TP.HCM cần đưa nhanh dịch vụ y tế tư nhân vào phòng, chống dịch Covid-19

BĂNG TÂM| 12/08/2021 07:11

Đó là ý kiến của PGS. Lê Thành Đồng -  Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM. Theo PGS. Lê Thành Đồng, chống đại dịch Covid-19 bây giờ phải linh hoạt, cứ máy móc, chậm chạp trong việc test nhanh và tiêm vaccine thì khó đạt kết quả như kỳ vọng.

tr7-ong-Le-Thanh-Dong-1-4771-1628584708.

PGS. Lê Thành Đồng 

* Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM kiến nghị tự thuê dịch vụ y tế tư nhân để xét nghiệm và giám sát dịch bệnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, đó là nhu cầu thực tế. Tôi nhớ trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến chuyện này. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn triển khai theo hướng để cho doanh nghiệp tự tổ chức lấy mẫu xét nghiệm (test) cho công nhân.

Việc cá nhân hay doanh nghiệp tự test nhanh, trong trường hợp dương tính thì phải xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế. Như vậy, khi triển khai chủ trương này cần phải tập huấn bằng video để người dân và DN có kiến thức khi lấy mẫu, kết quả phản ánh đúng thực trạng và mục đích phòng dịch.

* Hiện trên thị trường có nhiều bộ kit test nhanh, Bộ Y tế có đưa ra quy chuẩn, hay hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp cách sử dụng không, thưa ông?

- Trong tháng 7, Bộ Y tế đã công bố, cập nhật danh sách 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được lưu hành. Do đó, nếu cần cũng không nên mua thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì có thể có độ nhạy thấp, có loại chỉ đạt 25%. 

* Theo ông thì TP.HCM có nên cho phép doanh nghiệp được thuê đơn vị y tế tư nhân để phòng, chống dịch Covid-19 như cách Bắc Ninh, Bắc Giang đã làm?

- Bộ Y tế đã kêu gọi các đơn vị y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch, từ điều trị, thu dung bệnh nhân, huy động cơ sở vật chất phục vụ điều trị... Chủ trương này đã bao hàm giám sát xét nghiệm tại doanh nghiệp. Vấn đề là đơn vị y tế tham gia phải đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn về pháp lý và chuyên môn. Do vậy, TP.HCM cứ dựa vào chủ trương của Bộ Y tế để kêu gọi hệ thống y tế tư nhân cùng tham gia phòng, chống dịch.

* Hiện nay nhiều doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2, do vậy họ đề xuất được tự thuê dịch vụ tiêm vaccine...

- Trước đây ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, sau này khi có nhiều nguồn vaccine thì triển khai cho nhóm có nguy cơ cao, như trên 65 tuổi, người có bệnh nền. Tôi từng đề nghị Thành phố ưu tiên vaccine cho những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng thiết yếu với đời sống thường nhật. Vaccine có khả năng miễn dịch cộng đồng khi tiêm cho ít nhất 70% dân số, chưa kể phải tiêm lại theo chu kỳ. Tôi ủng hộ sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng. Tại sao phải quy định chỗ này được tiêm, chỗ kia phải chờ trong khi tiến độ đang rất chậm? 

Tôi thấy việc đưa những xe tiêm chủng đến ngõ, đến từng khu dân cư là cách làm hay. Nhưng phải nhớ sau tiêm vaccine cần một thời gian mới có miễn dịch chứ không phải tiêm xong là có hiệu quả ngay. Do vậy càng chậm tiêm đại trà thì virus SARS-CoV-2 càng dễ lây lan.

* Có hướng dẫn nào cho phép doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ tự thuê dịch vụ tiêm vaccine cho người lao động không, thưa ông?

- Tôi chưa thấy có hướng dẫn nhưng cũng đừng máy móc, đừng đợi chờ. Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu: “Đội ngũ y tế sau nhiều ngày chống dịch đã rất mệt mỏi nên khu vực TP.HCM phải tổ chức lại đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm, như hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, từ đó giảm tải và có thêm người hỗ trợ y tế cho người dân ngay tại cộng đồng”. Nếu tiêm vaccine đại trà, ví dụ tỷ lệ sốc phản vệ 1/100.000 người thì phải chấp nhận thay vì trong 100.000 người thì 70.000 người có nguy cơ nhiễm bệnh, chẳng hạn. 

* Ông có lời khuyên nào đối với doanh nghiệp trong công tác phòng dịch ở thời điểm này?

- Nếu doanh nghiệp tự test thì ký hợp đồng với các đơn vị làm xét nghiệm. Về chứng nhận xét nghiệm, nếu doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ” thì giấy xác nhận âm tính cũng không quan trọng, vì tất cả đều ở lại nhà máy, không ra ngoài thì đâu cần giấy xác nhận. Xét nghiệm là tìm F0 và đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Về tiêm chủng, nếu hợp đồng với đơn vị nào được cấp phép tiêm chủng thì doanh nghiệp chủ động thỏa thuận với họ. Hiện nay có các đội tiêm chủng lưu động thì tổ chức tiêm chủng tại doanh nghiệp là tốt nhất. Nếu doanh nghiệp không có vaccine thì thực hiện hợp đồng trọn gói. Bây giờ nên linh hoạt, cứ máy móc thì việc tiêm vaccine càng chậm. 

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần đưa nhanh dịch vụ y tế tư nhân vào phòng, chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO