng PCI tăng 0,36 điểm. Nguyên nhân "tăng điểm" này là nhờ những bước tiến về chỉ số gia nhập thị trường, chi phí không chính thức giảm và các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự thân thiện của công chức.

Trong mục tiêu tăng mức độ hấp dẫn nhà đầu tư, chính quyền Thành phố đang xem xét thành lập tổ công tác liên ngành, đề cao trách nhiệm cá nhân để giải quyết các vấn đề xây dựng, đầu tư theo hình thức "một cửa" nhằm rút ngắn hơn nữa quy trình, chi phí, thời gian cho nhà đầu tư tham gia thị trường.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù điểm số PCI của TP.HCM tăng nhưng cần phải thận trọng vì hiện nay, các địa phương khác cũng "tranh thủ” cải thiện môi trường đầu tư để thu hút DN, điển hình như tỉnh Bình Dương đã từ vị trí thứ 25 năm 2015 vươn lên đứng thứ tư 2016. Được biết, địa phương này đã thí điểm hình thức người dân và DN có thể nộp hồ sơ hành chính ngay tại nhà, DN có thể đăng ký lịch làm việc với cơ quan nhà nước qua email... nhằm tiến tới xây dựng chính quyền thân thiện, giảm nhũng nhiễu đối với DN.

Trong tháng 3/2017, cả nước có 12.027 DN thành lập, là con số cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính trong quý I - 2017, cả nước có thêm 26.478 DN với số vốn đăng ký trên 271.000 tỷ đồng, tăng 11% về số lượng và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong quý I - 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với đó, DN đang hoạt động cũng bổ sung vốn kinh doanh 325.400 tỷ đồng, giúp tổng vốn đưa vào nền kinh tế trong quý I - 2017 đạt trên 596.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

>>Chỉ số PCI và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP. Hồ Chí Minh đặt trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO