Thu phí vỉa hè, lợi bất cập hại

Hạnh Nhân| 02/03/2023 06:00

Vấn đề thu phí vỉa hè nhìn chung lợi bất cập hại. Nếu thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè sẽ vô hình chung "hợp thức hóa" việc người dân kinh doanh ở vỉa hè, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

-2026-1677552444.jpg

Những ngày gần đây, bản thân tôi khá quan tâm đến dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Cụ thể, chính quyền TP.HCM dự định sẽ thu phí cho sử dụng vỉa hè để giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, nơi trung chuyển vật liệu, phế thải... sau khi đã chừa 1,5m cho người đi bộ.

Cá nhân tôi không tán thành quyết định này. Bởi vì suốt nhiều năm qua, vỉa hè và lòng đường ở TP.HCM thường xuyên bị các gia đình lấn chiếm trái phép, sử dụng làm nơi buôn bán, để xe. Thậm chí, một số gia đình mặc nhiên xem phần vỉa hè là của họ nên tự do cho thuê mặt bằng để kinh doanh, dẫn đến tình trạng kẹt xe và không có đường dành cho người đi bộ.

Vấn nạn này gần như xảy ra ở khắp mọi nơi, nhất là các tuyến đường trung tâm. Do đó, đề nghị thu phí những cá nhân, tổ chức sử dụng vỉa hè để nộp ngân sách là một quyết định có phần không khả thi. Do suy nghĩ mặc định vỉa hè trước nhà là thuộc về sở hữu riêng, nhiều gia đình sẽ không bỏ tiền để đóng phí sử dụng phần không gian ngay trước nhà mình. Thậm chí, ngay cả khi ký kết hợp đồng thuê để ràng buộc về pháp luật thì hiệu quả của việc thu phí vỉa hè cũng cần được tính đến.

Cách đây không lâu, chính quyền TP.HCM đã áp dụng việc thu phí đậu xe ô tô ở nhiều tuyến đường. Mục tiêu thu hàng trăm tỷ đồng từ việc đậu xe ô tô ở hàng loạt tuyến đường, ban đầu nghe có vẻ khả thi. Tuy nhiên, khi triển khai, chính quyền phải lấy tiền ngân sách để trả công cho đội ngũ thu phí.

Diễn biến tương tự này cũng có thể xảy ra nếu thu phí vỉa hè bởi tính chất gần như nhau. Với đặc thù có quá nhiều vỉa hè trên nhiều tuyến phố, việc thu phí kinh doanh vỉa hè tại TP.HCM sẽ cần số nhân viên lớn, phân bổ khắp các phường, xã, thị trấn. Đội ngũ này hẳn sẽ ngốn không ít tiền lương của ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ, nhưng hiệu quả thì chưa chắc như mong đợi.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn cho người đi bộ cũng cần được cân nhắc và quan tâm đúng mực. Bởi vì khi các cá nhân, tổ chức kinh doanh vỉa hè phải trả tiền để được sử dụng, họ sẽ mặc định xem vỉa hè là của mình, dẫn đến việc không cho phép người đi bộ đi ngang qua.

Tôi cho rằng khi thực hiện một chính sách nào đó phải bảo đảm tính khả thi, an toàn chứ không chỉ nghĩ đến thu tiền. Vỉa hè trước giờ vốn phục vụ cho người đi bộ chứ đâu phải là nơi để kinh doanh? Mặc dù, dự thảo cho rằng sẽ dành 1,5m cho người đi bộ nhưng ai sẽ bảo đảm con số 1,5m này? Nếu hàng quán lấn hết, đẩy người đi bộ xuống lòng đường, xảy ra tai nạn giao thông thì sao?

Trong một lần đi bộ ra gần nhà để mua hộp cơm tấm, tôi phải đi trên phần thoai thoải giữa vỉa hè với lòng đường vì vỉa hè đã bị lấn chiếm hết. Khi đang đi bất thần chiếc xe máy chạy phía ngoài lách vào trước mặt tôi, do sợ hãi tôi bèn hét lên và giẫm vào tấm bạt bán hàng của người bán hàng trên vỉa hè. Kết quả là tôi bị người bán hàng hét vào mặt. Mặc dù tôi nói vỉa hè là nơi công cộng, nhưng vì người bán hàng kia đã trả phí thuê cho chủ nhà nên họ mặc định rằng đây là không gian riêng của họ. Chính quyền chưa thu phí mà tình trạng đã như thế, nếu thu phí thì chẳng rõ giữa người đi bộ và các cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ còn xảy ra chuyện gì nữa. 

Vỉa hè là nơi công cộng thì phải trả về đúng chức năng của nó, đừng trao cơ hội được kinh doanh cho bất kỳ ai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu phí vỉa hè, lợi bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO