TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9

P.V| 15/09/2021 09:55

TP.HCM tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP theo tinh thần CT 16 từ 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9.

TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9

Buổi họp báo do ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì cùng sự tham gia của ông Lê Hải Bình - ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Phạm Đức Hải - Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM… cùng sự tham gia của đại diện nhiều sở, ban, ngành TP.

An toàn tới đâu mở cửa tới đó

Bên cạnh giãn cách xã hội đến hết ngày 30/9 theo tinh thần CT 16, TP.HCM tiếp tục cấp giấy đi đường cho các đối tượng được phép lưu thông, các giấy đi đường công an TP đã cấp có hiệu lực đến hết 30/9.

Đối với các DN, hộ kinh doanh, trước đây chỉ cho giao hàng thông qua shipper công nghệ, lần này cho phép nhân viên của các cơ sở đủ điều kiện được phép tự giao hàng nhưng chỉ trong phạm vi quận.

Các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch Q.7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, các KCN, khu công nghệ cao trên địa bàn các quận này thí điểm người dân được đi chợ một lần mỗi tuần.

Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, TP HCM tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch 2798 và Công văn 2994 của UBND TP HCM. Như vậy, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện "đi chợ hộ" cho người dân.

Pho-chu-tich-le-hoa-binh-8627-1631711796

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại buổi họp báo tối 15/9

Tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc "vùng xanh" thì chính quyền địa phương xem xét quyết định, cho phép người dân đến tập thể dục nếu đảm bảo an toàn, tuân thủ 5K. Riêng các công viên lớn như Lê Văn Tám, Tao Đàn, Hồ Bán Nguyệt ở Phú Mỹ Hưng chưa được cho các hoạt động, sinh hoạt công cộng.

Ông Phạm Đức Hải cho biết TP quyết tâm đảm bảo những giải pháp an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Khi thực hiện giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi giãn cách. Phạm vi giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, tổ ấp, khu phố.

Ông Bình cho biết sắp tới TP sẽ thí điểm "thẻ xanh Covid" cấp mã QR, cùng với thực hiện 5K và xét nghiệm kháng nguyên. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ làm phần app dữ liệu để tích hợp công nghệ thực hiện việc này, để tránh người dân xuất trình nhiều giấy tờ, trước mắt thí điểm tại Q. 7 và 2 huyện Củ Chi, Cần Giờ hai tuần trước khi áp dụng toàn thành phố. Shipper hoạt động từ 6 - 21 giờ hàng ngày, được đi liên quận, tạo tiện lợi cho người dân đặt hàng, đáp ứng nhu cầu; shipper phải xét nghiệm gộp 3 hai ngày một lần, TP hỗ trợ kinh phí.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh được hoạt động tự 6 - 21 giờ ở các ngành nghề: dịch vụ bưu chính, thiết bị tin học, thiết bị học tập, dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, hoạt động phương thực "3 tại chỗ"; nông nghiệp; bảo trì công trình, máy móc phương tiện, bảo trì phương tiện giao thông vận tải; sản xuất chế biến kinh doanh lương thực. Các công trình xây dựng được phép thi công nếu tuân thủ quy định phòng dịch.

Điều kiện để các cơ sở trên được hoạt động là shipper phải tiêm vaccine, xét nghiệm; nhân viên giao nhận hàng của doanh nghiệp chỉ được đi trong nội quận huyện, kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp tự trả. Các DN, hộ kinh doanh phải đăng ký ủy ban quận huyện, phường xã để được cấp giấy đi đường.

Chọn "Y tế TP.HCM" làm ứng dụng thống nhất

TP xác định mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày. Thần tốc xét nghiệm, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh.

Khi xét nghiệm PCR phải trả kết quả trong vòng 12 tiếng, thực hiện xét nghiệm trong từng địa bàn, tránh lây nhiễm chéo, tập trung lấy mẫu cho địa bàn nguy cơ cao, rất cao, tổ chức nhiều đội lấy mẫu.

Việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể thực hiện bởi tình nguyện viên, người dân. Thành lập các trạm y tế lưu động, theo nguyên tắc gần dân nhất. Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định giãn cách, nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải từng bước, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

y-te-tphcm-7804-1631711797.jpg

"Y tế TP.HCM" được chọn làm ứng dụng thống nhất trên địa bàn TP.HCM

Đối với ứng dụng "Y tế TP.HCM", ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TT-TT cho biết đây không phải là ứng dụng mới mà ứng dụng này đã được thành phố triển khai từ tháng 1 để khai báo y tế. Sau khi rà soát tình hình hiện nay đang có nhiều ứng dụng gây bất tiện và cũng để giúp giảm giấy tờ cho người dân, TP đã xin ý kiến của Bộ TT-TT và thống nhất chọn "Y tế TP.HCM" làm ứng dụng thống nhất trên địa bàn.

Về lý do chọn giải pháp này, ông Thắng cho biết ứng dụng này do TP phát triển và đáp ứng được các yêu cầu thí điểm ở một số lĩnh vực. Sau này, khi trở về trạng thái bình thường mới, TP sẽ phát triển thành ứng dụng của công dân TP.HCM.

Trước đó vào ngày 14/9, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần CT 16.

Bí thư Nên cũng cho biết đa số các địa phương chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch nên TP.HCM cần tiếp tục thực hiện giãn cách. Thủ tướng cũng đã thống nhất với đề xuất của TP.HCM.

Trong đó, những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO