Quỹ nước ngoài: Ở lại hay ra đi?

11/07/2010 09:33

Giới quản lý quỹ nước ngoài ở Việt Nam vốn ít gặp gỡ và trao đổi thông tin với nhau. Vậy mà những tuần gần đây khác hẳn. Nhân viên, lãnh đạo quỹ lớn, quỹ nhỏ gặp nhau ăn trưa, ăn tối, bàn luận, hỏi thăm tình hình.

Quỹ nước ngoài: Ở lại hay ra đi?

Giới quản lý quỹ nước ngoài ở Việt Nam vốn ít gặp gỡ và trao đổi thông tin với nhau. Vậy mà những tuần gần đây khác hẳn. Nhân viên, lãnh đạo quỹ lớn, quỹ nhỏ gặp nhau ăn trưa, ăn tối, bàn luận, hỏi thăm tình hình.

Việc thoái vốn của một quỹ do Indochina Capital quản lý năm ngoái những tưởng đã chìm vào quên lãng, giờ người ta lại hỏi nhau như NAV (tổng giá trị tài sản ròng) của quỹ ấy còn bao nhiêu, đã thanh lý hết mấy cổ phiếu OTC và những khoản đầu tư vào một số công ty tư nhân chưa...

Sự chuyển động có phần bất ngờ này bắt nguồn từ khả năng VEIL (Vietnam Enterprise Investments Limited) do Dragon Capital quản lý có thể thoái vốn và ra đi.

Tỷ lệ thanh lý 50/50

Các nhà đầu tư Nhật Bản trong chuyến thăm Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM - Ảnh: Lê Toàn.

Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, không giấu giếm: “Tôi đã bị “quay”, bị “nướng cháy” trong các cuộc gặp mặt với các nhà đầu tư của VEIL ở châu Âu suốt hơn hai tuần qua”.

Các ông chủ của VEIL (NAV đến ngày 18/6/2010 là 416 triệu Đô la Mỹ) và hai quỹ lớn khác của Dragon Capital là Vietnam Dragon Fund Limited (NAV 156 triệu Đô la Mỹ); Vietnam Growth Fund Limited VGF (NAV 228 triệu Đô la Mỹ) đã yêu cầu ban quản lý quỹ phải mua lại chứng chỉ quỹ đến 15% tổng số lưu hành, cơ cấu danh mục đầu tư, giảm phí quản lý hàng năm.

“Cả ba đòi hỏi chúng tôi đã và đang tiếp tục thực hiện, nhưng một tỷ lệ nhất định nhà đầu tư vẫn chưa hài lòng, họ muốn thanh lý quỹ. Tôi thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra tại đại hội các nhà đầu tư ngày 12-7-2010 ở TPHCM. Tỷ lệ thanh lý và giữ lại quỹ đang là 50/50” - ông Scriven nói.

Theo quy định của VEIL, chỉ cần các nhà đầu tư nắm giữ, hoặc được ủy quyền, tối thiểu 25% chứng chỉ quỹ đang lưu hành có mặt là đại hội đồng cổ đông có thể tiến hành họp. Tối thiểu 75% trong tổng số 25% người nắm chứng chỉ có mặt đó biểu quyết thanh lý (tương đương 18,75% tổng số chứng chỉ quỹ) thì số phận của VEIL coi như được định đoạt. Nếu số nhà đầu tư tham gia đại hội nắm giữ tỷ lệ chứng chỉ càng cao, thì tỷ lệ biểu quyết tối thiểu để thanh lý hoặc giữ lại cũng tăng theo. Vấn đề là bao nhiêu nhà đầu tư tham gia đại hội với lượng chứng chỉ quỹ có trong tay như thế nào.

Hiện tại khoảng 25% cổ đông của VEIL là ở châu Á, tập trung chủ yếu ở Hồng Kông. Một trong số họ như VR Capital muốn thanh lý quỹ. Trong trường hợp các nhà đầu tư châu Âu tham dự đại hội đông đảo, thì biểu quyết thanh lý của nhóm cổ đông châu Á gặp trở ngại. Dragon Capital đã liên tục mua vào chứng chỉ quỹ VEIL và VGF từ giữa tháng 6-2010 và việc mua này đã có tác dụng.

Mức độ chiết khấu của giá chứng chỉ quỹ VEIL so với NAV trên một chứng chỉ quỹ đã tăng từ -23,5% lên -18,5%, của VGF từ -28,9% lên -18%. Đây là mức chiết khấu tương đối thấp so với các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Nếu đến ngày đại hội, mức chiết khấu của chứng chỉ hai quỹ trên tăng lên được -10%, thì khả năng thanh lý là nhỏ. Điều này phụ thuộc không chỉ vào tiến độ mua lại chứng chỉ quỹ của Dragon Capital, mà còn phụ thuộc vào biến động của thị trường chứng khoán thế giới.

“Những con kền kền”

Theo công bố của Edmond de Rothschild ngày 25/6/2010, hiện Việt Nam có 21 quỹ nước ngoài chủ yếu đầu tư vào chứng khoán với tổng giá trị tài sản ròng 2,86 tỉ Đô la Mỹ (nhóm 1), bốn quỹ đầu tư vào các công ty tư nhân - private equity - với NAV 360 triệu Đô la Mỹ (nhóm 2), năm quỹ đầu tư vào bất động sản với NAV 1,15 tỉ Đô la Mỹ (nhóm 3).

Các quỹ nhóm 2 và 3 ít chịu áp lực thoái vốn do việc thanh lý các khoản đầu tư bất động sản hoặc tư nhân khá khó khăn, đòi hỏi thời gian dài để tìm người mua. Việc thoái vốn của Indochina Capital Vietnam Holdings năm ngoái là một thí dụ. Sau khi bán gần hết các cổ phiếu niêm yết, NAV của quỹ này tính đến cuối tháng 5/2010 còn 25,7 triệu Đô la Mỹ, chủ yếu là cổ phiếu OTC và công ty tư nhân chưa thể chuyển nhượng được (nguồn: ICVH Monthly Fund Update ngày 28/5/2010).

Quy mô của các quỹ nhóm 1 rất khác nhau, từ vài triệu, vài chục triệu đến vài trăm triệu Đô la Mỹ. Cổ phiếu niêm yết, chủ yếu blue-chips, chiếm tỷ lệ áp đảo trong danh mục đầu tư của các quỹ này. Hơn nữa, một số quỹ trong nhóm 1 đang có tỷ lệ chiết khấu giá chứng chỉ cao như DWS Vietnam Fund - 50,7%; Vietnam Equity Holding - 55,9%; Vietnam Infrastructure Ltd - 47,7%.... Mức chiết khấu trung bình của chứng chỉ cả 21 quỹ là - 26,5%.

So với các nước châu Á, mức chiết khấu của các quỹ nước ngoài ở Việt Nam đang cao hơn hẳn. Theo Rothschild, mức chiết khấu của các quỹ ngoại ở Trung Quốc chỉ có -5%; Ấn Độ -5,3%; Hàn Quốc -6,4%... Ngay cả Thái Lan, nơi vừa có những biến động chính trị, mức chiết khấu là -18,4% cũng thấp hơn Việt Nam.

Sự suy giảm của chứng khoán quốc tế nói chung, Việt Nam nói riêng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chiết khấu cao của chứng chỉ các quỹ. Trong cộng đồng đầu tư bên ngoài, đã từ lâu tồn tại những tổ chức đầu tư chuyên đi săn lùng các quỹ có tỷ lệ chiết khấu chứng chỉ cao, gây sức ép thoái vốn để kiểm lời. Giới đầu từ gọi họ là những con chim chuyên đi rỉa xác, hay “những con kền kền”. Và “các con kền kền” đó đang chú ý đến các quỹ nước ngoài ở Việt Nam.

Chẳng hạn DWS Vietnam Fund từ mấy tháng nay liên tục mua vào chứng chỉ quỹ của chính họ. Ngày 22/6/2010, DWS mua vào 4,3 triệu chứng chỉ quỹ với giá từ 0,27-0,275 Đô la Mỹ/chứng chỉ. Ngày 17/6/2010, DWS mua vào hơn 900.000 chứng chỉ với giá 0,2675 Đô la Mỹ/chứng chỉ (mệnh giá là 1 Đô la Mỹ/chứng chỉ - NV). NAV của quỹ này đến 30/4/2010 là 269 triệu Đô la Mỹ, trong khi vốn hóa thị trường chỉ khoảng 140 triệu Đô la Mỹ.

Giả sử “những con kền kền” “tấn công” DWS, họ đang có không ít thuận lợi. Trong cơ cấu danh mục đầu tư của DWS hiện có gần 20 triệu Đô la Mỹ tiền mặt, 49,5% là cổ phiếu niêm yết tính theo NAV trị giá 133 triệu Đô la Mỹ. Riêng tiền mặt và giá trị cổ phiếu niêm yết đã cao hơn mức vốn hóa thị trường của quỹ, chưa kể các khoản đầu tư vào công ty tư nhân, cổ phiếu OTC, thu nhập cố định, trái phiếu và nắm giữ chứng chỉ các quỹ đóng nước ngoài (nguồn: DWS, Monthly Report update ngày 30/4/2010).

Lời cảnh báo từ VEIL?

Các quỹ nước ngoài ở Việt Nam đã nhận thấy nguy cơ bị “kền kền” “tấn công”. Họ đang phòng thủ bằng phương thức mua lại chứng chỉ quỹ, tăng cường “lướt sóng” nhằm cải thiện NAV và nhất là không để quá nhiều tiền mặt trong danh mục. Họ thậm chí mua chứng chỉ quỹ của nhau để tăng tỷ lệ sở hữu nhằm tăng sức bảo vệ, như 3,9% và 2,7% danh mục của DWS là chứng chỉ của VEIL và VGF.

Trong bối cảnh đó, việc VEIL ở lại hay ra đi có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ là một tảng đá ném xuống hồ, sau một vài tuần sóng lại khỏa lấp mặt nước như trường hợp của Indochina Capital. Bởi VEIL là một trong những quỹ nước ngoài đầu tiên còn tồn tại cho đến hôm nay, là quỹ lớn nhất đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, thâm niên và uy tín nhất trong giới quản lý quỹ ở Việt Nam. Nếu VEIL phải thoái vốn thì các quỹ nước ngoài khác sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tầm trung với vốn 100 triệu Đô la Mỹ cho biết quỹ ông vừa huy động thêm được 20 triệu Đô la Mỹ, nhưng các cổ đông mới có thể trì hoãn giải ngân để chờ động thái của VEIL.

Sự “nhòm ngó” của “những con kền kền” vào VEIL đang là lời cảnh báo cho mô hình quỹ đầu tư ở Việt Nam. Cổ đông của các quỹ đang là những người chịu thiệt hại. Năm 2007, khi VN-Index lên đỉnh 1.170 điểm, NAV của các quỹ tăng cao, các công ty quản lý quỹ đã nhận được hàng chục, thậm chí cả trăm triệu Đô la Mỹ tiền thưởng do sự tăng vọt của NAV. Thế nhưng bây giờ khi NAV xuống dốc, cổ đông là người duy nhất gánh chịu mất mát, các quỹ vẫn thu phí quản lý 2%/năm trên số vốn của quỹ.

Ngay cả trong trường hợp VEIL được giữ lại, VEIL và các quỹ nước ngoài phải đối mặt với một công cuộc cải tổ sâu rộng, theo đó các công ty quản lý quỹ phải giảm phí quản lý tối đa, làm việc tích cực hơn để tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông. Nếu không, chỉ cần thị trường chứng khoán Việt Nam khởi sắc, cổ đông các quỹ có thể lại gây sức ép thanh lý, rút tiền về.

Về phía Việt Nam, tổng số tiền các quỹ nước ngoài đã đổ vào nước ta tính theo NAV hiện nay khoảng 4,3 tỉ Đô la Mỹ. Đây là số tiền lớn và sự rút lui của nó, nếu có, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, đặc biệt tỷ giá, cán cân thanh toán, thị trường tài chính. Việc có các chính sách thích hợp nhằm điều tiết, giữ chân luồng vốn này lâu dài là cần thiết trong thời điểm hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quỹ nước ngoài: Ở lại hay ra đi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO