Thêm cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam sang Nhật

Nguồn SGTT| 24/09/2009 08:10

Theo dự báo của hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu sang Nhật trong năm 2009 đạt 1 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam sang Nhật

Theo dự báo của hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu sang Nhật trong năm 2009 đạt 1 tỉ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Một nguyên nhân chính là mức thuế suất xuất khẩu 0% theo hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (EPA) áp dụng từ 1/10 tới.

Quần jeans Việt Nam đang là mặt hàng ăn khách tại Nhật. Ảnh: Lê Quang Nhật

Thống kê từ hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, các đơn hàng từ Nhật liên tục tăng lên gần đây đã giúp cho hơn 80% doanh nghiệp trong ngành có hợp đồng sản xuất đến cuối năm, trong đó khoảng 30 – 40% là hợp đồng xuất sang Nhật.

Thay đổi để nắm cơ hội

May Sài Gòn 3 có mức tăng trưởng dự kiến xuất khẩu sang Nhật trong năm nay trên 20%. Ngoài số hợp đồng đã ký đến cuối năm, doanh nghiệp này đã có những bản thoả thuận, ghi nhớ với các đối tác Nhật chuẩn bị cho các đơn hàng đến giữa năm 2010. Ông Phạm Xuân Hồng, tổng giám đốc công ty May Sài Gòn 3 cho biết, hiểu rõ khách hàng Nhật rất khó tính về chất lượng, từ chỗ sản xuất nhiều loại hàng như sơmi, jacket, quần áo thể thao… May Sài Gòn 3 đã chuyển sang chỉ chuyên sản xuất jeans và kaki cho Nhật. “Chuyên thì mới làm có kỹ thuật và năng suất hơn”, ông Hồng giải thích.

Nhờ vậy mà theo thống kê bảy tháng đầu năm của tổng cục Hải quan, trong 47 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu mặt hàng quần jeans cho Nhật, May Sài Gòn 3 dẫn đầu về doanh thu lẫn số lượng, đạt 1,82 triệu cái, trị giá 16,7 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 81,1% về trị giá so với cùng kỳ 2008.

Nắm bắt được sự kỹ lưỡng của Nhật trong khâu kiểm hàng, May Sài Gòn 3 đã chủ động thay đổi trong bố trí chuyền may. Chẳng hạn như hàng xuất đi Mỹ khâu hoàn tất chỉ cần có 8 – 10 công nhân/tổng số 50 người của một chuyền may, kiểm hàng chỉ cần làm hai lần là đủ. Hàng sang Nhật cần đến 15 – 17 người cho khâu hoàn tất, kiểm hàng phải làm 3 – 4 lần.

Ông Hồng bảo: “Làm theo tiêu chuẩn khắt khe riết rồi quen. May hàng cho Nhật không thể tăng tốc làm ào ào, nhưng giá ổn định, không biến động lên xuống như hàng đi Mỹ và châu Âu. Việc thuế nhập khẩu vào Nhật bằng 0%, nhà nhập khẩu được lợi, thì họ cũng chia cho đơn vị sản xuất chút đỉnh như chi trả một số chi phí vận chuyển, hoá đơn…”

Hiện nay giá may quần jeans cho Nhật của May Sài Gòn 3 bình quân 1,25 – 1,3 USD/chiếc, trong khi xuất đi Mỹ giá chỉ 1,2 USD/chiếc. Tuy chênh lệch giá không nhiều, nhưng sự ổn định hợp đồng là điều doanh nghiệp cần nhất.

Khó có đột biến

Bà Nguyễn Hồng Trang, giám đốc công ty Sơn Kim chuyên sản xuất trang phục lót, quần áo ngủ cho thị trường Nhật nhận định: “Việc giảm thuế bằng 0% chắc chắn sẽ đem lại nhiều đơn hàng mới. Nhưng không vì thế mà xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật có thể tăng đột biến, bởi các yêu cầu khắt khe về tay nghề, chất lượng sản phẩm là một rào cản không dễ vượt qua”. Công ty Sơn Kim cũng đã lên dự án cho nhà máy mới vào năm 2010 để tăng lượng hàng đáp ứng theo yêu cầu đối tác.

Bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc công ty An Phước, chuyên xuất khẩu áo lót cho Nhật trong 15 năm qua nói thêm: “Khó nhất là thiếu đội ngũ thợ lành nghề. May áo lót chệch 0,5cm là hỏng sản phẩm. Muốn đạt đến độ chính xác như vậy phải nuôi dưỡng, gìn giữ và rèn giũa công nhân liên tục qua nhiều năm”.

Nhà thiết kế thời trang Horikoshi của Nhật Bản, khi làm việc với hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhận xét, thị trường quần áo giá rẻ tại Nhật thì các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xây dựng thương hiệu và gia tăng xuất khẩu ở thị phần quần áo cao cấp. Nhưng thực tế, cho đến thời điểm này thì Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu quần áo riêng tại Nhật.

Theo số liệu của bộ Công thương, thị phần hàng Việt Nam ở Nhật còn khá khiêm tốn, hiện mới đạt xấp xỉ 1,19%/ tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Malaysia là 3,05%, Thái Lan 2,73%, Indonesia 4,27%, Trung Quốc 18,83%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam sang Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO