Thực phẩm đẩy CPI tăng

21/07/2011 09:14

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM tháng 7 đã tăng trở lại, lên 1,07% sau hai tháng giảm tốc. Giá thực phẩm tăng mạnh được xem là một trong những nguyên nhân tác động đến việc tăng giá.

Thực phẩm đẩy CPI tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP.HCM tháng 7 đã tăng trở lại, lên 1,07% sau hai tháng giảm tốc. Giá thực phẩm tăng mạnh được xem là một trong những nguyên nhân tác động đến việc tăng giá.

>CPI tháng 7 tại Hà Nội và Tp.HCM tăng tốc trở lại
>
“CPI năm nay phải cỡ khoảng 17 - 18%”
>
Điều chỉnh chỉ tiêu GDP, CPI: Có cần thiết?

Giá thịt heo tăng mạnh đã khiến giá thực phẩm tăng 1,92% trong tháng 7/2011 - Ảnh: N.C.T.

Theo Cục Thống kê TP.HCM công bố ngày 20/7, tính chung bảy tháng đầu năm 2011, CPI của TP.HCM tăng 12,73%.

Cục Thống kê TP.HCM cho biết trong 11 nhóm hàng tính chỉ số giá có đến mười nhóm giá tăng, trong đó ba nhóm hàng hóa có quyền số lớn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị, đồ dùng gia đình đều tăng mạnh, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,01%.

Chi tiêu tiết kiệm hơn

Trong một khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 64% người tiêu dùng được hỏi đều cho biết sau khi xem xét giá cả hiện nay thì đây không phải là thời điểm thích hợp để mua sắm, 88% người tiêu dùng đã thay đổi việc chi tiêu để tiết kiệm ngân sách gia đình so với năm ngoái. Năm khoản tiết kiệm chính mà phần lớn người tiêu dùng VN chọn là: tiết kiệm gas và điện (73%), hạn chế mua quần áo mới (70%), giảm các hoạt động giải trí ở ngoài (61%), hoãn việc thay thế các vật dụng trong gia đình (52%), giảm chi phí điện thoại (51%).

Nhóm lương thực sau khi tăng mạnh vào các tháng trước đến tháng 7 đã giảm tốc, chỉ còn tăng 0,35%. Trong khi đó, nhóm thực phẩm tiếp tục giữ mức tăng cao 1,92% kéo theo ăn uống ngoài gia đình tăng 2,63%. Tính chung bảy tháng đầu năm giá các mặt hàng thực phẩm tăng 20,67%, là nhóm có chỉ số tăng cao thứ hai sau mức tăng của nhóm giao thông, tăng 21,51%. Sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng thực phẩm, đáng lưu ý mặt hàng thịt heo tăng đến 4,13% so với tháng trước, thịt gà tăng 1,21% và thủy hải sản tươi sống tăng 1,65%... làm bữa cơm của người dân trở nên đắt đỏ hơn.

Nguồn cung khan hiếm do hậu quả bị giảm đàn từ các đợt dịch trước đó cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất cao không khuyến khích được người dân tái đàn đã khiến giá thịt heo tăng mạnh. Ở các nhân tố đột biến khác, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng trước tăng rất thấp, nay đột ngột vượt lên trên 1% khi thị trường năm học mới đang rục rịch vào mùa. Các chương trình khuyến mãi hè cũng không có mức giảm giá hấp dẫn và rầm rộ như các dịp lễ lớn 30-4 và 1-5 làm mặt bằng giá quay trở về mức cũ.

Giám đốc một siêu thị cho biết sức mua trong những tháng hè thường rất thấp, vì vậy việc tăng giá không phải do cầu mà có thể do tác động đầu vào nguyên liệu. Riêng mặt hàng thực phẩm, thời tiết không thuận lợi nên giá thiếu ổn định. Trong tháng 7 cũng chứng kiến sự điều chỉnh giá theo hướng tăng của nhóm hàng bình ổn, một công cụ được xem là để kiềm chế tốc độ tăng giá.

Tương tự TP.HCM, CPI của Hà Nội trong tháng 7/2011 đã tăng 1,32% so với tháng 6. Rất nhiều nhóm hàng tăng giá trong tháng này, trong đó riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất lên tới 2,67%. Đặc biệt, giá thực phẩm trong tháng 7 đã tăng mạnh ở mức 3,74%, đây là mức tăng khá mạnh và liên tục trong thời gian gần đây.

Liên quan đến các giải pháp kiểm soát, bình ổn giá trên địa bàn Hà Nội, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, TP xác định ưu tiên hàng đầu là kiểm soát thị trường, trong đó cũng xác định nhiệm vụ cấp bách của TP là tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp về kiểm soát giá, ứng vốn cho các doanh nghiệp dự trữ hàng bình ổn giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm đẩy CPI tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO