S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

10/07/2013 00:47

Vị thế là một nước có thu nhập trung bình thấp (ước đạt 2.000 USD trong năm 2013) vẫn là hạn chế đối với xếp hạng của Việt Nam.

S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Vị thế là một nước có thu nhập trung bình thấp (ước đạt 2.000 USD trong năm 2013) vẫn là hạn chế đối với xếp hạng của Việt Nam.

Ngày 28/6 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa công bố báo cáo mới nhất cập nhật xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Theo đó, S&P quyết định giữ nguyên xếp hạng nợ dài hạn của Việt Nam ở mức BB- và nợ ngắn hạn ở mức B. Trong tương quan với các nước ASEAN khác, xếp hạng dài hạn của Việt Nam vẫn được giữ ở mức axBB+ và xếp hạng ngắn hạn duy trì ở axB. S&P cũng đặt triển vọng ổn định cho Việt Nam.

Mức xếp hạng mà S&P đặt cho Việt Nam phản ánh Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có thu nhập thấp, vị thế tài khóa yếu, khung tiền tệ và tài chính vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đồng thời, khung chính sách vẫn còn nhiều thay đổi có thể khiến các chỉ số xếp hạng yếu đi.

Theo chuyên gia phân tích đến từ S&P Agost Benard, các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam phản ánh sự lựa chọn chính sách của chính phủ. Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào sự ổn định và giải quyết những điểm yếu mang tính cấu trúc trong hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.

Các biện pháp bình ổn được thực hiện kể từ năm 2011 đã làm giảm đáng kể những điểm mất cân đối trong nền kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin vào đồng nội tệ cũng như chính sách.

Rủi ro đối với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính đã được thu hẹp. Chính phủ đã hạ tỷ lệ lạm phát từ mức hơn 20% trong năm 2011 xuống còn 6% - 7%. Lãi suất thực cũng ở mức dương trong hơn 1 năm.

Cán cân vãng lai và cán cân thương mại đều đã thặng dư sau một thập kỷ thâm hụt lớn. Tuy nhiên, quá trình tái cân bằng và tái cấu trúc nền kinh tế cũng khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Benard cho biết thêm S&P nhận định chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiện quá trình cải cách, và S&P hi vọng các chỉ số kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện cùng với việc đẩy mạnh quá trình cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Vị thế là một nước có thu nhập trung bình thấp (ước đạt 2.000 USD trong năm 2013) vẫn là hạn chế đối với xếp hạng của Việt Nam. Hơn nữa, S&P dự báo trong vòng 2 năm tới, tốc độ tăng trưởng của chỉ số này sẽ thấp hơn so với xu hướng trong quá khứ. Nguyên nhân là do đầu tư của cả khu vực tư nhân và khu vực công đều sẽ yếu ớt bởi hoạt động cho vay chậm lại.

Dẫu vậy, xếp hạng của Việt Nam vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố bên ngoài. Nợ nước ngoài ở mức khiêm tốn với chi phí thấp và thời hạn dài. S&P dự báo tổng nợ nước ngoài vẫn sẽ ở mức dưới 50% GDP trong vòng 3 năm tới.

Triển vọng ổn định phản ánh dự báo Việt Nam sẽ duy trì được chính sách thắt chặt hợp lý cũng như duy trì tốc độ cải cách trong khi vẫn giữ được sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ giúp các chỉ số về tài khóa, nợ nước ngoài cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện trong vòng 2 -3 năm tới.

S&P có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu động thái nới lỏng chính sách quá sớm khiến một hoặc một vài chỉ số chủ chốt bị lung lay. Ngược lại, mức xếp hạng được nâng lên nếu như Việt Nam có khả năng tạo ra mức tăng trưởng GDP trên 5,5%/năm mà không tạo ra mất cân bằng hoặc có được những bước đột phá có thể nhìn thấy được trong quá trình cải cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO