Tiếp tục bán hàng bình ổn giá

16/07/2011 05:53

Chiều 14/7, kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM họp phiên bế mạc, thông qua nghị quyết nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm 2011. Các đại biểu (ĐB) tán đồng với các giải pháp từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng của cả năm là 12%.

Tiếp tục bán hàng bình ổn giá

Chiều 14/7, kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM họp phiên bế mạc, thông qua nghị quyết nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm 2011. Các đại biểu (ĐB) tán đồng với các giải pháp từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng của cả năm là 12%.

Mua tập Vĩnh Tiến tại điểm bán hàng bình ổn giá ở nhà sách 249 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân hứa sẽ ra sức khắc phục những thiếu sót, hạn chế đã được các vị ĐB HĐND TP “điểm mặt chỉ tên”, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng khoanh đất quy hoạch rồi để đó, làm dây dưa kéo dài (người dân thường hay gọi là quy hoạch “treo”, dự án “treo”); tình trạng lãn công, đình công và việc thực hiện các chính sách dành cho người lao động.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi ùn tắc giao thông, ngập nước vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để. Nhiều biện pháp được UBND TP đề ra nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, chăm lo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

“Giảm lợi nhuận nhưng người tiêu dùng ủng hộ”

Sáng cùng ngày, kỳ họp đã dành trọn buổi cho phần chất vấn và trả lời chất vấn với hai trọng tâm là chương trình bình ổn giá thị trường và chăm lo sức khỏe người dân.

Những thắc mắc của các ĐB từ phiên thảo luận tổ trước đó đã được bà Lê Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Công thương - giải đáp khá chi tiết. Bà Đào khẳng định cho đến thời điểm này việc thực hiện bán hàng bình ổn giá là một nỗ lực lớn của TP với bốn chương trình cho các nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai trường, nhóm sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và người cao tuổi, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Đáng kể nhất là đến nay đã có 21 doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá đối với nhóm các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, trong đó có bốn doanh nghiệp không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách.

ĐB Huỳnh Công Hùng - Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP - cho rằng các đơn vị như Công ty Vissan, Saigon Co.op áp dụng mức giá bình ổn thị trường không chỉ ở khu vực TP.HCM mà cho cả hệ thống ở các tỉnh. Trong khi theo quy định, chỉ khi giá nguyên liệu tăng trên 15% doanh nghiệp mới được xem xét điều chỉnh giá, còn giá bán trên thị trường giảm 5% thì doanh nghiệp phải giảm giá. Mặc dù vậy, ĐB Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP, cho hay từ tháng 4 đến nay đã phải điều chỉnh tăng giá (mới thực hiện năm 2011) các mặt hàng bình ổn đến bảy lần do biến động giá cả thị trường, nguyên liệu đầu vào... Mặt khác, bà Đào nói rằng nếu để giá các mặt hàng bình ổn chênh lệch quá cao so với giá thị trường sẽ xảy ra tình trạng gom hàng kiếm lời.

“Nếu kéo dài chương trình bình ổn giá liệu có khiến các doanh nghiệp tham gia gặp khó khăn?” - ĐB Hùng lo ngại. Tuy nhiên, theo ĐB Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan, việc duy trì mức giá bán bình ổn thấp hơn giá thị trường 10% tuy có thể làm giảm lợi nhuận trước mắt nhưng bù lại sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ lâu dài.

Cần 8.000 cán bộ y tế dự phòng

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Việt Thanh cho biết đội ngũ cán bộ, bác sĩ làm công tác y tế dự phòng đang thiếu trầm trọng, chỉ khoảng 2,6 cán bộ/10.000 dân nên tình hình hoạt động hết sức khó khăn.

Theo ông Thanh, trong năm năm tới TP cần ít nhất 8.000 cán bộ y tế dự phòng, trong khi những năm qua có đào tạo nhưng cán bộ, bác sĩ cứ “chạy chỗ này qua chỗ kia” nên thời gian tới chưa có dấu hiệu khả quan. “Trong thời gian tới TP sẽ cố gắng đẩy mạnh xã hội hóa trong khâu điều trị để dồn nguồn lực cho y tế dự phòng” - ông Thanh cho hay.

“Riêng Công ty Vissan, chúng tôi đã quyết định giữ nguyên giá bán cho đến hết tháng 9” - ông Mười cho biết. ĐB Trần Trọng Dũng cho hay giá bán tập Vĩnh Tiến loại 100 trang tại siêu thị Co.op Mart chỉ 5.400 đồng/quyển trong khi ở nhà sách Minh Khai là 6.100 đồng/quyển.

“Cùng bán hàng bình ổn giá mùa khai trường, tại sao mỗi nơi lại bán một giá như vậy?” - ông Dũng hỏi. ĐB Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, giải thích do hiện các siêu thị trong hệ thống Co.op Mart có chương trình khuyến mãi trước mùa khai trường nên giá bán tập Vĩnh Tiến tại các siêu thị này thấp hơn mức giá bình ổn (6.100 đồng/quyển).

ĐB Võ Văn Sen nhận xét việc bán hàng bình ổn giá mang màu sắc bao cấp, không nên kéo dài và hỏi rằng bao giờ chương trình này mới chấm dứt. Bà Đào khẳng định: “Trong tình hình kinh tế còn khó khăn, chúng tôi thấy rằng việc tiếp tục duy trì chương trình bán hàng bình ổn giá trong thời gian tới là cần thiết”.

Bệnh viện quá tải

Trả lời chất vấn của các ĐB, ông Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhìn nhận tình trạng quá tải tại các bệnh viện trên địa bàn TP là một trong những bức xúc hiện nay. Tuy nhiên theo ông Thanh, việc quá tải chủ yếu dồn ở buổi sáng do người dân tập trung đến đăng ký khám bệnh, còn buổi chiều thì tình hình đỡ căng thẳng hơn. Hiện TP đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện ở khu vực cửa ngõ và dự kiến có thêm 3.000-4.000 giường bệnh trong những năm tới, góp phần giảm dần tình trạng quá tải hiện nay.

ĐB Nguyễn Ngọc Quế Trân cho biết nguyện vọng của cử tri huyện Bình Chánh là không cần bệnh viện hoành tráng, chỉ cần có trạm y tế để khám chữa bệnh cấp thời cho người dân. “Ở Bình Chánh trạm y tế thì có nhưng bác sĩ, thiết bị điều trị chỗ thiếu, chỗ không có. Sở Y tế cần quan tâm đến khu vực này” - ĐB Quế Trân đề xuất. Ông Phạm Việt Thanh thừa nhận các trạm y tế tuyến xã thiếu bác sĩ, thiết bị y tế trầm trọng và hứa trong thời gian tới sẽ có giải pháp bố trí nhân lực, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp tục bán hàng bình ổn giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO