Thương lái ngày xưa...

TRẦN THANH PHƯƠNG| 14/04/2010 09:42

Trong nghề thương lái, cả bên mua, bên bán đều rất coi trọng chữ tín. Họ không tranh mua, không ép giá. Nghĩa là thuận mua vừa bán, không văn vẻ dài dòng.

Thương lái ngày xưa...

Từ thế kỷ XVI - XVII, người Việt đã di cư vào vùng đất mới Đồng Nai - Bến Nghé, cũng là thời điểm một số nước phương Tây bắt đầu mối quan hệ buôn bán với Việt Nam, nhất là Đàng Trong nói chung, Đồng Nai - Bến Nghé - Hà Tiên nói riêng.

Vùng đất hoang vu này được khai khẩn không lâu thì có sản phẩm hàng hóa dư thừa để trao đổi; nhiều điểm di cư tập trung được hình thành, sản xuất lúa gạo phát triển, nhiều ngành nghề lần lượt ra đời. Những vùng gần sông, biển xuất hiện nghề đánh cá, làm muối, làm nước mắm... Ở vùng rừng núi thì nghề săn bắn, lấy gỗ. Còn các vùng đồng bằng thì có nghề làm ruộng, làm rẫy, làm vườn và nhiều nghề thủ công như dệt vải, đóng ghe xuồng, làm mộc, làm đồ gốm, dệt chiếu, đan lát, rèn...

Ở Đồng Nai - Bến Nghé và cả vùng Mỹ Tho - Long Hồ - Hà Tiên đã xuất hiện nghề thương mại khá sớm và phát triển nhanh, mạnh ngay từ những năm 1670-1680, là do một số người Hoa từ Quảng Đông (Trung Quốc), trong đó phần đông quan quân nhà Minh không chịu khuất phục triều đình Mãn Thanh, đã đến Việt Nam tị nạn và làm ăn sinh sống. Những người Hoa này đã khai phá đất hoang và sớm lập phố chợ thương mại, giao thương với Trung Quốc, Nhật Bản...

Từ ấy về sau, một mạng lưới chợ đã sớm hình thành từ những nơi thị tứ đến các vùng nông thôn, là những giao điểm cho các trục đường thủy, đường bộ, các bến đò, các trung tâm hành chính... Nói chung là những chỗ giao thông thuận lợi và đông người qua lại. Có hai loại chợ: Chợ cố định trên đất liền và chợ lưu động bằng ghe buôn (còn gọi là ghe hàng, xuồng hàng), gọi chung là thương hồ. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, giữa thế kỷ XIX, Nam Bộ có 93 chợ lớn (Gia Định: 12, An Giang: 12 , Vĩnh Long: 19, Định Tường: 17, Hà Tiên: 14, Biên Hòa: 19).

Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi tả các chợ nhỏ ven U Minh về đêm thật rộn rịp, có hơi hướm thương lái thời bấy giờ: “Đèn măng sông trong các hiệu buôn, các tiệm ăn của người Hoa kiều thắp lên sáng rực... Từng dãy dài những chiếc cần xé to tướng, những chiếc thúng đựng đầy ắp không trông rõ và không biết đó là thức gì mà các thương lái mang tới giao cho chủ vựa. Mỗi người giao hàng thắp một ngọn đèn con ở chỗ mình ngồi. Và người chủ vựa cũng cầm trên tay một ngọn đèn. Đèn người mua, đèn người bán cứ như sao sa”.

Vùng Cái Răng - Ba Láng ở Cần Thơ là nơi thị tứ mua bán nhộn nhịp, trong đó có chợ Cái Răng, lúc bấy giờ là chợ làng, nhưng đứng hàng đầu ở Nam Bộ về cơ ngơi. Những lẫm lúa dài hàng chục căn, với phu khuôn vác và thương lái nhộn nhịp suốt ngày đêm.

Chợ Cái Răng cũng là kho gạo lớn nhất trong vùng với nhiều chành lúa và nhà máy chà. Đứng đầu các chành lúa là Lâm Chí Phát, với hệ thống kho, ghe tàu và đội ngũ thương lái khắp nơi để thu gom lúa về cho ông. Còn ngành xay xát thì có nhà máy Võ Văn Sửu cũng vào loại lớn thời đó.

Mạng lưới kinh doanh thương mại và dịch vụ thương mại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1945 chủ yếu là Hoa kiều, một số ít là Ấn kiều. Người Hoa ít chịu làm điền chủ, mặc dù họ dư tiền mua đất, hoặc lo hối lộ với quan trên, khi khẩn đất. Người Hoa lãnh thầu xây cất, thu mua lúa từ khắp các tỉnh, lập nhà máy xay gạo. Những thương lái người Hoa không ngại đi xa nơi hẻo lánh để kinh doanh.

Với bản chất cần cù, nhẫn nại, họ mang hàng tiêu dùng và dụng cụ sản xuất, luồn lách qua những kinh rạch, theo các cụm dân cư, việc buôn bán diễn ra “trên bến dưới thuyền” nơi sông sâu nước chảy, hoặc nơi đồng khô cỏ cháy. Mỗi món hàng họ bán không lãi nhiều, nhưng nhờ bán được nhiều món và được nhiều người mua nên họ bán hết nhanh, kinh doanh có hiệu quả.

Họ còn tùy theo thời vụ, tùy theo đối tượng, ai có tiền thì mua tiền mặt, ai chưa có tiền cho thiếu, ghi nợ đến mùa lấy lúa, lấy tôm cá, heo, tất nhiên họ tính lãi. Họ có sổ sách ghi tên tuổi từng người, từng gia đình, ngày giỗ quải, đám cưới, đám gả, đám hỏi... Tất cả đều có quà. Không nhiều, chỉ chai rượu, phong bánh, gói trà, nhưng rất có ấn tượng để “nhớ nhau” mà bán lúa gạo cho họ. Việc làm này đến bây giờ đây đó vẫn còn.

Theo nhà văn Sơn Nam, người Hoa mua bán, giao lưu nhiều nhất là lúa gạo và bách hóa. Lúa gạo không chỉ bán ra ở trong vùng mà còn bán ra miền Trung, miền Bắc và xuất sang một vài nước ở Đông Nam Á cùng với các loại lâm thổ sản khác. Tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu được họ chú ý nhiều hơn các nơi khác. Gạo Sóc Trăng, gọi là gạo Ba Thắc (Pháp gọi là gạo Bãi Xàu) lừng danh ở thị trường Hương Cảng. Một nhà máy xay lúa đặt tại Sóc Trăng, năng suất mỗi ngày 100 tấn. Ở Rạch Giá, cũng trước năm 1921, nhà máy xay của Lê Chí Thuần xay 12 tấn mỗi ngày.

Trong nghề thương lái, cả bên mua, bên bán đều rất coi trọng chữ tín. Họ không tranh mua, không ép giá. Nghĩa là thuận mua vừa bán, không văn vẻ dài dòng. “Nói như dao chém vào cột” là phương châm dao dịch của các thương lái thứ thiệt. Chính vì thế thương lái mới tồn tại đến ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương lái ngày xưa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO