Tin kinh tế ngày 5/10: 7 địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa

HT| 05/10/2021 07:00

Các tin tức nổi bật khác gồm có: tổng giá trị giao dịch sàn chứng khoán HOSE 9 tháng đầu năm tăng hơn 290%; doanh nghiệp TP.HCM cần bổ sung hàng chục nghìn lao động; Chính phủ đồng ý chi 3.500 tỷ đồng hỗ trợ học sinh mua máy tính...

7 địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa

1-8792-1633419257.jpg

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến 12 giờ ngày 5/10/2021, đã có 10 địa phương gửi văn bản góp ý về kế hoạch mở lại đường bay nội địa. Có 7 địa phương đã đồng ý mở lại đường bay trong đó các tỉnh như Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa hoàn toàn thống nhất với kế hoạch; tỉnh Nghệ An thống nhất đối với các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TP.HCM với tần suất 2 chuyến/tuần; TP.HCM cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch.

Trước đó, ngày 1/10/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động, đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau. 

Tổng giá trị giao dịch sàn chứng khoán HOSE 9 tháng đầu năm tăng hơn 290%

2-6370-1633419257.jpg

Số liệu của HoSE cho thấy, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt trên 3,59 triệu tỷ đồng và tổng khối lượng giao dịch đạt trên 125,56 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng 290,69% về giá trị và tăng 135,73% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020. Quy mô thị trường trên HoSE tính đến hết ngày 30/09/2021 có 488 mã chứng khoán giao dịch, trong đó gồm 401 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 7 mã chứng chỉ quỹ ETF, 57 mã chứng quyền có bảo đảm và 21 mã trái phiếu.

Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 111,3 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,13 triệu tỷ đồng, tăng 2,30% so với tháng trước, đạt khoảng 81,59% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).

Chính phủ đồng ý chi 3.500 tỷ đồng hỗ trợ học sinh mua máy tính

3-3647-1633419257.jpg

Gói tín dụng này nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, chẳng hạn những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch bệnh và chưa có máy tính để học tập.

Dự kiến, tổng nguồn vốn bố trí để cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng, nằm trong gói tín dụng 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị quyết số 68 năm 2021 của Chính phủ để cho vay trả lương người lao động. Bộ Tài chính dự kiến thời gian giải ngân là từ ngày quyết định của Thủ tướng có hiệu lực đến hết ngày 31/3/2022.

Doanh nghiệp TP.HCM cần bổ sung hàng chục nghìn lao động

4-4581-1633419258.jpg

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, trong quý III/2021, nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn TP cần hơn 43.600 - 56.800 lao động. Về cách giải quyết nhu cầu lao động, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP có số lao động đi về quê, họ sẽ được nhận tin nhắn để trở TP tiếp tục làm việc và đảm bảo đúng theo Bộ tiêu chí an toàn của DN.

Đối với lực lượng lao động đang sinh sống trên địa bàn TP muốn tìm việc, TP.HCM hiện có 127 cơ quan giới thiệu việc làm có đăng ký có giấy phép, trong đó Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên là nòng cốt.

9 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách nhà nước tăng 9,2%

5-8854-1633419258.jpg

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thu ngân sách Nhà nước tiếp tục bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tiếp tục ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ngân sách trung ương ước đạt 76,5% dự toán và ngân sách địa phương ước đạt 84,7% dự toán.

Để bù đắp cho nguồn thu sụt giảm, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 5/10: 7 địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO