Tháng 7, thị trường tiếp tục ổn định

01/07/2010 01:05

Đó là nhận định của Tổ Điều hành thị trường trong nước tại Hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và đưa ra kế hoạch 6 tháng cuối năm 2010.

Tháng 7, thị trường tiếp tục ổn định

Ngày 29/6/2010, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm và đưa ra kế hoạch 6 tháng cuối năm 2010. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước, đã chủ trì hội nghị.

6 tháng: Tổng mức bán lẻ tăng 26,7%

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chủ trì Hội nghị của Tổ Điều hành thị trường trong nước

Theo Tổ điều hành Thị trường trong nước, tháng 6 là tháng có nắng nóng kéo dài với việc liên tục cắt điện trên khắp cả nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng có xu hướng giảm.

Thị trường hàng hóa dịch vụ tháng 6 tiếp tục sôi động, nhất là đối với các loại hàng hóa dịch vụ trong mùa nắng nóng, du lịch hè. Một số hàng hóa tăng giá tập trung vào nhóm thực phẩm, đồ uống và ăn uống ngoài gia đình.

Trong tháng, do giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng giảm nên giá một số nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu hoặc phụ thuộc nhập khẩu tiếp tục giảm như xăng dầu, gas, sắt thép. Sự giảm giá của các mặt hàng này đã có tác động tích cực tới sự ổn định của nhiều hàng hóa, dịch vụ khác.

Thị trường hàng hóa trong 6 tháng đầu năm thực sự hồi phục sau thời gian suy giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế. Sức tiêu thụ hàng hóa trong từng thời kỳ đều có mức tăng trưởng khá so với năm 2009.

Với sự chuẩn bị đầy đủ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành, địa phương nên nguồn cung hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu nhìn chung luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường có nhu cầu cao (Tết Nguyên đán và đợt nghỉ lễ dài 30/4- 1/5).

Mặc dù giá cả những tháng đầu năm có xu hướng tăng nhưng mức tăng vẫn trong tầm kiểm soát và chủ yếu do tác động của chi phí đẩy (giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, chi phí nhân công tăng…). Từ tháng 5 trở lại đây, giá nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng giảm như xăng dầu, gas, đường kính, sắt thép… hoặc ổn định ở mức thấp như lúa gạo, phân bón, những diễn biến này đã góp phần kiềm chế mức tăng giá chung của thị trường sau khi Chính phủ tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh giá thị trường đối với một số hàng hóa thiết yếu (điện, nước) và tăng lương tối thiểu.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 6/2010 tiếp tục tăng nhẹ, ước đạt 127.543 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, tập trung chủ yếu vào ngành hàng du lịch, dịch vụ do tháng 6 là mùa du lịch.

Như vậy, tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2010 đã đạt 747.418 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009 (nếu loại trừ yếu tố tăng giá mức tăng vẫn đạt 16,5%). Đây là mức tăng khá ấn tượng trong khi các chỉ số tăng trưởng GDP và giá trị sản xuất công nghiệp vẫn ở mức trung bình.

Phân theo ngành kinh tế thì du lịch có mức tăng mạnh nhất: 32,6%, tiếp đến là ngành thương nghiệp, ngành chiếm tỷ trọng lớn với mức tăng 27,6% (cao hơn mức tăng chung) cho thấy tiêu thụ hàng hóa tiếp tục phục hồi tốt.

Thị trường, giá cả bình ổn

Chỉ số giá (CPI) tháng 6/2010 chỉ tăng 0,22% so với tháng 5/2010, là mức tăng khá thấp so với mức tăng tháng 6 của những năm gần đây (năm 2004 là 0,8%; năm 2005: 0,4%; năm 2006: 0,4%; năm 2007: 0,85%; năm 2009: 0,55%). CPI những tháng gần đây có xu hướng giảm thấp (tháng 1 tăng 1,36%; tháng 2: 1,96%; tháng 3: 0,75%; tháng 4: 0,14%; tháng 5: 0,27%; tháng 6: 0,22%).

Điều đó cho thấy, thị trường, giá cả trong nước khá ổn định. Kinh tế trong nước tiếp tục đà tăng trưởng (GDP quý I/2010 đạt 5,83%; 6 tháng đạt trên 6%), các cân đối vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định; cung cầu hàng hóa tiếp tục được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Thời tiết diễn biến thuận lợi vụ Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam đều cho thu hoạch với sản lượng lớn là yếu tố quan trọng cân đối cung cầu.

Bên cạnh đó công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện bình ổn giá được triển khai đồng bộ quyết liệt từ Trung ướng xuống địa phương, thông qua các biện pháp điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, xuất nhập khẩu, thanh tra, kiểm tra… Vì thế giá cả thị trường 6 tháng đầu năm tuy có tăng nhưng vẫn vận động theo quy luật hàng năm, không có đột biến giá xảy ra.

Chung tay ổn định thị trường

Các thành viên Tổ điều hành phân tích, 6 tháng đầu năm chỉ số CPI đã tăng 4,78% so với tháng 12/2009. Như vậy so với mục tiêu khống chế CPI cả năm không vượt quá 8% thì những tháng còn lại CPI không được tăng vượt quá 0,5%/tháng. Đây là một thách thức lớn, bởi vì theo quy luật, những tháng quý 4 hàng năm thường có mức tăng cao.

Bộ Công Thương cho rằng, trong khi thị trường hàng hóa thế giới còn tiềm ẩn những bất ổn (đặc biệt lo ngại các biện pháp khắc phục nợ ở châu Âu sẽ làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới nhu cầu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu…) nên giá nhiều loại nguyên nhiên liệu trên thị trường tiếp tục biến động nhẹ.

Việc đồng Nhân dân tệ (Trung Quốc) lên giá sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến giá nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó còn phải đối phó với tình trạng nhập siêu; thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong mùa mưa bão sắp tới, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung một số hàng hóa; nhu cầu tiêu thụ mang tính mùa vụ và trong các dịp Tết cuối năm có thể gây tác động tăng giá tới một số hàng hóa trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Nga- Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)- cho rằng: 6 tháng cuối năm 2010, kinh tế nước ta xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi có thể giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn 2 quý đầu năm. Nhưng bên cạnh đó cũng phải đối phó với nhiều khó khăn thách thức.

Đó là những yếu kém vốn có của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng thấp trong năm 2009 sẽ còn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống; trong đó, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể tăng cao trở lại nếu chúng ta không có những đối sách hợp lý, do những tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới và kinh tế trong nước; tác động (theo độ trễ từ 6 tháng đến 1 năm hoặc lâu hơn) của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa phục vụ mục tiêu kích cầu, ngăn ngừa suy giảm kinh tế từ năm 2009 chuyển qua); tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép…

Để kiểm soát được giá cả, thị trường, đại điện Cục Quản lý giá cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý về quản lý, điều hành giá; theo dõi sát diễn biến cung- cầu, giá cả trên địa bàn, chủ động xây dựng phương án đồng bộ điều hành giá hàng hóa, dịch vụ- nhất là những hàng hóa dịch vụ thiết yếu, quan trọng; kiến nghị áp dụng các biện pháp bình ổn giá trình UBND các tỉnh phê duyệt và ban hành; chủ trì kiểm soát chặt chẽ các phương án giá của UBND để loại trừ các chi phí bất hợp lý nhằm bình ổn giá bán…

Theo ông Nguyễn Danh Trọng- Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lượng tiền cung ứng theo kế hoạch lượng tiền cung ứng năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cả năm chỉ tăng khoảng 20- 25%; Điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường theo hướng giảm dần; Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo hướng ổn định…

Đặc biệt, bà Quách Tố Dung - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - đã phổ biến những kinh nghiệm trong việc bình ổn giá đem lại kết quả khá tốt trong việc ổn định thị trường của TP.HCM. Theo bà Dung, từ kinh nghiệm những năm trước bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán, năm 2010, TP.HCM đã quyết định cấp trên 380 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi 0% để lo nguồn hàng bình ổn giá 8 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ 1/6/2010 đến 31/3/1011.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đánh giá cao biện pháp tích cực bình ổn thị trường của TP.HCM và đề nghị các địa phương thực hiện theo cách làm của TP.HCM. Thứ trưởng nói: “Thực tế, mô hình của TP.HCM rất hiệu quả, vì thế, các địa phương nên thực hiện theo cách làm đó. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm mới tìm ra hướng đi đúng”.

Tổ Điều hành thị trường nhận định, với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Chính phủ số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp một cách đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt khi một số địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đã chủ động có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá và đã bắt đầu triển khai phương án dữ trữ hàng hóa thiết yếu, cùng với việc phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc niêm yếu giá và bán theo giá niêm yết, nhất là tại các điểm bán lẻ, các chợ dân sinh… Dự kiến, giá cả hàng hóa trên thị trường các tháng cuối năm sẽ khó có khả năng tăng đột biến.

Theo phân tích của đại diện các ngành hàng, tổng công ty lớn cho thấy, trước mắt trong tháng 7, do giá cả phần lớn các loại hàng hóa trên thị trường tiếp tục xu hướng ổn định hoặc dao động ở mức thấp nên CPI tháng 7 chỉ tăng nhẹ so với tháng 6.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tháng 7, thị trường tiếp tục ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO