Thủ tướng thăm Thụy Điển: Tiếp nối mối quan hệ có bề dày 50 năm

Vũ Dũng| 27/05/2019 06:04

Chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ 26-28/5 được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quan hệ hai nước.

Thủ tướng thăm Thụy Điển: Tiếp nối mối quan hệ có bề dày 50 năm

Lễ đón Thủ tướng tại sân bay Stockholm. Ảnh: VGP

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm đầu tiên cấp Thủ tướng đến Thụy Điển kể từ 20 năm qua.

Ngược dòng lịch sử, cách đây tròn 50 năm, ngày 11/1/1969, Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất và sớm nhất vào tháng 8/1966. Tháng 6/1970, Thụy Điển thành lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, Việt Nam lập Đại sứ quán tại thủ đô Stockholm. Đến tháng 9/2013, Văn phòng Thương mại chính thức đi vào hoạt động. Đáng chú ý, Thụy Điển cũng là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, đồng thời tích cực hỗ trợ Việt Nam thiết lập quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế (IMF, WB...). Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA).

Trên nền tảng tốt đẹp này, quan hệ thương mại Việt Nam-Thụy Điển ngày càng tăng lên. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng đều qua các năm và năm 2018 đạt trên 1,5 tỷ USD. Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh. Tính đến hết tháng 3/2019, Thụy Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký là 364 triệu USD.

Một điểm nhấn quan trọng khác, đó là việc Thụy Điển cũng là nước Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Ngay từ 1967, Thụy Điển đã cung cấp tổng viện trợ trên 3 tỷ USD cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực: y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền,…Về giáo dục, với sự hỗ trợ của Sida (Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển), hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ Việt Nam-Thụy điển phát triển mạnh. Hai nước đã ký 2 Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Ngoài ra, Thụy Điển còn giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng hạt nhân…), công nghệ sinh học, y học, báo chí.

Dự kiến, trong chuyến thăm tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều chương trình hoạt động như tiếp kiến Nhà Vua, hội đàm với Thủ tướng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội, cùng Thủ tướng Thụy Điển khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp, gặp mặt và đi thăm một số doanh nghiệp hàng đầu, gặp gỡ tri ân bạn bè Thụy Điển, thăm hỏi bà con kiều bào, doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển.

Trên nền tảng hợp tác tốt đẹp sẵn có, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp đã được cố Thủ tướng Olof Palme và đông đảo người dân Thụy Điển thuộc “thế hệ Việt Nam” gây dựng; là thành quả được nhân dân hai nước dày công vun đắp trong suốt 50 năm qua. Với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hai nước trong hai chuyến thăm, đây là những tín hiệu rất tích cực về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư trong tương lai giữa hai nước. Qua đó, tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi giữa Việt Nam và Thụy Điển.

(Lược đăng theo VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng thăm Thụy Điển: Tiếp nối mối quan hệ có bề dày 50 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO