TP.HCM huy động mọi nguồn lực xã hội cho đô thị sáng tạo

TUYẾT ÂN – QUANG DUY| 23/11/2018 04:43

Chính quyền TP.HCM cam kết làm hết sức mình để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực của đô thị sáng tạo, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, một khung pháp lý minh bạch; sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và hỗ trợ tốt nhất”.

TP.HCM huy động mọi nguồn lực xã hội cho đô thị sáng tạo

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 sáng 23/11. Ảnh: Hoàng Chương

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phát biểu như vậy tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 sáng nay. Diễn đàn năm nay với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - vai trò động lực của doanh nghiệp”, quy tụ hàng trăm chuyên gia quốc tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý tham dự.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, chủ đề diễn đàn năm nay nhằm thảo luận vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo, lắng nghe các sáng kiến để kết nối 4 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính, trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.

TP.HCM huy động mọi nguồn lực xã hội cho đô thị sáng tạo

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018. Ảnh: Hoàng Chương

“Tốc độ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không có tiền lệ, đã lan tỏa và tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất. Làm thế nào để huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực doanh nghiệp để cùng góp sức đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới”, Chủ tịch Thành phố phát biểu.

Theo đó, thành phố triển khai Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó điểm nhấn là xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức. Khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nền tảng để triển khai Đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố.

Hiện nay TP.HCM đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số lượng doanh nghiệp của cả nước, đây là nền tảng ý nghĩa khi thành phố chuyển mình thành một siêu đô thị.

TP.HCM huy động mọi nguồn lực cho đô thị sáng tạo

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018 diễn ra sáng 23/11. Ảnh: Hoàng Chương

“Để xây dựng thành công khu đô thị sáng tạo, cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gồm Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính, trong đó doanh nghiệp vừa đóng vai trò trung tâm, vừa là động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tìm cách huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh của 372.000 doanh nghiệp trên địa bàn trong việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố”, ông Phong nói.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn, TS. Emmanuel A.San Andres - chuyên gia hỗ trợ chính sách của APEC cho rằng, điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo là đầu tư cho R&D, theo đó việc phát triển kinh tế cần nhất quán với đào tạo nguồn nhân lực. Để đáp ứng cho nền kinh tế theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, việc đổi mới cấu trúc phải từ các luật định cho việc cạnh tranh, bảo vệ sở hữu trí tuệ hay cho kinh doanh với cơ chế khuyến khích cạnh tranh và sáng tạo.

TS. Emmanuel phân tích: “Những luật lệ và quy định hiện nay là quá cũ vì nó là sản phẩm của nền kinh tế 2.0 của những năm 1990, cần phải thay đổi kịp thời để thích ứng. Nền kinh tế mới đòi hỏi đổi mới sáng tạo, khuyến khích những công ty dám chấp nhận rủi ro, sai lầm. Các nhà làm chính sách vì thế phải phản ứng nhanh hơn, liên tục nâng cấp kỹ năng của người lao động và của nhà quản lý mới có thể thích ứng với nền kinh tế mới”.

Link bài viết

Ở một góc nhìn khác, TS. Kyosuke Nagata - Hiệu trưởng Đại học Tsukuba cho rằng, cần tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu giáo dục, có các chính sách đặc biệt để phát triển khoa học, thu hút nhân tài. Theo ông, trường đại học là cốt lõi quan trọng cho phát triển khoa học công nghệ và nền tảng cho kinh doanh, vì nhờ khoa học và công nghệ, doanh nghiệp mới có thể đổi mới sáng tạo và phát triển.

Còn theo TS. Ahmad Macard - Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore, điều then chốt của nền kinh tế sáng tạo là thiết lập môi trường mà tư duy phù hợp với kinh doanh và thương mại hóa các ý tưởng, giảm thiểu các rủi ro, giúp tạo ra môi trường thông minh nuôi dưỡng sáng tạo.

“Chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh luật và các quy định, xét tới tính phức tạp của môi trường mà doanh nghiệp hoạt động. Điều này đòi hỏi các nhà làm luật phải hiểu được sức tác động của công nghệ mới để điều chỉnh phù hợp với môi trường thực tế, kết nối toàn chuỗi để tận dụng nguồn lực và dùng chung để tiết kiệm chi phí, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và tăng khả năng cạnh tranh”, TS. Macard chia sẻ.

Đưa khu Đông làm hạt nhân chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho biết, từ năm 2017, đề án xây dựng TP.HCM thành một đô thị thông minh đã được bổ sung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Điểm bắt đầu của kế hoạch này là xây dựng khu Đông thành đô thị sáng tạo như một hạt nhân dẫn đầu cho việc hội nhập với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Các nội dung triển khai nhằm thiết lập chuỗi giá trị đi từ nghiên cứu khoa học cơ bản, ứng dụng, đào tạo, thiết kế cho đến sản xuất, tiêu thụ và cung ứng dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Các nội dung triển khai gồm:

- Tập hợp các nhà lãnh đạo từ các tổ chức, doanh nghiệp  - các viện trường - Nhà nước thành một mạng lưới lãnh đạo hợp tác để lập chương trình, thiết kế, phân phối, tiếp thị và quản trị. Sự hợp tác này nhằm tăng cường liên kết, đề ra các giải pháp nâng cao năng lực sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp có hiệu quả.

- Đặt ra tầm nhìn phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế (hoạt động kinh doanh), đô thị (không gian vật chất) và xã hội (đào tạo và thu hút nguồn nhân lực).

- Xây dựng chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo. Theo đó xây dựng môi trường lao động cho đội ngũ khoa học phù hợp với các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu và có mức độ tập trung nghiên cứu cao, là môi trường cho các ý tưởng sáng tạo, các nhà đầu tư mạo hiểm dễ dàng tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

- Thúc đẩy tăng trưởng bằng cách sử dụng khu vực đổi mới làm nền tảng để tái tạo các vùng lân cận chung quanh cũng như tạo các cơ hội giáo dục, việc làm và các cơ hội khác cho các cư dân có thu nhập thấp của thành phố. Các chiến lược đào tạo trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế đổi mới trong chuỗi phát triển sản phẩm sáng tạo.

Cuối cùng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; thương mại hóa đổi mới; khởi nghiệp và mở rộng doanh nghiệp (bao gồm vườn ươm doanh nghiệp); bất động sản đô thị, dân dụng, công nghiệp và thương mại (bao gồm cả không gian hợp tác mới); cơ sở hạ tầng dựa trên địa điểm; cơ sở giáo dục và đào tạo; và các trung gian để quản lý hệ sinh thái đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM huy động mọi nguồn lực xã hội cho đô thị sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO