Thực phẩm không thiếu giá vẫn tăng

26/04/2011 00:52

Chỉ trong vòng hai tháng giá heo hơi đã tăng 50%, kéo theo giá heo bán lẻ ngoài thị trường tăng kỷ lục. Ngoài ra, giá các loại thịt gia cầm, hàng thủy hải sản, rau củ... cũng tăng chóng mặt trong vài tuần qua.

Thực phẩm không thiếu giá vẫn tăng

Chỉ trong vòng hai tháng giá heo hơi đã tăng 50%, kéo theo giá heo bán lẻ ngoài thị trường tăng kỷ lục. Ngoài ra, giá các loại thịt gia cầm, hàng thủy hải sản, rau củ... cũng tăng chóng mặt trong vài tuần qua.

Người tiêu dùng phải đắn đo khi giá thịt heo tăng liên tục - Ảnh: Minh Đức
Do giá cả tăng cao, chị Thủy ở Q.3, TP.HCM cho biết đã phải tăng tiền đi chợ từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng cho bốn người ăn - Ảnh: T.T.D.

Dịch bệnh vẫn còn nhiều tại các địa phương nên việc vận chuyển heo tại các vùng bị hạn chế gây nên tình trạng thiếu hụt cục bộ, giá bị đẩy lên cao. Tôi mới đi một loạt các tỉnh phía Bắc, heo còn rất nhiều. Tổng thể cả nước heo giảm nhưng không khan hiếm như nhiều thông tin đưa ra

Ông Hoàng Kim Giao (Cục trưởng Cục Chăn nuôi)

Giám đốc một công ty giết mổ gia cầm tại TP.HCM nói có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá các loại thực phẩm tăng từ đầu năm đến nay, một là giá thịt heo tăng quá nóng, hai là khâu trung gian cũng tranh thủ thời cơ đẩy giá bán lên cao. 

Nghịch lý

Ngày 25/4, giá heo hơi công bố tại chợ đầu mối Hóc Môn lên mức đỉnh 62.000 đồng/kg. Như vậy chỉ trong vòng một tuần, giá heo hơi đã tăng thêm 8.000 đồng/kg. Nếu so sánh với hai tháng trước, giá heo hơi tăng 50%.

Với giá thành chưa đến 40.000 đồng/kg, mỗi con heo bán đi tại thời điểm hiện tại, người nuôi lãi ít nhất 2 triệu đồng. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), giá các loại thực phẩm nói chung đã tăng 30-40% từ đầu năm đến nay.

Giá heo tăng kéo theo giá thịt gia cầm lên theo. Sau Tết giá gà công nghiệp giảm mạnh, có lúc chỉ còn 21.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhưng từ tháng 3 đến nay, giá gà công nghiệp đã lên 36.000 đồng/kg dù nguồn cung vẫn dồi dào. Với giá thành ở mức 27.000 đồng/kg (gà nuôi tại các công ty) và 30.000 đồng/kg (nuôi tại các hộ dân), mức giá bán như trên được coi là lợi nhuận hấp dẫn đối với người chăn nuôi. “Giá gà tăng khá mạnh trong thời gian qua do sức kéo của giá heo tăng quá nóng” - chủ một trang trại ở Đồng Nai cho biết.

Bà Thủy, buôn bán mặt hàng rau củ quả tại chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), cho biết sau đợt tăng giá từ cuối tháng 3, hiện giá rau củ quả tăng mạnh. Nghịch lý ở chỗ giá những mặt hàng này tại vườn rất thấp do thời tiết thuận lợi, nguồn hàng dồi dào. Theo bà Thủy, thời buổi này rất khó so sánh giá ở các chợ với nhau. Chỉ cần một mặt hàng nào đó hút (dù trong thời gian ngắn), giá mặt hàng đó lập tức tăng vọt. Bởi vậy mới có chuyện giá khổ qua ở chợ này 9.000 đồng/kg nhưng sang chợ khác cách không xa đã leo lên 15.000 đồng/kg! Khảo sát tại các chợ lẻ trên địa bàn TP, giá thủy hải sản như cá, tôm, mực... tăng hơn 10-15% so với tháng trước.

Tương tự, các mặt hàng gạo, đậu xanh, đường... cũng rất nhạy cảm về giá. Kinh doanh đường, đậu nhiều năm tại khu vực Trần Chánh Chiếu (Q.5), bà Cúc cho biết thị trường đang trong tình trạng “hỗn” giá nên rất khó kiểm soát ngay cả với những người bán buôn.

Đồ họa: V.Cường - Ảnh: N.C.T.

Bán lẻ tăng nhanh hơn bán buôn

Bớt dùng thịt để giảm chi phí

Theo Cục Chăn nuôi, giá heo tăng mạnh nhất trong các loại thực phẩm thời gian qua một phần do sự mất cân đối trong tỉ lệ tiêu thụ thịt của người VN. “Người dân nên chuyển qua dùng các loại thực phẩm thay thế có giá rẻ hơn như thịt gà, thủy sản và đặc biệt là trứng” - ông Giao cho biết. Trong khi các loại thực phẩm khác liên tục tăng thì trứng lại có xu hướng giảm. Hiện giá trứng loại 1 bán tại các trại chỉ còn 1.650 đồng/quả, trứng loại 2 là 1.550 đồng/quả và trứng loại 3 là 1.400 đồng/quả.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, có sự mất cân đối rất lớn trong tiêu dùng thịt của người VN. Hiện có tới 77,5% tổng số thịt sản xuất và tiêu dùng cả nước là thịt heo. Thịt gia cầm chỉ chiếm 15,7%, thịt trâu bò 6,6%. Trong khi tỉ lệ này ở thế giới thường là 40-45% thịt heo, 25-30% thịt bò và 30-35% thịt gia cầm.

Ông Nguyễn Đức Trí, Cục phó Cục Thống kê TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay giá lương thực, thực phẩm tăng rất nhanh và tăng cao khiến đời sống của người dân vất vả hơn.

Giám đốc một siêu thị cho biết từ đầu tháng 2 đến nay, nhà cung cấp viện ra đủ lý do để tăng giá. Nếu nhà phân phối không chấp nhận mức giá mới sẽ bị gây áp lực bằng cách ngưng hoặc cung cấp hàng nhỏ giọt. Đặc biệt, nhiều nhà cung cấp mặc dù gửi đơn giá mới nhưng khi giao hàng, siêu thị mới phát hiện sản phẩm in trên bao bì vẫn là mức giá cũ.

Và giá mới được “bổ sung” bằng cách cho nhân viên bán hàng dán đè lên giá cũ! Hiện siêu thị tiếp tục nhận được thông báo đề nghị tăng giá 5-20% nhiều mặt hàng thực phẩm từ ngày 1/5.

Theo ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đàn heo có giảm do dịch bệnh nhưng không đến nỗi khan hiếm và giá cả quá cao như hiện nay. Đánh giá sơ bộ của ngành chăn nuôi thì so với cùng kỳ năm ngoái, tổng đàn heo giảm 3-4%. Ông Giao cho rằng giá heo tăng nóng thời gian qua cũng một phần do những tin đồn khan hiếm giả tạo mà một số thương lái đưa ra nhằm trục lợi.

Còn trên thị trường, có một thực tế là giá heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng nhanh hơn giá heo hơi mà người chăn nuôi bán ra. Một thương lái heo tại Đồng Nai thừa nhận hồi đầu tháng 2 giá heo hơi ở mức 40.000 đồng/kg thì giá thịt đùi là 60.000 đồng/kg (chênh lệch 20.000 đồng/kg) nhưng đến nay giá heo hơi ở mức 58.500-60.000 đồng/kg thì giá thịt đùi tăng lên 95.000-100.000 đồng/kg (chênh lệch 35.000-41.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với hồi tháng 2).

Điều đó cho thấy giá tăng mạnh không hẳn chỉ do giá heo hơi tại các trại mà một phần do các khâu trung gian “té nước theo mưa”, đẩy giá bán lẻ lên cao

Dự thảo Luật Giá: Sẽ kiểm soát chặt độc quyền

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa hoàn thiện dự thảo Luật giá và tờ trình Chính phủ đề nghị sửa pháp lệnh giá. Theo tờ trình, pháp lệnh giá chưa rõ hoặc khó thực hiện như vấn đề chống bán phá giá, vấn đề kiểm soát giá độc quyền về đối tượng phải kiểm soát, các biện pháp kiểm soát...

Dự thảo Luật giá mới quy định chặt việc Nhà nước không chỉ kiểm soát độc quyền tại các doanh nghiệp độc quyền Nhà nước mà sẽ kiểm soát cả doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khi cần thiết. Khi đó, Nhà nước có quyền quy định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu cho các doanh nghiệp này.

Cơ quan nhà nước cũng có quyền giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh theo giá hoặc phí do Nhà nước quy định với sản phẩm, dịch vụ công ích; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; kiểm soát chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, giá hàng hóa, dịch vụ. Cơ quan nhà nước cũng có quyền đình chỉ việc thực hiện giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân liên kết độc quyền về giá quyết định không hợp lý, yêu cầu bán theo đúng giá mua, giá bán trước khi liên kết độc quyền về giá.

Dự thảo Luật giá cấm doanh nghiệp lợi dụng những biến động bất thường xảy ra (thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác), lợi dụng chủ trương điều hành kinh tế, tài chính, tiền tệ, giá cả của Nhà nước để đầu cơ găm giữ hàng hóa, dịch vụ tăng giá, ép giá.

Ông Văn Đức Mười, Giám đốc Công ty Vissan, cho biết mức 62.000 đồng/kg heo hơi có thể là ngưỡng cuối cùng vì nếu tăng nữa thì không ai mua. Từ nhiều tuần nay, giá thịt heo tăng cao khiến việc kinh doanh khá rủi ro. Những mặt hàng giá bình ổn luôn trong tình trạng thiếu hàng, trong khi các mặt hàng còn lại bán cầm chừng. Để giảm áp lực này, Vissan đã phối hợp với hệ thống siêu thị giảm giá 10.000 đồng/kg từ ngày 26/4 đối với một số loại thịt heo.

Điều hành tốt giá không tăng nóng

Giải thích nguyên nhân tăng giá thực phẩm, Bộ Công thương dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng tăng giá thời gian qua là vì quý 1 ảnh hưởng của dịch bệnh, chăn nuôi có chiều hướng giảm về số lượng, ước đàn trâu bò cả nước giảm 1%, đàn heo giảm 0,5-1%.

Tuy nhiên theo một quan chức Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, mức thiếu hụt trên không đáng kể, việc đảm bảo cung cầu hàng hóa vẫn được duy trì, không có chuyện khan hàng, mất cân đối. Quan chức này cũng đồng ý việc tăng giá bắt đầu từ áp lực giá một số nguyên vật liệu đầu vào quan trọng tăng, đã khiến nhiều chủ hộ kinh doanh nhân cơ hội đẩy giá lên với mức suy diễn, không căn cứ.

Sắp tới, lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, giá bán cao hơn giá niêm yết và tung tin đồn để tạo áp lực tăng giá nhằm trục lợi...

Tuy nhiên về lâu dài, để giải quyết tâm lý tăng giá mạnh thì phải đợi các chính sách bình ổn vĩ mô được tái lập. “Cần có những thông tin vĩ mô tốt. Có thể mặt bằng giá mới được hình thành nhưng sẽ không có bão giá. Tâm lý tăng giá sẽ nhanh chóng chấm dứt bởi các chủ cửa hàng cũng phải cạnh tranh để thu hút khách” - quan chức Bộ Công thương nói.

Do giá tăng ở từng nơi khác nhau nên theo một số chuyên gia, cần đánh mạnh vào nguyên nhân quan trọng là do tâm lý. Ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, đề nghị phải kiểm soát được “phong trào tăng giá”, “tâm lý té nước theo mưa”.

Ông Xuân cho rằng các quy định hiện nay về việc này chưa chặt chẽ để có thể thực hiện, kiểm soát được trên thực tế. Mặt hàng nào do chi phí tăng, tăng bao nhiêu có thể tính được. Những mặt hàng không tăng chi phí hoặc tăng không đáng kể, khi tăng giá phải có biện pháp ngay thì giá sẽ khó tăng như thời gian qua - ông Xuân nói và cho rằng “nếu điều hành tốt sẽ giải quyết được vấn đề”.

Đàm phán để có giá hợp lý

Không chấp nhận một số đề nghị tăng giá bất hợp lý của nhà cung cấp, từ nhiều ngày qua, hệ thống siêu thị Big C xảy ra trường hợp thiếu hàng ở một số nhóm sản phẩm như sữa đậu nành, sữa bột cho em bé, hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân... do nhà cung cấp ngừng giao hàng.

Do nhiều nhà cung cấp ngừng giao hàng nên siêu thị Big C phải có thông báo cáo lỗi với khách hàng - Ảnh: T.Đạm

Theo đại diện Big C, để giải thích cho khách hàng, các siêu thị Big C ở TP.HCM đang treo bảng thông báo về tình trạng thiếu hàng ở một số nhóm sản phẩm và đề nghị khách hàng thông cảm. Hiện hai bên trong giai đoạn đàm phán để đi đến một mức giá hợp lý nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu của khách, siêu thị vẫn bổ sung những sản phẩm thương hiệu khác cho khách lựa chọn.

Trong khi đó, theo ông Lữ Bằng - Phó giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, UBND TP đã chấp thuận phương án hỗ trợ để các doanh nghiệp thực hiện bán hàng bình ổn giá trên địa bàn với mức hỗ trợ khoảng 20 tỉ đồng. Theo đó, bắt đầu từ ngày 28/4 đến 30/6 sẽ thành lập tám điểm bán thịt heo với giá thấp hơn 10-15% so với giá thị trường ở chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Khánh, chợ An Hải Đông, chợ Cẩm Lệ và hai xe lưu động phục vụ các xã huyện miền núi huyện Hòa Vang.

Đồng thời sở sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức năm điểm bán rau củ quả với giá bình ổn ở chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa. Thời gian bán hàng bình ổn giá từ 6g-18g hằng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm không thiếu giá vẫn tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO