Sau khủng hoảng, doanh nghiệp nên đầu tư vào đâu?

26/06/2009 07:55

Ngày 23/6, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn doanh nghiệp và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp năm 2009- 2010".

Sau khủng hoảng, doanh nghiệp nên đầu tư vào đâu?

Ngày 23/6, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn doanh nghiệp và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp năm 2009- 2010". Ông Phạm Gia Túc (ảnh), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, sau khi Chính phủ đưa ra các giải pháp kích cầu góp phần ổn định nền kinh tế, đến thời điểm hiện nay, 90% doanh nghiệp đã ổn định lại hoạt động.

"Sau khi Chính phủ đưa ra các giải pháp kích cầu góp phần ổn định nền kinh tế, đến thời điểm hiện nay, 90% doanh nghiệp đã ổn định lại hoạt động"

Theo TS. Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau khủng hoảng, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ không hồi phục một cách nhanh chóng theo hình chữ V, mà sẽ hồi phục theo hình răng cưa. Phân tích về một số vấn đề đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, ông Tuấn cho rằng, kinh tế tăng trưởng dương vào 2 quý đầu năm 2009 với mức tăng 3-4% nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Xuất khẩu đương nhiên giảm do nhu cầu của thế giới giảm và tín dụng nhập khẩu của các ngân hàng trên thế giới cũng giảm. Đặc biệt, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ bị ảnh hưởng nặng, tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 được ước tính sẽ tăng khoảng 6,7-7,6%. Nhìn vào cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm 2009, thâm hụt thương mại đang có xu hướng quay trở lại, điều này có nguy cơ dẫn đến tái lạm phát nếu các cơ quan chức năng không có những giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, nếu không xử lý đúng để kiểm soát lạm phát thì nhiều khả năng lạm phát sẽ lên tới 7-9% chứ không phải là 6% như dự báo. Triển vọng kinh tế Việt Nam 2009-2010 sẽ phụ thuộc 50% vào kinh tế thế giới, còn lại 50% là phụ thuộc vào nội lực của chính Việt Nam.

Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá gói kích cầu lần 2 của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, muốn mang lại hiệu quả cao thì các cơ quan chức năng phải giám sát tốt và đảm bảo tính giải trình cao, tránh thất thoát, lãng phí và phải có các đánh giá kịp thời về gói kích cầu này.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, đó là việc xuất khẩu chưa thể đẩy mạnh, vốn đầu tư FDI suy giảm... TS. Đặng Xuân Thanh, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cũng phân tích và đưa ra những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong dài hạn. Đó là các biện pháp kích thích kinh tế sẽ tạo ra các nguy cơ lạm phát cao, nguy cơ khan hiếm nguồn vốn đầu tư FDI, nguy cơ thương mại toàn cầu phục hồi chậm và cạnh tranh thương mại gia tăng...

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cần phải nhận thức được xu hướng vận động của nền kinh tế thế giới để đầu tư vào các thị trường sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và hồi phục nhanh chóng nhất. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội để rà soát lại các chiến lược của mình nhằm nâng cao sức cạnh tranh, TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vag vừa (VCCI), cho biết, theo kết quả kinh doanh năm 2006- 2008 của 630 doanh nghiệp tại Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh lân cận thì mức tăng doanh số đã sụt giảm rõ rệt trong năm 2008 so với năm 2007. Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp là thiếu tầm nhìn chiến lược, nhất là khối doanh nghiệp sản xuất tư nhân, các doanh nghiệp rất ít đưa ra các lựa chọn chiến lược khác biệt hoặc đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới.

Dù thách thức còn nhiều nhưng đứng trên bình diện tổng thể, TS.Lê Duy Hiếu, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp có bản lĩnh có thể ưu tiên đầu tư vào một số lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Một là đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, bởi sau khủng hoảng, nông nghiệp không chỉ là cung cấp lương thực, thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp mà quan trọng hơn là hướng tới tạo ra các sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ và an toàn.Hai là đầu tư vào thị trường chứng khoán. Ba là đầu tư mua bán doanh nghiệp bởi rõ ràng là giá trị của nhiều doanh nghiệp có khả năng sinh lợi cao hiện đã thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Bốn là đầu tư vào giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe. Năm là đầu tư vào thị trường bất động sản.

Vấn đề lớn hiện nay mà đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều vấp phải là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Lê Văn Đạo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, là một ngành xuất khẩu chủ lực nhưng việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hiện nay còn chưa đạt yêu cầu, hầu hết các cơ sở đào tạo của ngành dệt may là của Nhà nước, hiện cũng đang có xu hướng tư nhân tham gia đào tạo nhưng vấn đề vay vốn đầu tư dự án đào tạo của các nhà đầu tư tư nhân vẫn còn vướng mắc. Vì vậy, ông Đạo kiến nghị cần tạo điều kiện hơn nữa cho các thành phần tư nhân được tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chia sẻ, mục tiêu năm 2009 - 2010, đào tạo trong nước sẽ dạy nghề cho 3,38 triệu người, trong đó trung cấp nghề và cao đẳng nghề là 660 nghìn người... Để đạt được mục tiêu trên, cần tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp lớn, bao gồm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội về vai trò của dạy nghề; đổi mới cơ chế, chính sách quản lý; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề; đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy; đảm bảo chất lượng dạy nghề và đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế về dạy nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau khủng hoảng, doanh nghiệp nên đầu tư vào đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO