Thần tốc vaccine

Vân Anh| 27/06/2021 06:55

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM với 836.000 liều đã được chính thức triển khai với những mũi tiêm đầu tiên tại Khu Công nghệ cao TP.HCM vào sáng ngày 19/6/2021.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các đơn vị của TP.HCM đã tham dự buổi lễ triển khai, cho thấy tầm quan trọng của chiến dịch lần này, khi đợt dịch thứ tư đến với TP.HCM vô cùng phức tạp. 

Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, TP.HCM được phân bổ 836.000 liều vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca. Đây là đợt phân bổ thứ tư và là đợt lớn nhất từ trước đến nay, được dự kiến tổng triển khai với 1.000 điểm tiêm, trong thời gian 5-7 ngày, với sự tổng huy động lực lượng từ các đơn vị y tế trong và ngoài công lập.

Tại buổi họp báo ngày 21/6/2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hiện lượng vaccine của Thành phố đến từ hai nguồn là Chính phủ và TP.HCM chủ động tìm mua. Khi thực hiện chủ trương này, Thành phố tham vấn từ các chuyên gia để thực hiện đúng quy định Chính phủ, Bộ Y tế và các hãng sản xuất.

Chiến dịch lần này, TP.HCM dành phần lớn lượng vaccine để tiêm chủng cho công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và Công viên Phần mềm Quang Trung, với mục tiêu duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép của Thành phố. Ngoài ra, một số lực lượng công nhân tại doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng sẽ được tiêm vaccine lần này và lần sau.

34324432-2407-1624588603.jpg

Trước quyết định cho phép khu vực tư nhân tham gia phát triển nguồn cung vaccine phòng Covid-19, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng “tình hình không thể trì hoãn thêm, Chính phủ cần đưa ra cơ chế phù hợp, càng sớm càng tốt”.

Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để khu vực tư nhân tham gia phát triển nguồn cung vaccine trong điều kiện ngân sách quốc gia có hạn, nhưng phải giải quyết một số vấn đề. Thứ nhất, Chính phủ sẽ chích ngừa miễn phí cho phần lớn người dân, trong khi các công ty có thể yêu cầu cán bộ, nhân viên muốn chích ngừa phải đóng phí. Thứ hai, Việt Nam không nằm trong danh sách các nước được ưu tiên vaccine khi thế giới biết Việt Nam kiểm soát dịch tốt. Do đó, Việt Nam phải tự chuẩn bị vaccine. Thứ ba, một thách thức rất lớn là Việt Nam phải có được 70% dân số được tiêm mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu Chính phủ không có chương trình tiêm chủng nhanh chóng, những đợt tiêm chủng trước có thể bị vô hiệu hóa từ những biến thể virus mới. 

Ngoài ra, việc doanh nghiệp có được ưu tiên vaccine cho chính công nhân của họ hay không là vấn đề đặt ra khi Chính phủ cho phép tư nhân tham gia nguồn cung vaccine. Trên thực tế, các hãng bào chế vaccine như AstraZeneca của Vương quốc Anh hay Johnson&Johnson của Mỹ, thường chỉ bán vaccine cho các chính phủ hoặc một số tập đoàn lớn có khả năng tài chính. Điều ấy có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong việc mua vaccine cũng như tài trợ vaccine, đòi hỏi Chính phủ phải sớm có quyết sách nhằm tạo được đồng thuận xã hội. 

Mặt khác, làm thế nào để hai nguồn vaccine do Nhà nước và tư nhân nhập không cạnh tranh về giá và loại trừ nhau, theo TS. Hiếu không có khả năng loại trừ nhưng phải cẩn thận bởi có thể có những nhóm lợi ích lợi dụng tình hình thiếu vaccine để trục lợi. Nhóm có khả năng tài chính mua vaccine và thu phí chích ngừa cao. 

Theo kế hoạch, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với khoảng 150 triệu liều vaccine tiêm, trong bối cảnh chưa hoàn toàn kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Đây là mục tiêu khó đạt được vì tiến độ tiêm đang quá chậm trong khi thế giới tiếp tục xuất hiện những biến thể vius mới từ Anh, Nam Phi hay Ấn Độ có thể làm cho việc chích ngừa trở nên không hiệu quả.

TS. Hiếu cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn chương trình tiêm đại trà để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Muốn vậy, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần nhanh chóng tiếp cận các nguồn cung, đàm phán để có mức giá vaccine phù hợp nhất. Cạnh đó, cần sớm có cơ chế cụ thể nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển nguồn cung vaccine.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thần tốc vaccine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO