Thay đổi không chỉ đến từ doanh nghiệp

22/09/2009 07:57

WEF mong muốn VN chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như sự phát triển nhanh của cộng đồng DN.

Thay đổi không chỉ đến từ doanh nghiệp

Theo bộ Ngoại giao Việt Nam, diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã chọn Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu biểu được quảng bá tại hội nghị WEF ở Đại Liên (Trung Quốc) năm nay, bởi hai lý do: WEF mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như sự phát triển nhanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Khoảng cách của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của những nước xung quanh có lẽ sẽ ngày càng lớn, trước hết bởi cách tư duy và quan niệm kinh doanh.

Đó là điều đáng mừng, tuy nhiên theo luật gia Phạm Quang Vinh, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam còn có thể phát triển hơn nếu có những thay đổi mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, thủ tục hành chính, cũng như khắc phục tình trạng thiếu tham vọng của bản thân cộng đồng này. Ông nói:

Năm 2006, trong cuộc gặp với một vị thứ trưởng bộ Thương mại, giám đốc điều hành của một công ty tư vấn thương hiệu hàng đầu thế giới thẳng thắn nhận xét: “Việt Nam có một số tên, một số logo, nhưng có rất ít thương hiệu”. Cuối năm ngoái, khi chúng tôi gặp lại nhau, tôi hỏi ông có thay đổi gì không về nhận xét này, thật tiếc, theo ông vẫn không có gì khác trước.

Câu chuyện thương hiệu là câu chuyện về ý chí và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Khoảng cách của các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp của những nước xung quanh có lẽ sẽ ngày càng lớn, trước hết bởi cách tư duy và quan niệm kinh doanh.

Trong khi khái niệm thương hiệu được các doanh nghiệp trên thế giới nhắc đến và sử dụng trước hết như một công cụ quản trị để xây dựng năng lực nội tại của doanh nghiệp, thì ở Việt Nam, các doanh nghiệp quan niệm và sử dụng nó trước hết chỉ như một công cụ để đánh bóng cái vỏ bên ngoài của mình.

Cũng vài năm trước, có dịp nói chuyện với một vị từng giữ vai trò quan trọng trong nhóm xây dựng và thực hiện luật Doanh nghiệp, tôi mang đến cho ông một câu hỏi hết sức “nhỏ nhặt”, đấy là về những mẫu đơn từ khi doanh nghiệp giao dịch với cơ quan đăng ký. Cộng đồng doanh nghiệp đương nhiên đánh giá cao những cải cách của luật Doanh nghiệp, và những thuận lợi cho giới doanh nghiệp từ việc thực thi luật này.

Tuy vậy, những biểu mẫu, giấy tờ để doanh nghiệp giao dịch với cơ quan đăng ký và những cơ quan liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp vẫn có thể làm nản lòng bất kỳ ai. Vị khách của tôi trả lời rằng việc xây dựng mẫu biểu là của các cán bộ cấp thừa hành, việc này đâu có quan trọng.

Nhưng thực tế lại không như vậy, những thuận lợi có được từ luật Doanh nghiệp, những quyền mặc nhiên được luật Doanh nghiệp trao cho các doanh nghiệp, trong rất nhiều trường hợp đã không thể thực thi hoặc tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để thực thi, chính vì những rắc rối, rườm rà, thiếu khoa học của các biểu mẫu, dẫn đến chuyện nhân viên cơ quan đăng ký muốn nhận hay không nhận đơn từ cũng được.

Nếu thực sự quan tâm đến việc phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp người dân khởi nghiệp đàng hoàng, thì phải xem những vấn đề kỹ thuật của các giao dịch giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp là việc quan trọng, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức của doanh nghiệp, mà còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các cơ hội kinh doanh.

Đổi thay cách nghĩ, thật sự coi trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp chắc chắn là công cụ cần thiết để tạo ra năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, và cũng tạo ra môi trường minh bạch cho các doanh nghiệp cùng phát triển.

Sau vài năm thuyết phục, công ty tư vấn tôi đề cập trên kia cũng đã có được khách hàng đầu tiên, đó là một đơn vị tư nhân. Lẽ ra khách hàng đầu tiên là một doanh nghiệp nhà nước lớn.

Doanh nghiệp nhà nước đó đã không thể tìm được sự ủng hộ của cơ quan cấp trên để có thể thuê tư vấn, và cơ hội trở thành doanh nghiệp đầu tiên có được một chiến lược bài bản, có khả năng tác động sâu rộng đến sự phát triển của doanh nghiệp đã đến tay những người chủ tư nhân sẵn sàng thay đổi.

Ở đây, chính sự nhùng nhằng của cơ chế phê duyệt khiến doanh nghiệp nhà nước kia mất đi cơ hội, và có lẽ cái mà họ mất không chỉ dừng lại ở đó, khi một công cụ cạnh tranh hữu hiệu đã rơi vào tay một doanh nghiệp cùng ngành nghề, có nhiều tham vọng và quan trọng hơn, ít bị ràng buộc bởi cơ chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thay đổi không chỉ đến từ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO