Tin kinh tế ngày 10/9: Giá xăng dầu đồng loạt tăng

HT| 10/09/2021 07:00

Cùng với đó là loạt tin tức về kinh tế đáng chú ý khác như chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam; Phú Quốc dự kiến đón khách du lịch vào tháng 10; đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì suy giảm nguồn nước sông Mekong...

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

0-2104-1631266605.jpg

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng E5 RON 92 từ 15 giờ ngày 10/9/2021 cao nhất là 20.140 đồng/lít (tăng 250 đồng); RON 95 là 21.390 đồng/lít (tăng 260 đồng). Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hỏa là 15.080 đồng/lít, tăng 320 đồng. Dầu diesel là 16.020 đồng/lít, tăng 360 đồng. Dầu mazut là 15.950 đồng/kg, tăng 900 đồng.

Cơ quan điều hành cũng chi 900 đồng từ quỹ để bù cho mỗi lít xăng E5 RON 92; các mặt hàng khác không chi quỹ. Nhà điều hành cũng trích quỹ 150 đồng một lít với RON 95; trích 200 đồng mỗi lít dầu diesel và dầu hỏa; dầu mazut là 100 đồng mỗi kg. Riêng xăng E5 RON 92 không trích quỹ. Như vậy, giá xăng đã có đợt tăng trở lại sau một kỳ giảm giá và một kỳ giữ nguyên giá bán từ giữa tháng 8 đến nay.

Phú Quốc dự kiến đón khách du lịch vào tháng 10

2-7707-1631266605.jpg

Tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ có chủ trương áp dụng hộ chiếu vaccine, quyết tâm sớm mở cửa đón khách du lịch quốc tế và trong nước đến đảo ngọc Phú Quốc. Để thực hiện mục tiêu đón khách du lịch từ tháng 10/2021, Phú Quốc mong muốn Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh phân bổ vaccine để tiêm ngừa toàn dân trên đảo, tối thiểu cũng 90% người dân, người lao động và làm việc tại đây.

Vaccine sẽ tạo kháng thể an toàn cho Phú Quốc trong việc mở cửa đón khách. Hiện ngành y tế Phú Quốc đã tiêm vaccine 35% dân số trên đảo, tương đương trên 30.000 liều. Thành phố này cần 250.000-300.000 liều để tiêm đủ 2 liều cho tất cả người đủ 18 tuổi.

Chi ngân sách giai đoạn 2021-2025 dự kiến tăng 2,6 triệu tỷ đồng

3-8448-1631266605.jpg

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1687/QĐ-BTC ban hành chương trình hành động của Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, chương trình hành động của Bộ Tài chính nhiệm kỳ này đặt mục tiêu huy động, phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính của nhà nước và xã hội nhằm đáp ứng mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 5 năm tới, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổng chi ngân sách tăng thêm 2,6 tỷ đồng nhưng vẫn giữ tỷ trọng 28% GDP như giai đoạn 2015-2020. Đáng chú ý, Bộ tài chính cũng đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 không thấp hơn tỷ trọng 16% GDP; trong đó từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP, thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách.

Chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời Việt Nam

4-7412-1631266605.jpg

Khẳng định này được Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Alain Cany nêu tại cuộc gặp giữa cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đây là cuộc gặp thứ ba giữa Thủ tướng với các DN nước ngoài tại Việt Nam để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn mà họ gặp phải vì dịch Covid-19.

Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, có 18% các DN trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác; 16% DN cũng đang cân nhắc điều này. Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các DN.

Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì suy giảm nguồn nước sông Mekong

5-5520-1631266605.jpg

Theo Kiểm toán Nhà nước, sự suy giảm về lượng nước và phù sa từ sông Mekong, cùng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra 2.158 vụ sạt lở tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với thiệt hại ước tính 1.078,9 tỷ đồng. Tình trạng xả nước thải vào nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm còn diễn ra nhưng chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị về biện pháp xử lý, giảm thiểu tác động trong quá trình thẩm định, cấp phép.

Số lượng nước sông Mekong từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 giảm 157 tỷ mét khối so với năm 2011. Còn lượng phù sa bùn cát năm 2020 giảm 14 triệu tấn so với năm 2017, tương ứng mức giảm 37%. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn gây với thiệt hại khoảng 509.804ha diện tích cây trồng. Đồng thời, khiến 1.509.528 ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì, 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 10/9: Giá xăng dầu đồng loạt tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO