Tiền xử lý nợ xấu

TS. LÊ XUÂN NGHĨA - Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp| 26/06/2013 07:50

Năm 2013, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5%, tăng trưởng tín dụng đạt mức 12%.

Tiền xử lý nợ xấu

Năm 2013, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,5%, tăng trưởng tín dụng đạt mức 12%.

Đọc E-paper

Nhưng, việc đẩy tín dụng lên hiện nay rất khó, do nền kinh tế và doanh nghiệp không hấp thụ được. Ngoài ra, nếu chỉ đẩy một mình tín dụng mà không phá băng bất động sản (BĐS) còn khó hơn, bởi toàn bộ tín dụng được thế chấp chủ yếu từ thị trường BĐS.

Mặt khác, nếu thị trường BĐS không phục hồi được, ngân hàng cũng không dám cho doanh nghiệp vay vì giá trị tài sản thế chấp của họ rất thấp, thậm chí không còn.

Việt Nam phải làm cùng lúc cả hai vấn đề, tức là vừa phá băng tín dụng để phục hồi nền kinh tế, vừa phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư để thị trường tài sản ấm nóng trở lại. Đến lượt nó, thị trường tài sản sẽ làm cho tín dụng phục hồi mạnh hơn.

Như Hoa Kỳ từng làm, khi tảng băng tín dụng bắt đầu tan thì thị trường BĐS cũng phục hồi và nền kinh tế cũng dần hồi phục theo. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại phụ thuộc vào một việc vô cùng quan trọng, đó là xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền nào?

Thứ nhất, thời gian có thể kéo dài 4-5 năm, nếu xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền có nguồn gốc từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tức là bằng trái phiếu đặc biệt như NHNN làm mới đây, bằng tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tại NHNN, bằng dự trữ ngoại tệ hoặc bằng tiền tái cấp vốn của NHNN. Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS phục hồi chậm và tăng trưởng kinh tế của những năm tới cao nhất cũng chỉ đạt 6%.

Nếu dùng tiền của NHNN, bao giờ NHNN cũng vừa phải bơm tiền, vừa phải để ý đến lạm phát, nếu có hiện tượng lạm phát thì người ta hút về ngay. Như vậy, không thể bơm tiền và làm tăng cầu một cách triệt để, cũng không thể lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng nhanh hơn, bởi họ vẫn e ngại lạm phát quay trở lại. Người ta vẫn không tin rằng, lãi suất có thể giảm hoặc ổn định ở mức thấp để có thể đầu tư trong dài hạn.

Thứ hai, thời gian sẽ nhanh hơn, chỉ khoảng 2-3 năm nếu xử lý nợ xấu bằng tiền của ngân sách, tức là không phải tiền của NHNN mà là bằng tiền thuế của dân, bằng Chính phủ phát hành trái phiếu trong nước hoặc quốc tế để huy động, tức là đi vay nợ, hay bằng tiền mà Chính phủ bán bớt tài sản đang được sử dụng vô cùng lãng phí tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hoặc bằng thoái vốn của rất nhiều DNNN mà không cần phải giữ là quốc doanh.

Theo đó, thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi nhanh, tăng trưởng kinh tế của những năm tiếp đó có thể lên tới 7,5 - 8%, bởi lúc đó, bơm một lượng tiền thực vào nền kinh tế mà không phải e ngại về lạm phát.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ sử dụng mô hình pha trộn giữa tiền của ngân sách và tiền của NHNN để xử lý nợ xấu. Ví dụ, nợ xấu từ xây dựng cơ bản, nợ xấu DNNN sẽ do Bộ Tài chính xử lý.

Tuy nhiên, trên thực tế, biện pháp xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách, trên thế giới cho đến nay mới chỉ có một mình Hàn Quốc thành công. Hàn Quốc đã dám vay nợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và dùng một phần tiền của ngân sách, nhưng quan trọng hơn, họ đã dùng cả nguồn tiền đóng góp tự nguyện của dân chúng lên tới 240 tấn vàng, trị giá hàng chục tỷ đô la Mỹ để xử lý nợ xấu.

Hàn Quốc đã giải quyết vấn đề nợ xấu rất nhanh, chỉ sau 2 năm đã thoát khỏi khủng hoảng và trở lại tốc độ tăng trưởng rất cao và trả được nợ của IMF.

Chính phủ một số quốc gia khác cũng dùng cách làm đó, nhưng đều bị đảng đối lập phản đối việc dùng tiền thuế của dân, dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Do đó, phần lớn các nước đều dùng tiền của ngân hàng hoặc là dùng hình thức pha trộn: tiền của ngân hàng trung ương và tiền của chính phủ và cũng làm thành công.

Chẳng hạn như Hoa Kỳ, phần lớn tiền sử dụng xử lý nợ xấu là của ngân hàng trung ương, có một phần tiền của ngân sách, nhưng Đảng Cộng hòa giám sát rất chặt chẽ.

Trong khung cảnh chung đó, Việt Nam dùng trái phiếu đặc biệt của NHNN để xử lý nợ xấu thì không phải là vấn đề gì xa lạ trên thế giới, đấy là việc mà nhiều chính phủ đã làm, thậm chí phần lớn các chính phủ đều làm như vậy. Mặc dù vậy, vẫn có những lo lắng, Việt Nam làm như vậy có gây nguy cơ lạm phát trở lại không?

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế và tổng cầu của Việt Nam đều đang ở mức rất thấp, khả năng lạm phát quay trở lại không lớn. NHNN vẫn có đủ thời gian, đủ dư địa để kiểm soát và có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt một cách có liều lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO