TP.HCM sẵn sàng triển khai các cơ chế, chính sách vượt trội

Văn Tám| 19/05/2023 00:00

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 là hết sức cấp thiết, thậm chí rất cấp thiết, qua đó tạo ra những động lực mới, mạnh mẽ hơn giúp thành phố tiếp tục phát triển xứng tầm.

TP.HCM sẵn sàng triển khai các cơ chế, chính sách vượt trội

Phát biểu tại buổi họp báo về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM diễn ra vào ngày 18/5/2023, ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cùng với các đặc thù trong hành trình phát triển của TP.HCM là sự xuất hiện một số lĩnh vực mà khuôn khổ pháp luật chưa thể bao quát hết (cho TP.HCM), vì thế đòi hỏi một khung pháp lý phù hợp, vững chắc để tháo gỡ vướng mắc, tạo ra một không gian phát triển mới, khắc phục được những hạn chế ở Nghị quyết 54, từ đó tạo ra những động lực mới hơn và mạnh mẽ hơn cho sự phát triển thành phố, của đầu tàu TP.HCM".

Do vậy, việc ban hành một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 là hết sức cấp thiết, thậm chí rất cấp thiết. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, một nghị quyết mới nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". 

Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 có khoảng 43 cơ chế, chính sách chia làm 4 nhóm: những nội dung của Nghị quyết 54 được TP.HCM đề xuất tiếp tục thực hiện; những chính sách đã có trong cơ chế đặc thù ở các địa phương khác; những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật, thành phố xin thí điểm thực hiện trước và cuối cùng là nhóm chính sách mới do thành phố đề xuất.

"Số lượng cơ chế, chính sách này sẽ giúp thành phố tháo gỡ đáng kể những vướng mắc về mặt thể chế và tạo động lực cho thành phố phát triển", Chủ tịch UBND TP.HCM nói. "Đơn cử, giúp thành phố huy động nguồn lực phát triển ngoài ngân sách; phân cấp, phân quyền cho thành phố chủ động hơn trong giải quyết các thủ tục và đặc biệt tháo gỡ cơ chế hoạt động cho thành phố Thủ Đức". 

Ngoài ra, trong dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM có thẩm quyền tạo ra nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút, ưu đãi các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

-7793-1684465859.jpg

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và cả đội ngũ cán bộ, công chức để triển khai, cụ thể hóa nghị quyết nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới

Trả lời câu hỏi "Liệu những cơ chế, chính sách sắp tới đây nếu nghị quyết mới được thông qua có đủ sức giúp TP.HCM tháo gỡ được các vướng mắc, có đủ động lực giúp thành phố phát triển hay không?", Chủ tịch UBND TP.HCM thẳng thắn cho rằng, một nghị quyết không thể tháo gỡ hết khó khăn, vướng mắc cho thành phố. Quốc hội và Chính phủ trong thời gian sau sẽ tiếp tục cùng TP.HCM phối hợp đưa ra các quy định, văn bản pháp luật khác phù hợp với thực tiễn, nút thắt, yêu cầu phát triển của thành phố trên quan điểm các chính sách, cơ chế mới là để thu hút đầu tư, tạo sự phát triển.

Để triển khai có hiệu quả nghị quyết mới, chắc chắn rằng TP.HCM luôn cần sự đồng hành của các bộ, ngành và thành phố luôn đặt trọng tâm "luôn trao đổi giữa thành phố và các bộ, ngành" để có những điều chỉnh phù hợp, bám sát thực tiễn trên cơ sở pháp luật phù hợp.

Chia sẻ với báo chí về "những cơ chế, chính sách mới cho TP.HCM sẽ lan tỏa đến cả nước như thế nào?", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho TP.HCM, giúp giữ vững vai trò đầu tàu, là cực tăng trưởng và đóng góp cho cả nước. Và nếu TP.HCM vận dụng, triển khai thành công nghị quyết này, thì trong thời gian sau đó, Quốc hội và Chính phủ có thể tiếp tục thể chế hóa để áp dụng cho nhiều địa phương khác.

Quan điểm của TP.HCM khi phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương khi xây dựng dự thảo cho nghị quyết mới, đó là thành phố chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách giúp cho thành phố tiếp tục phát triển; song TP.HCM cũng sẵn sàng nhận lại các gợi ý, chính sách, cơ chế mà các bộ, ngành muốn thí điểm.

"Tinh thần là TP.HCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước, chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho thành phố. Và nếu có thì đó cũng là vì mong muốn thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước, sự phát triển của TP.HCM không chỉ là riêng cho thành phố, mà là cho cả nước", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh. 

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM đã chuẩn bị tâm thế, lực lượng, điều kiện để thực hiện nghị quyết mới nếu được thông qua. 

Năng lực thực thi

Mượn lời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trước đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, chuẩn bị đội ngũ và chuẩn bị tâm thế để triển khai nghị quyết mới là rất quan trọng. Do đó, theo lời Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố đã chuẩn bị, đã phân công cho các cơ quan, sở, ngành cụ thể hóa các nội dung cơ chế để có thể trình HĐND TP.HCM trong các kỳ họp gần nhất, mà cụ thể là kỳ họp tháng 7, tháng 9 và tháng 12/2023. 

"Sẽ có khoảng 28 nội dung được trình HĐND TP.HCM giữa kỳ sắp tới, trong đó có 8 nội dung cụ thể hóa nghị quyết mới, trong số này có việc nâng đầu tư trung hạn", Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin. 

Bên cạnh đó, thành phố đã phân công, nghiên cứu, phân ra nội dung nào cần trình HĐND, nội dung nào cần xin chủ trương Thành ủy. Đồng thời, phối hợp một số cơ quan tư vấn, phát huy viện nghiên cứu phát triển để xây dựng đề án, kế hoạch triển khai nghị quyết hiệu quả nhất. Tinh thần của thành phố là ngay trong năm 2023 phải cơ bản cụ thể hóa nghị quyết mới và 4 năm còn lại để triển khai thực hiện. 

Trước trăn trở về tình trạng hiện có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức không chỉ của riêng thành phố mà của cả nước còn e dè, ngại trách nhiệm trong thực thi công vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định thành phố cũng đã yêu cầu các sở, ban, ngành các cấp, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tập trung củng cố đội ngũ cán bộ đủ sức thực hiện nghị quyết mới.

"Hiện có tình trạng này, nhưng không phải tất cả", Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định. "Và thành phố đang làm các biện pháp về tư tưởng chính trị, động viên cũng như nhắc nhở, phê bình và có những biện pháp hành chính nhất định, kèm với đó là các nội dung khác như rà soát lại để làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, của công chức, viên chức, từ đó khi giao việc cụ thể thì sau đó sẽ có kiểm tra, đánh giá hiệu quả gắn với chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cũng như phê bình, nhắc nhở, kỷ luật".

-3552-1684430240.jpg

Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, dự thảo của nghị quyết mới nhìn chung giải quyết được câu chuyện liên quan đến địa phương này. 

Theo đó, TP.HCM sẽ có được sự linh động hơn trong phân cấp, ủy quyền cho thành phố Thủ Đức và phân cấp, ủy quyền của thành phố Thủ Đức đối với các đơn vị trực thuộc cũng sẽ được đẩy mạnh, qua đó giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý công việc hành chính, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai. Sau cùng, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cũng có nội dung giao thẩm quyền HĐND TP.HCM xác định cơ quan chuyên môn của thành phố Thủ Đức, các chức năng nhiệm vụ phù hợp với điều kiện mới. 

Cũng theo lời Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, các cơ chế, chính sách cho phép đầu tư công, thu hút nguồn lực xã hội để phát triển trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, thể dục thể thao sẽ giúp địa phương này có thêm nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM sẵn sàng triển khai các cơ chế, chính sách vượt trội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO