Tạm biệt ca-bin hạng nhất

P.N.DŨNG| 05/06/2009 06:40

Ghế nào êm ái, thoải mái nhất trên máy bay? Chắc chắn là những ghế ở phần đầu mũi máy bay và đó là không gian mà hãng hàng không dành riêng cho hành khách có vé hạng nhất (first class) hoặc hạng thương gia (business class). Nhưng trong thời kinh tế thế giới suy thoái, không gian này đã vắng khách hẳn.

Tạm biệt ca-bin hạng nhất

Ghế nào êm ái, thoải mái nhất trên máy bay? Chắc chắn là những ghế ở phần đầu mũi máy bay và đó là không gian mà hãng hàng không dành riêng cho hành khách có vé hạng nhất (first class) hoặc hạng thương gia (business class). Nhưng trong thời kinh tế thế giới suy thoái, không gian này đã vắng khách hẳn.

Cabin hạng nhất B474 Cathay Pacific

Muôn ngàn cách phục vụ

Thời kinh tế phát triển tốt đẹp, giới doanh nhân, quản trị viên và nhà đầu tư liên tục cất cánh bay xa để thương thảo, ký hợp đồng và kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư. Họ được gọi chung là doanh nhân lữ hành (business traveller) và vì phải thường xuyên lên đường nên họ còn được đặt cho cái tên nghe rất ư là “hùng dũng”: “Chiến binh đường xa” (Road Warriors).

Họ thường bay rất nhiều lần trong năm nên được các hãng hàng không ưu ái phục vụ. Đơn giản vì một tấm vé khứ hồi của họ ở hạng nhất hoặc hạng thương gia (gọi chung là premium class) đắt gấp 3, 4 lần tấm vé hạng phổ thông (economy class). Hành khách hạng nhất và hạng thương gia không chỉ ngồi ghế rộng, có thể trải thành giường nằm ngủ thẳng lưng mà còn được ăn ngon,
thưởng thức sâm banh và vang hảo hạng. Thậm chí ở một số hãng, họ còn được chọn món ăn theo sở thích như khi đi nhà hàng sang trọng.

Trong ngành hàng không dân sự, mọi người hiểu rằng tuy chỉ chiếm chưa đến 20% tổng số hành khách nhưng giới doanh nhân lữ hành đáp máy bay hạng premium thường đóng góp đến 50% tổng doanh thu của một hãng bay. Thí dụ, một vé khứ hồi hạng thương gia ở đường bay Nylon (ghép từ New York-London), một trong những đường bay liên Đại Tây Dương thường có lượng hành khách rất cao, giá trung bình là 11.700USD.

Một vé khứ hồi hạng thương gia ở đường bay xuyên Thái Bình Dương có giá trung bình 20.000USD và một vé khứ hồi hạng nhất ở đường bay xuyên Thái Bình Dương thì có thể cao đến 30.000USD. Trong khi đó, một vé khứ hồi hạng phổ thông ở đường bay Nylon chỉ khoảng 500USD.

Quầy bar tren Airbus A340-600 của Virgin Airways

Những năm kinh tế tăng trưởng cao, giới doanh nhân lữ hành không chỉ tăng về số lượng ở Mỹ và các nước châu Âu mà còn phát triển vũ bão ở các nền kinh tế được gọi là Rồng, Hổ châu Á và các nền kinh tế dầu hỏa Trung Đông. Vì thế, mọi hãng hàng không thi nhau phát triển sản phẩm và dịch vụ hoản hảo nhất để phục vụ nhóm khách hàng không ngại chi tiêu lớn này.

Hãng nào có nhiều đường bay xa liên lục địa đều thiết kế ca-bin máy bay với đủ 3 hạng ghế, thậm chí có hãng lập ra cả một không gian “siêu hạng”, cụ thể là các suites phòng ngủ độc lập với giường đôi, cửa trượt, màn che cửa sổ, tủ áo quần trên các chiếc máy bay khổng lồ A380 của Singapore Airlines.

Hãng Emirates Airlines thiết kế cả buồng tắm vòi sen và spa trong phòng vệ sinh trên các chiếc A380 của mình. Qantas thì giao nhiệm vụ thiết kế nội thất những chiếc máy bay khổng lồ đã đặt mua (và tính đến đầu tháng 4/2009 đã nhận về 3 chiếc) cho nghệ nhân tài danh Marc Newson. Hãng nào không mua A380 hoặc chỉ nhận loại máy bay này trong vài năm nữa thì đầu tư nâng cấp ghế ở hai khoang hạng nhất và hạng thương gia thành những ghế giường có độ dài phẳng khác nhau.

Ghế chỉ ngả vừa phải nhưng hành khách không được thẳng lưng gọi là “ghế nôi” (cradle-seat); ghế ngả được 170 độ gọi là “ghế nghiêng” (angled-seat); ghế ngả thẳng 180 độ gọi là ghế giường phẳng (flat-bed seat). Chiều ngang và chiều dài của ghế-giường cũng trở thành những yếu tố các hãng cạnh tranh giành khách hàng lắm tiền nhiều của. 79,5 inch là chiều dài ghế-giường của Hãng Virgin Atlantic còn trên máy bay của Hãng British Airways (BA), 72 inch là chiều dài của ghế giường hạng thương gia và 78 inch là chiều dài của ghế giường hạng nhất. BA là hãng đầu tiên trên thế giới đưa ghế-giường phẳng phục vụ hành khách ca-bin hạng nhất kể từ năm 1996 và từ năm 2000 thì mở rộng phục vu thêm hành khách ở cabin hạng thương gia (gọi là Club World).

Nhiều hãng khác buộc phải vào cuộc cạnh tranh ghế - giường, từ South African Airways, Air Canada đến Cathay Pacific và Singapore Airlines. Ở Mỹ, đến nay chỉ có hãng khổng lồ United Airlines là có ghế giường phẳng ở hạng nhất và hạng thương gia. Không gian hạng nhất và hạng thương gia trên máy bay được từng hãng đặt cho những cái tên thật khêu gợi, rồi còn có những phòng chờ (lounge) sang trọng ở các nhà ga được thiết kế dành riêng cho các vị hành khách này. Và từng hãng lại bắt tay hợp tác với các sân bay quốc tế, chuỗi khách sạn, resort, nhà hàng cao cấp, công ty dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, công ty kinh doanh thẻ tín dụng để có thể phục vụ hành khách hạng nhất và hạng thương gia thật hoàn chỉnh từ A đến Z.

Làn sóng dẹp bỏ không gian hạng nhất

Nhưng cũng như chuyến bay nào dù có bay xa, kéo dài đến đâu thì cũng phải có lúc hạ cánh, chuyện chạy đua phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ hành khách ở ca-bin hạng nhất và hạng thương gia đã đến lúc dừng lại. Suy thoái kinh tế khiến số lượng hành khách premium giảm rõ rệt ở nhiều thị trường trên thế giới kể từ nửa sau năm 2008 đến gần đây - Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) báo động.

Tháng 1/2009, lượng hành khách premium của các hãng hàng không khắp thế giới đã giảm gần 17%. Hai thị trường có mức giảm đáng báo động nhất là châu Á (giảm 23%), châu Âu (giảm hơn 22%) - IATA cho biết vận chuyển hành khách hạng nhất và hạng thương gia đã giảm hơn 14%.

Điều đáng lo ngại là suy thoái kinh tế được dự đoán sẽ kéo dài khiến nhiều hãng hàng không phải tái cơ cấu mô hình hoạt động, dẹp bỏ hạng nhất, “hạ cấp” dịch vụ và sản phẩm ở hạng thương gia. Thực tế cho thấy, cứ mỗi lần xảy ra suy thoái kinh tế là mỗi lần các hãng bay mất đi một số lượng không nhỏ những hành khách premium. Sau cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất, số hành khách này đã thưa thớt hẳn, khiến nhiều hãng bay đã phải ngừng khai thác khoang hạng nhất, trong đó có cả những hãng rất nổi tiếng, như Continental, Delta, Northwest, US Airways (Mỹ), Aliatlia (Ý), KLM (Hà Lan) và SAS (ba nước Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch).

Sau cuộc tấn công New York ngày 11/9/2001 của bọn khủng bố, lượng hành khách premium bay qua lại hai bờ Đại Tây Dương giảm mạnh và một số hãng phá sản (Swisair của Thụy Sĩ, Sabena của Bỉ). Hiện nay suy thoái kinh tế thế giới đang đe doạ sự tồn
tại và phát triển của nhiều hãng. Vì các tập đoàn, công ty đã ban hành quy định mới về lữ hành. Trước đây, quản trị viên cấp cao của các tập đoàn kinh tế Mỹ được ngồi cabin hạng nhất khi bay nội địa dài hơn 3 tiếng, nay chỉ khi nào họ bay xuyên lục địa dài hơn 10 tiếng mới được chăn ấm, giường êm ở khoang hạng nhất.

Trước đây, quản trị viên cấp cao và cấp trung cao của nhiều công ty được mua vé hạng thương gia mỗi khi bay xa kéo dài hơn 6 tiếng, nay chỉ khi nào phải bay từ 8 tiếng, 10 tiếng hoặc 12 tiếng trở lên họ mới được mua vé hạng này. Ngoài ra nhiều công ty không còn cho phép các “cổ trắng” của mình bay hạng thương gia dù là chuyến bay ngắn hay rất dài.

Phải chăng cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới lần này sẽ dẫn đến việc mọi hãng sẽ dẹp bỏ ca-bin hạng nhất và bớt số ghế ở hạng thương gia. Ở một hội nghị chuyên ngành dự báo về xu thế vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, đại diện một hãng bay quốc tế nọ đã nói rằng, hãng của ông đang xem xét việc cải biến hạng thương gia (ký hiệu quen dùng C hoặc J) thành hạng “Y” (ký hiệu chỉ ghế hạng phổ thông mua trọn giá vé).

ĐIỀU GÌ SẼ XẨY RA?

- Có thể sẽ có ít những chuyến bay non-stop nối liền hai địa điểm hơn
- Có thể lượng ghế ở khoang hạng nhất sẽ bị cắt giảm tối đa
- Có thể sẽ có ít ghế hạng thương gia hơn
- Có thể sẽ có nhiều ghế hạng “executive premium” hơn (trung dung giữa hạng thương gia và hạng phổ thông, phục vụ quản trị viên)
- Có thể giá vé hạng nhất và hạng thương gia sẽ “rẻ” hơn
- Có thể sản phẩm và dịch vụ ở hạng nhất và hạng thương gia sẽ bị cắt giảm
- Có thể sẽ có ít hãng bay hơn
- Có thể sẽ có nhiều liên minh hàng không hơn
- Có thể sẽ có ít hãng bay với nhiều hạng ghế hơn
- Có thể các hãng giá rẻ sẽ rất thành công

TIẾT GIẢM CHI PHÍ LỮ HÀNH THỜI KINH TẾ SUY YẾU

- Xem kỹ chương trình lữ hành rồi mới đăng ký vé bay. Những thay đổi đột xuất đều khiến bạn bị hãng hàng không tính tiền.
- Lập kế hoạch lữ hành thật kỹ và rồi đăng ký vé máy bay sớm, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước thời điểm cất cánh để được hưởng giá vé thấp nhất có thể.
- Lữ hành càng “nhẹ” càng tốt, chỉ mang theo những hành trang tối cần thiết để tránh bị tính thêm phụ thu hành lý thứ nhất, hành lý thứ hai (khi bay nội địa Mỹ).
- Trở thành khách hàng trung thành của một công ty quản lý lữ hành hoặc đại lý vé máy bay để được phục vụ kịp thời với chi phí thấp nhất có thể có được.
- Ở những chuyến đi có khoảng cách ngắn, vừa, thử so sánh chi phí giữa máy bay, đường bộ, đường sắt.
- Khi có thể, nên đi chung chuyến bay, cùng chiếc xe thuê, ngủ chung phòng khách sạn… với đồng nghiệp cùng doanh nghiệp.
- Chọn bay vào những mùa thấp điểm trong tháng, trong quý, trong năm.
- Tránh bay đi/về vào ngày đầu tuần, cuối tuần vì đây thường là thời cao điểm, giá vé cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạm biệt ca-bin hạng nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO