Thách thức lớn của Viettel là... thành công

P.V (theo Cổng thông tin Chính phủ)| 29/12/2014 09:14

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Viettel: "Thành công gây ra tự mãn. Sự hài lòng chính là trở ngại để Viettel đi tiếp".

Thách thức lớn của Viettel là... thành công

Phát biểu tại cuộc họp cuối năm 2014 của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một tổ hợp nghiên cứu - sản xuất CNTT.

Cùng với viễn thông và đầu tư ra nước ngoài, nghiên cứu - sản xuất thiết bị là một trong 3 trụ cột chính của Viettel. Hiện nay Tập đoàn Viettel có 3 viện nghiên cứu trong đó có một viện về quân sự và hai viện nghiên cứu về viễn thông với số lượng nhân viên là 4.500 người. Doanh thu từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất trong năm 2014 là 6.500 tỷ đồng, tăng 400% so với năm ngoái.

“Viettel đặt mục tiêu vào năm 2020 phải trở thành một tổ hợp nghiên cứu-sản xuất CNTT. Trong đó về quân sự thì trở thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng, còn về dân sự thì sẽ cung cấp 70-80% thiết bị viễn thông. Đây là vấn đề cốt lõi của Viettel”, ông Hùng nói.

Điểm lại hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel trong năm qua, ông Hùng cho biết năm 2014, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 197.000 tỷ, tăng 20%, trong đó lợi nhận trước thuế là 45.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Lợi nhuận của Viettel chiếm tới 85% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ các doanh nghiệp quân đội. Lợi nhuận sau thuế là 33.000 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân là 35%. Vốn chủ sở hữu tăng 32% lên 112.000 tỷ đồng trong khi tổng tài sản tăng gần 30%, đạt 160.000 tỷ đồng.

Đầu tư ra nước ngoài là một trong 3 hướng đi chính của Viettel. Tập đoàn này đã đầu tư tại 9 quốc gia có tổng số 175 triệu dân. Tổng doanh thu của Viettel ở nước ngoài tăng 25%, đạt 1,2 tỷ USD trong khi lợi nhuận từ nước ngoài đạt 115 triệu USD, tăng 25%.

“Với Viettel, các nội dung về cổ phần hóa hay thoái vốn đều không lớn”, ông Hùng cho biết. Năm qua, Viettel đã thoái 2.500 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành tại 4 công ty để thu về 3.000 tỷ đồng. Năm 2015 sẽ thoái nốt vốn tại 5 công ty khác và đề nghị giữ lại phần vốn nhà nước đang đầu tư hiệu quả tại 4 công ty để hoàn thành một số nhiệm vụ Chính phủ giao.

Về tiếp quản tái cơ cấu ngành, năm 2012 Viettel tiếp nhận Tổng công ty Viễn thông Điện lực của Tập đoàn EVN và đến nay thì tình hình kinh doanh của công ty này vẫn đạt kết quả tốt. Năm 2013, Viettel đã tiếp nhận Xi măng Cẩm Phả từ Vinaconex. Từ một công ty đang thua lỗ, sau 1 năm thực hiện tái cơ cấu đã có doanh thu tăng trưởng 7%, đạt 2.500 tỷ đồng với lợi nhuận đạt 108 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, ông Hùng cũng chia sẻ, thách thức lớn đối với Viettel chính là thành công trong hiện tại của Tập đoàn này: “Thành công gây ra tự mãn. Sự hài lòng chính là trở ngại để Viettel đi tiếp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thách thức lớn của Viettel là... thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO