Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

29/07/2009 00:51

Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN từ năm 2005

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN từ năm 2005, hệ thống này hướng tới mục tiêu xúc tiến họat động thương mại và đầu tư quốc tế bằng cách triển khai hoạt động thông quan hàng hóa nhanh chóng, góp phần xây dựng cơ chế để thực hiện Chương trình cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo lộ trình chung, ngay từ thời điểm này, các nước thành viên ASEAN đã phải bắt đầu triển khai cơ chế một cửa quốc gia, trước khi thực hiện cơ chế một cửa trong ASEAN vào năm 2012. Theo kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia sẽ được thực hiện trước năm 2011 và năm 2012 sẽ kết nối với cơ chế một cửa của ASEAN.

Việt Nam đã chính thức ký kết tham gia Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN từ năm 2005

Cơ chế một cửa quốc gia là gì?

Sau khi Bộ Tài chính có Tờ trình Chính phủ số 80/TTr-BTC ngày 8/10/2007, ngày 30/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1263/2008/QĐ-TTg (ngày 16/9/2008) thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008 - 2012. Theo quyết định này, Ban Chỉ đạo quốc gia gồm 14 bộ, ngành, trong đó Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là đầu mối triển khai.

Bộ Tài chính trực tiếp là Tổng cục Hải quan là cơ quan đầu mối triển khai cơ chế một cửa quốc gia sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, vì cơ quan hải quan là cơ quan duy nhất tham gia vào mọi giao dịch thương mại quốc tế, là cơ quan ra quyết định cuối cùng đối với việc thông quan hàng hoá.

Thực tế, đa số các thành viên ASEAN đã chỉ định cơ quan hải quan làm đầu mối về vấn đề này. Hiện tại, Tổng cục Hải quan đã xây dựng bộ dữ liệu theo bộ dữ liệu mẫu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Đây là bộ dữ liệu về thương mại đầy đủ và hoàn chỉnh nhất.

Theo Bill Nolle, Chuyên gia tư vấn dự án ASW: Cơ chế một cửa quốc gia là môi trường cho phép các bên tham gia và họat động thương mại, vận tải nộp và trao đổi thông tin dưới dạng thông điệp điện tử hoặc giấy tờ đã được chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất để hoàn thành các thủ tục và quy định của pháp luật liên quan đến họat động nhập khẩu, xuất khẩu quá cảnh đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, thiết bị chuyên chở. Nếu thông tin được nộp dưới dạng điện tử thì mỗi chỉ tiêu thông tin chỉ cần nộp một lần. 

Ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan

Theo cơ chế này, các bộ ngành, doanh nghiệp thống nhất cùng sử dụng dữ liệu thông tin dưới dạng chuẩn hóa và các doanh nghiệp chỉ phải khai báo một lần tới hệ thống một cửa quốc gia. Từ đó, cơ chế một cửa quốc gia sẽ gửi dữ liệu tới cơ quan để các cơ quan ra quyết định. Đồng thời, cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo ra bản ghi kết quả xử lý một cách thích hợp, toàn diện và thông báo kết quả xử lý sẽ được gửi tới chủ hàng.

Cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và thúc đẩy thương mại quốc tế, giảm thiểu chi phí và các gáng nặng về thủ tục hành chính cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính phủ thông qua việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về thông tin, chứng từ. Nâng cao khả năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật của các cơ quan chính phủ cũng như mức độ tuân thủ của doanh nghiệp…

Ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan lý giải: Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN vận hành theo nguyên tắc tạo ra môi trường liên thông giữa các cơ quan của chính phủ thành một hệ thống duy nhất. Hệ thống này khi phản hồi công việc với công dân hay cộng đồng doanh nghiệp chỉ thông qua một cửa duy nhất.

Các vấn đề của công dân hay doanh nghiệp giao dịch, hệ thống sẽ tự động gửi đến các bộ, ngành có liên quan. Khi xử lý một vấn đề, hệ thống của các bộ, ngành sẽ xử lý đồng thời và hồi đáp lại phía cơ quan giải quyết trên cơ sở ý kiến giải quyết của tất cả các bộ, ngành.

Chính phủ Hoa kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia cho Việt Nam là rất đáng trân trọng, sẽ cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm trong việc tổ chức cơ chế một cửa quốc gia cũng như cơ chế một cửa ASEAN như thế nào. Đồng thời, hỗ trợ trong việc tài trợ kinh phí tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu và khảo sát để xây dựng kế hoạch triển khai trong những năm sắp tới.

Đối với lĩnh vực hải quan, khi doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan thì chỉ phải gửi 1 lần thông tin đến cơ quan hải quan. Những thông tin khi doanh nghiệp gửi đến cơ quan hải quan sẽ đồng thời được gửi đi cho tất cả các bộ, ngành liên quan. Chẳng hạn như nếu hàng hóa cần giấy phép của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tất cả yêu cầu về giấy phép đều được gửi đến các bộ trên. Khi cơ quan hải quan xử lý thì đã có phản hồi của các bộ, ngành này.

Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải đi đến tất cả các bộ, ngành để giải quyết công việc như trước đây nữa. Thời gian qua, ngành Hải quan đã cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT. Hiện nay, ngành Hải quan đang tập trung triển khai thủ tục hải quan điện tử.

Đây là một trong những bước đi quan trọng để tạo lập ra được môi trường CNTT có thể kết nối được với hệ thống thông tin của các bộ, ngành khác tạo nên cơ chế một cửa. Theo lộ trình thực hiện đến năm 2012 Việt Nam cùng với các nước tham gia vào môi trường một cửa ASEAN. Về phía Bộ Tài chính đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tiến thủ tục và thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Ngành Hải quan đã có kế hoạch mở rộng thủ tục hải quan điện tử ra một số đơn vị hải quan địa phương khác, nâng tổng số địa bàn triển khai thủ tục hải quan điện tử lên 9 đơn vị. Đối với lộ trình đến năm 2012 về phía Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã sẵn sàng cho từng bước đi cụ thể.

Cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên

Bill Nolle dẫn chứng, qua đợt khảo sát mới đây cho thấy một tàu hàng nước ngoài khi cập cảng Việt Nam phải kê khai 12 loại giấy tờ khác nhau gồm 7 biểu mẫu của Tổ chức hàng hải thế giới và 5 biểu mẫu của Việt Nam liên quan đến kiểm dịch y tế, kiểm dịch động, thực vật... Điều đáng nói là những thông tin cơ bản như tên tàu, số hiệu... đều phải được kê khai lặp lại 12 lần. Cơ chế một cửa sẽ khắc phục những hạn chế này.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại, đòi hỏi có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Chẳng hạn như về cơ sở hạ tầng CNTT, việc xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia cần có hệ thống máy tính được nối mạng, phần mềm phục vụ hoạt động thông quan hàng hoá, cấp phép. Nhưng hiện tại trình độ phát triển của CNTT nước ta nói chung còn hạn chế, đòi hỏi sự đầu tư thích đáng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề “bức xúc” khác là cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành liên quan đến quá trình thông quan hàng hoá thời gian qua chưa được tiến hành một cách nghiêm túc.

Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện cơ chế một cửa sẽ không thể thực hiện được nếu không có cơ chế phối hợp về cung cấp thông tin hiệu quả và chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng quản lý và cấp phép đối với hàng hoá chuyên ngành. Như vậy, thực hiện cơ chế này đòi hỏi việc chuyển đổi từ phương pháp quản lý thủ công sang áp dụng CNTT và tự động hoá. Vấn đề cần phải khắc phục hiện nay là phải xây dựng một cơ chế phối hợp và cung cấp thông tin hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành.

Theo ông Vũ Ngọc Anh: Để thực hiện được môi trường một cửa như vậy đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính, sự phối hợp, điều phối của các bộ, ngành. Đồng thời phải có môi trường về CNTT tốt để xử lý trực tuyến.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Phó trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay: Khi thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, Chính phủ tập hợp 13 bộ, ngành, Tổng cục Hải quan được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối. Trong số 13 bộ, ngành liên quan thực hiện cơ chế một cửa, có 4 bộ là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên thực hiện trước. Bởi vì, theo thống kê, 60% các loại giấy phép hiện nay ở Việt Nam là do những Bộ này ban hành.

Trong kế họach tổng thể, từ giờ đến hết năm 2009, các bộ này sẽ được rà soát các quy trình, rà soát các hệ thống, công nghệ cũng như việc công nghệ hóa các hệ thống mà các bộ đang làm. Bước tiếp theo là hài hòa hóa, đơn giản hóa và chuẩn hóa các dữ liệu ở các bộ này. Căn cứ vào tiến độ thực hiện để triển khai kế hoạch điện tử hóa toàn bộ đối với các Bộ, ngành còn lại.

Ông Tùng cho biết thêm, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia là thách thức không chỉ của Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Mục tiêu để triển khai xây dựng hệ thống cơ chế một cửa ở Việt Nam là phải hài hòa và đơn giản hóa thủ tục, thực hiện đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin, không nhất thiết phải thay đổi các chính sách. Cải cách các thủ tục liên quan đến thủ tục hải quan, làm sao đồng bộ và đúng thời hạn. Có công nghệ và khung pháp lý sẽ tiến hành xử lý các dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nắm vững những cơ chế hoạt động của cơ chế một cửa để hiểu và thực hiện đúng, trước mắt doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ.

Ông Lê Ánh Quang, Trợ lý giám đốc, Ban Thuận lợi hóa thương mại, Ban Thư ký ASEAN.

Ông Vũ Ngọc Anh cũng nhấn mạnh: Vấn đề ở đây còn phụ thuộc vào tổng thể chung của các bộ, ngành. Sẽ có nhiều khó khăn trong việc triển khai cơ chế này. Thực tế là thủ tục hành chính của chúng ta chưa đồng bộ, chưa đơn giản hóa như yêu cầu. Ngoài ra, môi trường về CNTT cũng chưa đồng bộ, có bộ, ngành đi trước, có bộ, ngành chưa đáp ứng.

Đây là một trong những khó khăn khá lớn. Đó là chưa kể tới nhận thức của con người, không chỉ riêng người vận hành mà cả người sử dụng hệ thống. Để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2012 chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nếu chúng ta tích cực thì sẽ rất khả thi. Tuy nhiên, cũng có điều cần phải làm rõ là cơ chế một cửa là khái niệm rộng. Do vậy, vấn đề ở đây là chúng ta đạt đến mức độ nào.

Theo ông Lê Ánh Quang, Trợ lý giám đốc, Ban Thuận lợi hóa thương mại, Ban Thư ký ASEAN: So với lộ trình ASEAN và căn cứ vào cam kết của các Bộ trưởng Tài chính ký vào tháng 12/2006, hiện ASEAN mới có 2/6 nước thực sự đưa cơ chế một cửa vào họat động đó là Singapore và Indonesia, 4 nước còn lại đang triển khai một cách quyết liệt trong năm 2009.

Bên cạnh việc tuân thủ cam kết, thì việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia sẽ đem lại quyền lợi cho từng quốc gia, do đó, nếu cơ chế một cửa quốc gia được triển khai sớm thì sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp, đồng thời, tăng thêm cơ chế quản lý một cách chuẩn mực cho cơ quan chính phủ gắn liền với việc cung cấp thông tin phù hợp.

Việt Nam là nước có lợi thế đi sau thừa kế kinh nghiệm của các nước đi trước. Tin rằng dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ chặt chẽ hơn trong việc thực hiện hệ thống một cửa quốc gia. Từ kinh nghiệm của Indonesia cho thấy nếu không đạt được sự đồng lòng, nhất trí giữa các bộ, ngành thì rất khó đạt được tiến độ thực hiện. Theo tôi, nếu Việt Nam quyết tâm lớn trong việc thực hiện cơ chế một cửa thì năm 2011 không phải là đích quá xa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO