Thu hút FDI: Đã đến lúc "mặc cả" với nhà đầu tư

KHÁNH ĐINH| 11/02/2014 05:43

Thu hút FDI là một cuộc đua marathon chứ không phải là đua ngắn, theo TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kamm Investment Inc.

Thu hút FDI: Đã đến lúc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi (Dự thảo) theo hướng tạo môi trường thuận lợi, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư (NĐT), đồng thời cũng đề ra những quy định nghiêm ngặt để hạn chế mặt trái của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đọc E-paper

Theo đó, Dự thảo quy định không phân biệt đối xử giữa NĐT trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp pháp luật thay đổi, các ưu đãi với NĐT sẽ được duy trì. Các quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư được sửa đổi theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới; các dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao... Đồng thời, cơ chế một cửa cũng được thiết lập để giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.

Bên cạnh việc tạo điều kiện tối đa cho NĐT là các chế tài để quản lý hoạt động đầu tư. Cụ thể, sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu NĐT không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ thu hồi giấy phép đầu tư.

Cơ chế phạt này cũng áp dụng với trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc không tìm được địa điểm mới sau khi bị tước quyền sử dụng đất. Trường hợp không đủ điều kiện triển khai, NĐT được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng (ba năm) và phải thông báo cho cơ quan quản lý.

Dự thảo còn quy định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ được giám định để thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu hoặc làm căn cứ xác định giá tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá của một số doanh nghiệp (DN).

Bình luận về những thay đổi này, GS - TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, cho rằng, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố con số hơn 500 DN FDI ngừng hoạt động với số vốn gần 1 tỷ USD, trong đó có nhiều chủ DN đã bỏ về nước. Việc chậm trễ trong việc xử lý tình trạng này cho thấy đang có khiếm khuyết trong quản lý nhà nước.

TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kamm Investment Inc., nhận định, tất cả các nước đang phát triển cần rất nhiều đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài để duy trì tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế nói chung. Tuy nhiên thu hút lượng vốn FDI lớn trong nhiều năm có thể làm mất cân bằng nền kinh tế, gây bất ổn về tiền tệ, GDP, thương mại, lạm phát...

Khi một chính phủ có một quyết định gì đó có thể ảnh hưởng đến khối FDI, thường phải chịu chỉ trích. Vì vậy, cần phải nhìn dài hạn và tiếp cận FDI một cách cân bằng. "Thu hút FDI là một cuộc đua marathon chứ không phải là đua ngắn", TS. Christian Kamm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu hút FDI: Đã đến lúc "mặc cả" với nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO