Tái cơ cấu nền kinh tế và tìm động lực mới

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - TRÌNH TIÊU ghi| 16/04/2013 09:24

Nhìn lại một năm tái cơ cấu nền kinh tế (TCCKT), đã có những khởi đầu quan trọng, nhưng công việc đã làm mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa tạo lập được hệ thống động lực mới để phân bố lại nguồn lực trong xã hội; chưa khuyến khích, tạo thuận lợi và tạo áp lực để các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, có tư duy mới, cách làm mới.

Tái cơ cấu nền kinh tế và tìm động lực mới

Nhìn lại một năm tái cơ cấu nền kinh tế (TCCKT), đã có những khởi đầu quan trọng, nhưng công việc đã làm mới chỉ ở giai đoạn đầu, chưa tạo lập được hệ thống động lực mới để phân bố lại nguồn lực trong xã hội; chưa khuyến khích, tạo thuận lợi và tạo áp lực để các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư dám chấp nhận rủi ro, có tư duy mới, cách làm mới.

Đọc E-paper

Trái lại, có phần dung dưỡng, che chắn cho một số DN mà chính họ là tác nhân của khó khăn kinh tế hiện nay. Hình như các bộ, cơ quan nhà nước và DN vẫn chần chừ, do dự, muốn níu kéo những gì đã có, nên chưa có những cải cách đáng kể, thực sự theo cơ chế thị trường và hội nhập.

Xem xét một số công việc chủ yếu đã và đang làm liên quan đến TCCKT, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta thấy rõ mấy điểm.
Thứ nhất, hỗ trợ, "cứu" DN, giải quyết hàng tồn kho, kể cả tồn kho bất động sản. Đây không phải là giải pháp chính sách trong nội dung TCCKT nhưng có liên quan đến thực thi các chính sách TCCKT.

Về bản chất, các giải pháp nhóm này nhằm giải quyết khó khăn phát sinh từ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và không khác nhiều so với các giải pháp đã thực hiện trước năm 2011, góp phần làm bất kinh tế ổn vĩ mô, đẩy lạm phát lên cao. Các giải pháp này về cơ bản chỉ xử lý vấn đề "ngọn".

Cách làm vẫn "Nhà nước dẫn dắt" vì lợi ích của một nhóm DN chứ không phải toàn nền kinh tế; thiên về hành chính hơn là thị trường; không thấy động lực mới, không thấy cạnh tranh, không thấy trách nhiệm giải trình buộc những DN, nhà đầu tư có sai lầm phải trả giá cho những sai lầm đó của họ...

Rõ ràng, các giải pháp này sẽ không thành công như mong đợi cả về ngắn hạn và dài hạn, mà ngược lại, có thể kéo dài thêm tình trạng trì trệ của DN, của nền kinh tế; không tạo cơ hội sáng tạo, chuyển tài sản chết thành "vốn sống và lưu chuyển", tạo cơ hội đầu tư, kinh doanh; làm chậm lại quá trình TCCKT và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 929/QĐ-TTg và Quyết định 704/QĐ-TTg. Các công việc đang triển khai gồm tái cơ cấu danh mục đầu tư, ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành kinh doanh chính.

Mục tiêu được xác định rõ ràng, quyết tâm chính trị cũng rất cao, khẳng định bằng nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ. Nhưng việc triển khai chưa khẩn trương, chủ yếu chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN, chưa bán ra ngoài theo cơ chế thị trường, giá thị trường.

Nhìn chung, chưa có động lực và áp lực buộc các DNNN, người quản lý DNNN phải tính toán, cân nhắc các chi phí cơ hội, cho nên tâm lý sợ rủi ro, chờ đợi hoặc trì hoãn nhiều hơn là nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Cổ phần hóa vẫn chậm. Nếu mục tiêu cổ phần hóa là huy động vốn thì không hy vọng nhiều trong các năm tiếp theo.

Thứ ba, về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, các giải pháp đã và đang tập trung xử lý một số nội dung chính. NHNN đã phê duyệt, triển khai phương án tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại yếu kém, nhưng kết quả cụ thể đối với từng ngân hàng chưa được thông báo và vẫn là một câu hỏi lớn.

Các giải pháp khác để xử lý nợ xấu đang được triển khai. Nợ xấu được thông báo đã giảm từ khoảng gần 9% tổng dư nợ xuống còn 6% vào đầu tháng 3/2013.

Nhưng xem xét các giải pháp xử lý nợ xấu cho đến nay, nợ xấu được xử lý theo các biện pháp nghiệp vụ, hành chính nhiều hơn là chuyển khối tài sản thế chấp thành vốn và chuyển vào các mục đích sản xuất, kinh doanh.

Các giải pháp chưa chú trọng giải thoát cho các bên khỏi "mối quan hệ tín dụng hiện có”, chưa giải phóng gánh nặng nợ cho DN, mà chú ý nhiều đến làm sạch báo cáo tài chính của ngân hàng.

Vì vậy, các tổ chức tín dụng có thể tuyên bố, báo cáo đã hoàn thành xử lý nợ xấu, nhưng gánh nặng nợ của DN có thể vẫn còn nguyên. Do đó, DN vẫn chưa tiếp cận được tín dụng một cách bình thường, chưa khôi phục sản xuất, kinh doanh. Như vậy, mục đích xử lý nợ xấu chưa đạt được.

Thứ tư, về tái cơ cấu đầu tư công, không có đề án riêng, cho đến nay chủ yếu thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg. Kết quả là đầu tư nhà nước đã được cắt giảm cả về số vốn và số dự án, phân bố vốn đầu tư tập trung hơn, khắc phục một bước tình trạng "đầu tư phân tán, dàn trải...".

Nhưng thể chế và cách làm cũ vẫn chi phối phân bố và sử dụng vốn đầu tư nhà nước, dù có khác biệt là quy mô nhỏ hơn, số lượng dự án ít hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo kế hoạch đầu tư trung hạn, Luật Đầu tư công. Điều quan trọng là phải xác định rõ và cụ thể vai trò, phạm vi và chức năng của đầu tư nhà nước, quy trình, tiêu chí,... lựa chọn, tập trung phân bố vốn vào dự án có hiệu quả kinh tế-xã hội cao nhất; phải đổi mới được chế độ phân cấp đầu tư, nhất là trung ương - địa phương; phải "hạn chế ngân sách cứng" để buộc các bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải đổi mới, sáng tạo trong đầu tư theo hướng "đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn", hạn chế chạy theo số lượng đầu tư, số lượng dự án, ngăn chặn được cơn "khát đầu tư” như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu nền kinh tế và tìm động lực mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO