Tin kinh tế ngày 15/10: Nhiều ngành đang khát lao động

HT| 15/10/2021 07:00

GDP Việt Nam được dự báo tăng cao nhất nhóm 5 nước ASEAN; ngân hàng sẽ không được tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ; Đà Nẵng sẽ phục hồi kinh tế bằng mô hình "bong bóng du lịch"... cùng là những tin đáng chú ý.

Nhiều ngành đang khát lao động

1-4955-1634282421.jpg

Số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, khi Thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách, đã có hơn nửa triệu lao động bỏ phố về quê, trong đó có khoảng 300.000 công nhân. Trước dịch, TP.HCM có gần 4 triệu lao động tại hơn 286.000 doanh nghiệp, trong đó 1,2 triệu công nhân tại các nhà máy, riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và một khu công nghệ cao có hơn 320.000 người. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố chiếm 98%, nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông... Theo các chuyên gia, việc thiếu lao động xảy ra nhiều ở những doanh nghiệp không xem trọng chính sách giữ chân người lao động trong thời gian dịch.

GDP Việt Nam được dự báo tăng cao nhất nhóm 5 nước ASEAN

2-8280-1634282421.jpg

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm nay khoảng 6,5%. Một số nước có tốc độ tăng GDP tốt như Singapore 6% (năm ngoái tăng trưởng âm 5,4%), Trung Quốc 8% (năm ngoái 2,3%). Trong nhóm 5 nước Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng 3,8% (năm ngoái 2,9%). 4 nước còn lại là Indonesia, Thái Lan, Phillipines, Malaysia năm ngoái đều tăng trưởng âm, dự báo tăng trưởng năm nay cũng chỉ ở dưới 3,5%. Thậm chí, IMF dự báo Thái Lan chỉ tăng trưởng 1% trong khi năm ngoái GDP tăng trưởng âm 6,1%. IMF đánh giá, đứt gãy chuỗi cung ứng và sức ép giá cả đang kiềm chế đà phục hồi của các nền kinh tế. Do đó, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 được hạ xuống 5,9%, giảm nhẹ so với mức 6% đưa ra trước đó và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.

Ngân hàng sẽ không được tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ

3-jpeg-2018-1634282422.jpg

Đây là một trong những quy định mới đang được Ngân hàng Nhà nước đưa vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 09/2015, quy định về hoạt động mua bán nợ của các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình thực hiện mua bán nợ theo Thông tư 09/2015, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cho biết có một số phát sinh vướng mắc do thông tư này chưa hướng dẫn cụ thể về cách định giá khoản nợ, xử lý chênh lệch tỷ giá, xử lý tài chính đối với một số trường hợp bên mua nợ là tổ chức tín dụng khác… Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng có hiện tượng một số tổ chức tín dụng thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là tổ chức tín dụng và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Cơ quan quản lý cho rằng hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các nhà băng.

Đà Nẵng sẽ phục hồi kinh tế bằng mô hình "bong bóng du lịch"

4-6079-1634282422.jpg

Đà Nẵng sẽ sớm triển khai phương án đón và phục vụ khách nội địa để từng bước khởi động và phục hồi du lịch, tạo sự lan tỏa đến các ngành khác như giao thông, công thương, bất động sản... để đóng góp nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm. Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Đà Nẵng là ngành du lịch khôi phục theo phương châm chủ động thích ứng, linh hoạt để đạt hiệu quả. Đà Nẵng sẽ triển khai mô hình "bong bóng du lịch" với một số tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh để khai thác và trao đổi nguồn khách. Hình thức "bong bóng du lịch" là những khách đi tour/combo khép kín qua công ty lữ hành khi đến Đà Nẵng. Tour/combo trọn gói có thể là tour nghỉ dưỡng, tour chơi golf, tour nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí.

Sau giãn cách, nhiều doanh nghiệp xin nhận lại hàng tồn đọng tại cảng

5-JPG-7425-1634282422.jpg

Cục Hải quan TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp xử lý rốt ráo đối với hàng hóa tồn đọng tại cảng theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp xin nhận lại hàng tồn đọng, nhưng đã quá thời hạn xử lý. Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, Hải quan TP.HCM đã cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, mục đích cuối cùng của việc xử lý hàng hóa tồn đọng là nhằm nhanh chóng giải phóng kho bãi cho cảng, giải phóng container để hãng tàu sớm đưa vào khai thác, tránh kéo dài thời gian gây ô nhiễm cho môi trường đối với hàng hóa dễ hư hỏng và giảm bớt các chi phí lưu container, lưu bãi, phát sinh... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 15/10: Nhiều ngành đang khát lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO