Sức mua yếu bịt ngòi “pháo” tăng giá

Nguồn SGTT| 24/11/2009 09:16

Việc xăng dầu tăng thêm bình quân 800đ/lít đang tạo điều kiện để giá một số mặt hàng thiết lập nấc thang mới nhưng các nhà kinh doanh chưa thể điều chỉnh giá khi sức mua không lớn.

Sức mua yếu bịt ngòi “pháo” tăng giá

Việc xăng dầu tăng thêm bình quân 800đ/lít đang tạo điều kiện để giá một số mặt hàng thiết lập nấc thang mới. Trước đó, biến động của giá nguyên liệu nhập khẩu và tỷ giá USD ảnh hưởng một phần tới giá đầu vào, nhưng các nhà kinh doanh chưa thể điều chỉnh giá khi sức mua không lớn.

Giá thuỷ sản ổn định trong khi chi phí mỗi chuyến đi biển của ngư dân tăng lên. Ảnh: L.Q.N

Nhúc nhích tăng giá



Sáu giờ sáng ngày 22/11, công ty du lịch Phương Trang tăng giá vé xe tuyến TP.HCM – Đà Lạt (và ngược lại) lên 10.000đ/vé, với mức giá mới 120.000đ một vé. Một nhân viên của công ty cho biết, nguyên nhân là giá xăng tăng nên buộc công ty phải tăng giá vé. Tuy nhiên, một vài hãng trên các tuyến khác vẫn giữ nguyên mức cũ như tuyến TP.HCM – Pleiku. Nhân viên của công ty Hưng Thành giải thích, các hãng xe đang so kè về giá nên chưa dám tăng. Riêng công ty du lịch Hoàn Cầu cho biết, sẽ tăng giá nhưng bắt đầu từ ngày 1/12. Dù giá xăng đã tăng vài ngày nhưng các hãng taxi tại TP.HCM vẫn giữ nguyên giá. Nhân viên trực tổng đài của hãng Mai Linh cho biết, vì chưa có lệnh của công ty nên giá taxi vẫn như cũ.

Với một số người điều hành siêu thị điện máy, điện thoại di động, điều chỉnh giá bán trong thời điểm này khó thực hiện được. Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh siêu thị điện máy Chợ Lớn nói: “Trong lúc ế ẩm như hiện nay hầu như các nhà bán lẻ chấp nhận không tăng giá giao hàng tận nhà bởi tăng giá sẽ rất khó bán được hàng”. Các siêu thị bán lẻ điện thoại di động cũng quyết định không tăng giá khi giao hàng tại nhà cho khách.

Ngay khi biết giá xăng dầu tăng, bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark dự báo: “Chậm hơn là đến đầu tháng 12 sẽ có nhiều nhà cung cấp gửi thư thông báo tăng giá”. Theo bà Thảo, chi phí sản xuất hay thương mại của các đơn vị làm kinh doanh đều đã bị đội lên khi giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng và nhất là biến động tỷ giá gần đây.

Đối với người dân, việc biến động giá cả cùng lúc của xăng dầu, vàng và đôla đã khiến nhiều người lo lắng. Bà Nguyễn Thị Trân, trưởng phòng nhân sự của một công ty ở quận 11 nói: “Không hoang mang lo lắng đến nỗi phải gom hàng tích trữ, nhưng tôi nghĩ khả năng hàng hoá tăng giá là có cơ sở. Kinh nghiệm của lớp người trước, khi vàng lên là hàng hoá tăng giá. Nay còn cộng thêm giá xăng dầu, giá đôla nữa, tất cả đều liên quan đến sản xuất kinh doanh, mà đầu vào tăng, thì đầu ra khó mà bán giá cũ”.

Sức mua thấp

Trong khi giá vận chuyển chưa tăng, thì giá rau xanh bán lẻ ở chợ đã tăng. Khảo sát giá một số loại rau này tại các chợ bán lẻ trong ngày 22/11, giá cà chua lên 10.000đ, bầu, bí lên 8.000đ, cải ngọt 6.000đ. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức, giá bán sỉ các loại này giảm nhẹ, với giá bầu, bí đao từ 2.500 – 40.000đ/kg, cà chua 6.500 – 7.000đ/kg, cải ngọt 2.000 – 2.700đ/kg, cải bó xôi 5.000 – 6.000đ/kg.

Các đại lý chuyên cung cấp rau ở Đà Lạt cho thị trường TP.HCM cho hay, sau đợt khan hiếm do ảnh hưởng từ hai cơn bão đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên vừa qua, lượng rau xanh ở Đà Lạt phục hồi trở lại, do đó giá giảm khá mạnh. Chủ đại lý rau xanh Tuyết Thịnh ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết, giá rau các loại như cải thìa, cải ngọt, xà lách, cà chua, cải bắp…giảm từ 500 – 1.000đ/kg, hàng khá dồi dào chứ không khan hiếm như một tháng trước đây.

Một số chủ đại lý rau cho rằng, giá mặt hàng rau phụ thuộc nhiều vào yếu tố cung cầu, còn cước vận chuyển chỉ góp phần kích giá khi thị trường khan hiếm rau. Thời điểm này, ngoài lượng rau dồi dào từ Đà Lạt, một số vùng lân cận như miền Đông hay nguồn hàng tại địa phương, thị trường TP.HCM còn tiếp sức thêm rau mùa lạnh từ các tỉnh phía Bắc đưa vào. “Vài tuần trở lại đây, chợ đầu mối Tam Bình tiếp nhận khá nhiều su hào, cải bắp từ Hà Nội với mức giá khá rẻ. Sản lượng rau về chợ tăng thêm vài trăm tấn, lên 2.700 – 2.900 tấn”, bà Hà nói.

Một số loại thực phẩm khác như heo, gia cầm, thuỷ hải sản không tăng, mà theo tiểu thương, sức mua chậm khiến họ không dám tăng giá. Theo khảo sát, thời điểm này giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam giảm còn 28.000 – 29.000đ/kg, trong khi thịt gia cầm cũng ở mức dưới chi phí giá thành đầu vào, người nuôi đang lỗ vốn nên chi phí vận chuyển đội thêm sẽ chưa tạo ra biến động lớn lên giá thịt bán lẻ trên thị trường.

Ngư dân lại than

Trong khi nỗi lo tăng giá chưa thành hiện thực thì ngư dân chịu ảnh hưởng ngay của việc điều chỉnh giá nhiên liệu. Ông Trần Văn Hoa, một ngư dân ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết dự tính ngày 24/11, gia đình sẽ đi chuyến biển cuối cùng trong năm nhưng chưa kịp nhổ neo thì dầu DO đã tăng giá thêm 1.000đ/lít. Với cặp tàu cào đôi công suất 150 CV và 250 CV, theo tính toán của ông Hoa, chuyến biển 30 ngày tới đây sẽ tốn thêm 25 triệu tiền dầu.

Thông thường, ba tháng còn lại cuối năm ngư dân chỉ còn đi một chuyến biển duy nhất, nhưng việc dầu vừa tăng giá khiến nhiều gia đình phải tính toán lại có nên đi nữa hay đưa tàu lên ụ chờ qua năm khai thác vụ mới. Theo ông Hoa, từ đầu năm đến nay, do giá hải sản vẫn bình bình như năm rồi, nên ngư dân đi biển chỉ kiếm đủ tiền thuê bạn, duy trì nghề chứ không có lời. Tuy không lời những vẫn phải đi, vì để tàu nằm ụ phơi nắng phơi mưa nhanh hỏng, lúc đó bán rẻ cũng không ai mua. “Lần tăng giá dầu này ngư dân chịu hết nổi rồi, mấy bạn tàu cũng khuyên tôi không nên đi nữa, vì có đi cũng chỉ lỗ hoặc hoà vốn”, ông Hoa nói.

Ông Phạm Văn Đính, trưởng ban hải sản xã Phước Tỉnh cũng cho hay, cả xã hiện có trên 1.200 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 150 CV cho đến 800 CV. Từ đầu tháng 7/2009 đến nay đã có ba đợt dầu DO tăng giá, mỗi lần như vậy ngư dân phải tốn thêm hàng chục triệu đồng chi phí. Trong khi đó, giá cá từ đầu năm đến nay không tăng khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sức mua yếu bịt ngòi “pháo” tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO