![]() |
Cơ hội nào sẽ đến với doanh nghiệp khi vị thế kinh tế miền Trung đang thâm nhập sâu vào các diễn biến hội nhập kinh tế giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á?
Tại một diễn đàn về khai thác tiềm năng kinh tế khu vực miền Trung mới đây, TS. Lê Đăng Doanh phân tích: Miền Trung như là cửa ngõ và cầu nối cho Myanmar, Bắc Thái Lan và Lào để tiếp cận trung tâm kinh tế năng động nhất châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với vai trò làm dịch vụ cảng, hậu cần. Luồng hàng hóa từ khu vực trên chuyển qua các cảng miền Trung sẽ không cần qua eo biển Malacca quá đông đúc và cảng Bangkok đã quá tải, có thể giảm 24 giờ vận tải. Miền Trung đang trở nên rất quan trọng đối với nền kinh tế khu vực.
![]() |
Hội An với sông Hoài thơ mộng |
Để đáp ứng yêu cầu ấy, kết cấu hạ tầng của khu vực phải tiến nhanh hơn so với mức trung bình của cả nước. Các tỉnh miền Trung không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn nhà nước, dựa vào các doanh nghiệp nhà nước mà năng lực đã được huy động hết công suất. Trong thực tế, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong các năm 2007-2009 đã góp 35% vào tổng vốn đầu tư sản xuất, gấp đôi khối đầu tư FDI, giải quyết 95% lao động mới có việc làm.
Cần có cơ chế thoáng giúp khơi thông nguồn vốn của tư nhân vào những công trình hạ tầng lớn hơn, như đường cao tốc ven biển, hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng, đèo Cả, cảng du lịch Sơn Trà, khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Những dự án này cần đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn có nhiều tập đoàn tư nhân lập dự án đầu tư, chỉ chờ chính sách ưu đãi thỏa đáng để khởi động.
Ông Lê Đăng Doanh nhận định, để biến miền Trung thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế Nam - Bắc, các tỉnh phải chủ động truyền bá hình ảnh và vai trò mới mẻ của mình, thuyết phục về những lợi ích to lớn có thể đem lại.
Cái nhìn của chuyên gia đã gặp được tầm nhìn dài hơi của lãnh đạo địa phương khi cuối năm 2009, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã có chuyến đi dọc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để tạo ra những "bàn tròn liên kết“ giữa thành phố động lực kinh tế Đà Nẵng và các địa phương, tiến tới mục tiêu khai thác tiềm năng, biến nó thành sức mạnh chung của khu vực.
Từ "bàn tròn“ của chuyến đi này, các lãnh đạo địa phương đã phát hiện ra nhiều lỗi hệ thống làm “kìm hãm sự phát triển lâu nay của các tỉnh, như tranh giành dự án đầu tư nước ngoài bằng cơ chế thoáng đến mức đem lại thiệt hại nhiều hơn lợi, bỏ qua nhiều cơ hội hợp tác giữa các địa phương về du lịch, xuất nhập khẩu, chế biến nông sản.
Các địa phương Đà Nẵng - Huế - Quảng Nam nay đã bước đầu chung sức quảng bá du lịch cho toàn vùng ở thị trường Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các nước Thái Lan, Campuchia. Các tỉnh này còn liên kết mở văn phòng đại diện ở thị trường đầu tư quan trọng như Nhật Bản.
Trong việc liên kết, các doanh nghiệp hay nhắc lại một kinh nghiệm đau đớn về tình trạng thiếu hợp tác trong kinh doanh du lịch. Những người quản lý resort đã không nghĩ đến chuyện liên kết làm nổi bật hình ảnh một khu vực nổi tiếng như Hội An, mà tự tôn mình là số một. Điều đó dẫn đến chiến tranh về giá, về sử dụng cò mồi, cuối cùng tất cả đều điêu đứng. Chỉ cần một resort cao cấp khai trương, các khu du lịch bên cạnh mất hàng loạt quản lý và nhân viên đã qua đào tạo, ảnh hưởng ngay đến chất lượng dịch vụ.
Miền Trung đã nhận được gần 1 tỷ USD đổ vào các dự án du lịch, nhưng vẫn chưa thành thiên đường du lịch cũng vì các doanh nghiệp hành xử theo cách là đối thủ chứ không phải là đối tác. Qua 10 năm không liên kết giữa các địa phương, Con đường Di sản Văn hóa Thế giới tại miền Trung đã mất thương hiệu, manh mún.
Hai năm gần đây, với sự cố gắng của các doanh nghiệp trong quảng bá và cải thiện chất lượng dịch vụ, chung sức tìm thị trường mới để tạo điều kiện cho Vietnam Airlines mở đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, thương hiệu Con đường Di sản Văn hóa Thế giới mới dần được đánh giá đúng hơn ở các thị trường nước ngoài và đem lại sự phát triển du lịch trong vùng.
TS. Lê Trọng Bình, Cục trưởng Cục Du lịch, đánh giá, miền Trung đã được qui hoạch thành vùng trọng điểm về du lịch của cả nước. Vấn đề là liên kết để điều phối nguồn đầu tư đổ vào khu vực này, đừng để dự án sau triệt tiêu thị trường, lợi nhuận của dự án trước. Các địa phương phải biết nhìn lợi ích của nhau, từ chối dự án có hại cho nhau, lựa chọn đối tác, lựa chọn dự án phải phù hợp với qui hoạch toàn vùng.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi nào miền Trung xây đường cao tốc nối Huế - Đà Nẵng - Dung Quất, để những nơi này chỉ cách nhau một giờ ô tô thì lúc đó mới dẹp được những sân bay mọc nhan nhản mà không có máy bay đến. Mong muốn này cũng không còn xa khi các dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đã được phê duyệt đầu năm 2010 và tìm được nguồn vốn xây dựng theo phương án BOT.