"Sốt ruột" vì doanh nghiệp giải thể

Theo TTXVN| 23/10/2012 09:36

Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội kháo XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều.

Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều.

E-paper

Đại diện Chính phủ trình bày báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành phần lớn thời gian để phân tích tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, dự báo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và kế hoạch 2013.

Báo cáo cũng dành gần một trang để thông báo kết quả thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI trong nội bộ Chính phủ.

Theo đó, Tập thể Ban cán sự Đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã "thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra bài học thấm thía, sâu sắc nhất" trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cũng như trong toàn bộ quá trình công tác.

"Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành", Thủ tướng nói.

Trong số những khuyết điểm, yếu kém nêu trên, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines, dẫn đến các đơn vị này sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.

Thủ tướng cũng cho biết, bản thân cũng như từng thành viên Chính phủ sẽ "nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất" để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chính phủ "sốt ruột" trước nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, khó tiếp cận vốn, tồn kho lớn. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để đạt được mục tiêu GDP cả năm 5,2% thì quý IV phải đạt mức 6,5%, Chính phủ lo lắng về một trong 5 mục tiêu không đạt của năm 2012. Tuy nhiên, vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2013.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ủy ban) cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng nhận định xu hướng khó khăn của nền kinh tế sẽ còn kéo dài trong năm 2013.

Tuy nhiên, một số ý kiến của Ủy ban cho rằng, báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa đúng tình hình, số liệu còn vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.

Trong 15 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch và đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh sự bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn, một số vấn đề cần được phân tích đánh giá đầy đủ, toàn thiện hơn.

Cụ thể, theo Ủy ban kinh tế, lạm phát giảm, nhập siêu giảm cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về trì trệ của nền kinh tế. Nhiều ý kiến nhận định, lạm phát hạ nhanh hơn dự kiến, âm trong tháng 6 và tháng 7 cùng với nhập siêu giảm mạnh liên tục cho thấy sự hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong vay vốn. Tiến trình tái cơ cấu kinh tế đã đạt được sự thống nhất nhưng việc thực hiện đến nay chưa đạt được kết quả rõ nét.

Tồn kho và nợ xấu đang làm tắc nghẽn chu chuyển nguồn lực quốc gia. Thu ngân sách 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khả năng thu những tháng còn lại nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban đánh giá sự phối hợp trong điều hành giá chưa tốt trong một số thời điểm đã tác động không tốt tới tâm lý thị trường. Cơ chế quản lý thị trường vàng miếng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt mục tiêu đưa giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phân tích rõ và thuyết phục hơn về kết quả tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Tín dụng tăng trưởng âm một thời gian dài và mới tăng trở lại gần đây nhưng ở mức thấp (9 tháng tăng 2,35%), không bù đắp được so với nợ xấu ngân hàng tăng từ 3,07% cuối năm 2011 lên 4,47% hoặc 8,6% cuối tháng 6 theo báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

Trước tình hình này, Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đồng thời có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, báo cáo Quốc hội ngay trong kỳ họp này.

Ủy ban cũng yêu cầu từ nay đến Tết Âm lịch, Chính phủ tập trung vào các giải pháp sau: Giải quyết các nút thắt của nền kinh tế như hàng hóa tồn kho và nợ xấu; cần tập trung xử lý những hàng hóa tồn kho cao như sắt thép, xi măng, căn hộ...; rà soát tính minh bạch, chính xác của quy mô nợ xấu các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tiếp tục cơ cấu lại nợ, các ngân hàng thương mại nhà nước, cổ phần nhà nước chấp hành nghiêm, chia sẻ với doanh nghiệp; rà soát lại các công trình xây dựng dở dang, đang bị hoãn, giãn tiến độ, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng yếu; điều hành tốt công tác quản lý giá, bình ổn thị trường trong dịp trước và sau Tết; đảm bảo giá vàng trong nước lưu thông với giá vàng quốc tế.

Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2013, Chủ nhiệm Ủy ban, Nguyễn Văn Giàu cho biết, các thành viên Ủy ban đều tán thành với các chỉ tiêu kinh tế năm 2013 của Chính phủ như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.

Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Sốt ruột" vì doanh nghiệp giải thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO