Thủ tục sẽ đơn giản và thông thoáng hơn!

22/07/2009 01:16

Nhằm tạo cơ sở chuẩn bị phát triển sản xuất kinh doanh thời “hậu khủng hoảng” để nhiều doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài

Thủ tục sẽ đơn giản và thông thoáng hơn!

Tạo cơ sở chuẩn bị phát triển sản xuất kinh doanh thời “hậu khủng hoảng” và chia sẻ rủi ro là những động lực khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, thậm chí đặt chân sang hẳn bờ bên kia Đại Tây Dương. Điều họ còn phân vân là môi trường pháp lý.

Hành lang pháp lý cho đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của doanh nghiệp Việt Nam tuy mới được ban hành đầu năm 1999, nhưng từ trước thời điểm này một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành hoạt động ĐTRNN. Trong số các doanh nghiệp tiên phong đó, phải kể tới một số doanh nghiệp tư nhân của một số địa phương vùng biên giới với một số nước bạn (Lào, Campuchia) thực hiện dự án đầu tư theo thỏa thuận hợp tác giữa chính quyền địa phương hai nước.

Theo các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài, môi trường pháp lý hiện nay đối với hoạt động đầu tư nước ngoài nhìn chung là thông thoáng, thuận lợi.

Xu hướng chung: Đã thông thoáng…

Những năm đầu thập niên 1990, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/1999/NĐ-CP quy định ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam để hướng dẫn và quản lý hoạt động ĐTRNN. Sau hơn 10 năm thực thi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, pháp luật về ĐTRNN tại Việt Nam bắt đầu hình thành, mở đường cho các hoạt động ĐTRNN sau này.

Năm 2005, Chính phủ đã trình Quốc hội luật hóa hoạt động ĐTRNN và Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực vào tháng 7/2006), trong đó có các quy định về ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam. Để hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Nghị định 78/2006/NĐ-CP (hiện hành) của Chính phủ quy định về ĐTRNN của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành ngày 09/9/2006.

Theo các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài, môi trường pháp lý hiện nay đối với hoạt động đầu tư nước ngoài nhìn chung là thông thoáng, thuận lợi. Đặc biệt, một điểm mới đáng lưu ý trong Nghị định 78/2006/NĐ-CP là quy định các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đều có quyền ĐTRNN, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, được lựa chọn hay thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư thích ứng với yêu cầu kinh doanh và được pháp luật Việt Nam bảo hộ.

Nghị định 78 đã giảm thiểu các quy định mang tính “xin - cho” hoặc “phê duyệt” bất hợp lý, không cần thiết, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh, gây phiền hà cho hoạt động đầu tư, đồng thời, có tính đến lộ trình cam kết trong các thỏa thuận đa phương và song phương trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các nguyên tắc đối xử quốc gia và tối huệ quốc.

Bên cạnh đó, trách nhiệm, các quan hệ giữa cơ quan nhà nước đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, về việc thực hiện các mối quan hệ đó cũng như chế tài khi có những vi phạm từ hai phía (nhà đầu tư và cơ quan, công chức nhà nước) nếu không thực hiện đúng các quy định của pháp luật cũng đã được cụ thể hóa trong Nghị định.

… sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và hỗ trợ khôn khéo

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà tháng 2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 78 theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường quản lý dòng vốn và hiệu quả vốn ĐTRNN.

Từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, một vị đại diện Cục Đầu tư nước ngoài bình luận: “So với đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc quản lý các dự án đầu tư ra nước ngoài khó khăn hơn nhiều, do việc thực hiện chế độ báo cáo của các dự án đầu tư ra nước ngoài chưa đầy đủ, trong khi chế tài chưa được quy định rõ và cũng chưa được thực hiện nghiêm túc”.

Vị này cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, xét từ góc độ doanh nghiệp, quy trình thủ tục ĐTRNN hiện nay vẫn còn phức tạp. Đồng thời, Nhà nước cũng chưa có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp ĐTRNN trong hoạt động làm ăn xa xứ. Tất nhiên, việc hỗ trợ cần được tính toán kỹ, phù hợp với các cam kết quốc tế, nếu không sẽ bị hiểu là bảo hộ. “Việc sửa đổi lần này chưa đặt ra vấn đề phân cấp, nhưng sẽ theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đầu tư.

Quan hệ phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thương vụ Việt Nam sẽ được củng cố chặt chẽ hơn, giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về thị trường bạn để có chiến lược đầu tư lâu dài và tháo gỡ sớm những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động” - chuyên gia này thông tin thêm.

Dự kiến, một số dự án đầu tư để thực hiện mục tiêu quan trọng có tác động tích cực tới phát triển kinh tế của nước ta như sản xuất điện để cung cấp cho thị trường Việt Nam, khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất chế biến trong nước... có thể được hưởng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, đơn cử như được hưởng lãi suất ưu đãi. Có chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư trong một số lĩnh vực đặc thù (sản xuất điện nhập khẩu về Việt Nam, khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu, phục vụ sản xuất chế biến trong nước...), chẳng hạn cho miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần lợi nhuận chuyển về nước đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước bạn.

Các hỗ trợ “vô hình” khác nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cung cấp thông tin (về chính sách thu hút đầu tư, luật pháp chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại nước sở tại; tiềm năng và cơ hội đầu tư trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể).

Vài lời khuyên cho doanh nghiệp

Song song với khâu nghiên cứu thị trường, một trong những điều tối quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nắm vững pháp luật của nước sở tại và tôn trọng những nguyên tắc pháp luật đó. Trên thực tế, tuy không nhiều, nhưng không phải chưa từng có những doanh nghiệp vi phạm pháp luật của nước sở tại, dẫn tới làm mất uy tín của các nhà đầu tư Việt Nam. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng được quan hệ liên kết để tăng sức mạnh của tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.

Hiện nay chính phủ các nước tiếp nhận đầu tư cơ bản đều khuyến khích, kêu gọi đầu tư nước ngoài (thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tại một số nền kinh tế, chẳng hạn như CHLB Nga rất đơn giản); quan hệ giữa Việt Nam với một số nền kinh tế là những quan hệ kinh tế và chính trị đặc biệt nên nhận được sự ủng hộ của chính phủ hai bên.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư của một số nền kinh tế đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi, không thống nhất, có trường hợp thiếu minh bạch và khó tiếp cận. Đại diện một doanh nghiệp của Việt Nam đang có dự án tại Lào cho biết, chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này được áp dụng trên toàn quốc nhưng có địa phương vẫn thu thêm thuế thu nhập...

Sự khác biệt về ngôn ngữ và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng là những trở ngại lớn khác mà doanh nghiệp cần có kịch bản đối phó trước khi quyết định đầu tư vốn ra nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tục sẽ đơn giản và thông thoáng hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO