Tăng trưởng xanh: Những bài học kinh nghiệm từ châu Á

VŨ TRÍ thực hiện| 16/06/2015 06:13

Việt Nam là quốc gia có sự gia tăng cao nhất về tỷ trọng điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á

Tăng trưởng xanh: Những bài học kinh nghiệm từ châu Á

Theo báo cáo mới nhất có tên "Triển vọng kinh tế” của Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và Xứ Wales (ICAEW), Việt Nam là quốc gia có sự gia tăng cao nhất về tỷ trọng điện được sản xuất bằng năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam lại đang phải đối diện với những thách thức về "tăng trưởng xanh" khi tiếp tục chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Ông Scott Corfe, cố vấn kinh tế của ICAEW đã chia sẻ về vấn đề này.

Đọc E-paper

* Quyết định phát hành báo cáo "Triển vọng kinh tế” tại Việt Nam, các ông kỳ vọng mang lại điều gì?

- Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Bản báo cáo này sẽ giúp cho cả những doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trong nước cũng như các DN và nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hiểu rõ hơn về nền kinh tế Việt Nam, cũng như có cái nhìn sâu hơn về tình hình kinh tế các nước ASEAN.

* Có một thực tế là hiện nay hơn 90% DN Việt Nam là nhỏ và vừa, thiếu và yếu về vốn và công nghệ. Theo ông, DN Việt Nam nên làm gì để cải thiện tình trạng này?

- Thế giới đang tiến tới một bước ngoặt mà các DN nhỏ không cần phải quá tốn kém cho năng lượng tái tạo. Riêng tấm năng lượng mặt trời đã giảm giá mạnh trong những năm gần đây và dự báo sẽ giảm thêm 40% trong hai năm tới.

Với chi phí giảm sâu như thế, Việt Nam có thể là nước dẫn đầu trong việc áp dụng rộng rãi công nghệ này vào sản xuất và sinh hoạt.

Chính phủ có thể giúp đỡ các công ty nhỏ thông qua những khoản trợ cấp hoặc các khoản cho vay nhằm hỗ trợ chi phí cố định ban đầu cho tấm năng lượng mặt trời.

Chi phí vận hành của công nghệ này rất thấp, vì vậy việc giúp các công ty vượt qua rào cản ban đầu là chi phí thiết lập có thể dẫn đến gia tăng việc sử dụng nó.

Chính phủ còn có thể giúp các DN vừa và nhỏ giảm phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hoá có giá trị gia tăng thấp bằng cách cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn về quy trình sản xuất hiệu quả và bền vững.

Việc đào tạo đã được đề cập trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam, cần được phát huy hơn nữa trong những năm tới.

Ông Scott Corfe - Cố vấn kinh tế của ICAEW

* Ông có thể cho một vài ví dụ và kinh nghiệm cụ thể ở một số quốc gia mà ông biết họ làm cách nào để sản xuất sạch hơn?

- Tôi không nghĩ rằng Việt Nam nên đơn giản là làm theo mô hình của một nước nào đó. Không một quốc gia nào thực sự làm đúng điều này trong quá khứ và hầu hết đều bắt đầu giải quyết các vấn đề môi trường khi đã quá muộn.

Ví dụ, đến tận bây giờ, khi vấn đề ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc đã vượt quá xa mức có thể chấp nhận được, quốc gia này mới nỗ lực để giải quyết vấn đề này.

Bài học mà Việt Nam và các nước khác cần học là các vấn đề môi trường phải được giải quyết ngay từ giai đoạn đầu để giảm bớt bế tắc, cải thiện sức khỏe và trong dài hạn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo tôi, Việt Nam nên xem xét những gì các nước khác đang làm và vận dụng những thành công đó một cách linh hoạt vào tình hình tại quốc gia mình.

Chẳng hạn, điều mà các quốc gia Đông Nam Á có thể học từ Singapore là việc nước này đã thành công trong việc thu hút các công ty dịch vụ quốc tế bằng cách cung ứng lực lượng lao động lành nghề và mức thuế cạnh tranh cũng như môi trường kinh doanh chuyên nghiệp.

Chính điều này đã giúp Singapore giảm sự phụ thuộc vào sản xuất. Và Việt Nam cũng có thể tìm được những bài học được rút ra từ sự thành công của Thái Lan.

* Thái Lan đang trở thành một quốc gia phát triển xe điện. Ông có lời khuyên nào cho Việt Nam về vấn đề này?

- Chính phủ Thái Lan đã thiết lập một số mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện chất lượng môi trường, và đã đưa ra một số chính sách nhằm đạt được các mục tiêu này.

Những chính sách này bao gồm các khóa huấn luyện, đào tạo nhằm thúc đẩy các kỹ năng về tăng trưởng xanh và công nghệ sạch, cũng như những ưu đãi đặc biệt về thuế cho các công ty hoạt động trong những lĩnh vực bảo tồn năng lượng. Họ còn có những "khoản vay xanh" nhằm khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp bền vững.

Thái Lan đang khuyến khích tiêu thụ xe điện nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống.

Chương trình thí điểm sẽ thiết lập các trạm sạc điện tại các thành phố lớn, khuyến khích đầu tư vào công nghệ xe điện đến chừng nào mà xe điện vẫn không có tính cạnh tranh so với các dòng xe thông thường.

Giá xe điện sẽ giảm mạnh khi thị phần trở nên lớn hơn và như vậy việc trợ giá của chính phủ sẽ nhanh chóng chấm dứt.

Vì vậy, gần đây Thái Lan đã trở nên tương đối năng động trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo một số chính sách về "kinh tế xanh" đang được thực hiện ở Thái Lan.

*Cảm ơn ông!

>Tăng trưởng GDP của Hà Nội đứng đầu thế giới

>WB đẩy lùi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam

>TP.HCM với mục tiêu tăng trưởng 12%

>TP.HCM phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 12%/năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng xanh: Những bài học kinh nghiệm từ châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO