Quý I/2016: Thị trường ô tô tăng trưởng đầy kịch tính

HUỲNH KHÔI/DNSGCT| 06/05/2016 00:50

Thị trường ô tô Việt Nam trong hai tháng đầu năm đã quay trở lại phong độ với doanh số đạt ngưỡng gần 25.000 xe tăng 112% so với tháng 2/2015 và tăng đến 51% so với tháng 3/2015.

Quý I/2016: Thị trường ô tô tăng trưởng đầy kịch tính

Thị trường ô tô Việt Nam sau kết quả kinh doanh gây thất vọng trong hai tháng đầu năm đã quay trở lại phong độ với doanh số đạt ngưỡng gần 25.000 xe tăng 112% so với tháng 2/2016 và tăng đến 51% so với tháng 3/2015. 

Đọc E-paper

Kết quả tăng trưởng của thị trường trong quý I/2016 được xem như là một kết quả đáng giá dành cho những nỗ lực kích cầu mà các thương hiệu đã thực hiện thông qua sự bùng nổ các chương trình, hoạt động quảng bá, khuyến mại và chăm sóc khách hàng trong tháng 3.

Tình hình tăng trưởng của thị trường trong tháng cũng đánh dấu một xu thế tăng trưởng mới cho thị trường ô tô Việt Nam trong tình hình có sự biến chuyển về những quy định của thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Sau một năm gây nhiều biến động và từng được tiên đoán sẽ có cú vượt mặt dòng xe lắp ráp khi hiệu lực về cắt giảm thuế nhập khẩu từ các hiệp định ký kết bắt đầu áp dụng thì hiện dòng xe nhập khẩu đang đứng trước tình thế bị knock-out trước những thay đổi của các chính sách thuế suất.

Thị trường tháng 3 đã đem đến cho quý I năm nay con số tăng trưởng mong đợi, đồng thời đánh tan mọi lo lắng cho sự sụt giảm từ hai tháng trước đó.

Tổng doanh số quý đầu tiên của năm 2016 đạt 59.685 xe cho tỷ lệ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ ba tháng đầu năm 2015 trong đó dẫn đầu thị phần tăng trưởng là dòng xe chuyên dụng với mức tăng 57%, kế đến là phân khúc xe thương mại với mức tăng 55% trong khi xe du lịch chỉ nhích hơn cùng kỳ năm ngoái 6%.

Tuy nhiên sự tiếp tục lao dốc của doanh số dòng xe nhập khẩu cho thấy một trạng thái mới đang hình thành trên thị trường ô tô khi mãi lực thị trường rất dễ bị tác động bởi sự thay đổi của giá xe.

Mặc dù trong tháng 3, doanh số xe nhập khẩu đạt mức tăng trưởng lên đến 94% tương đương với doanh số 4.807 xe so với tháng trước đó nhưng tổng toàn quý vẫn là con số đáng thất vọng so với cùng kỳ khi chỉ ở mức 13.068 xe giảm 36%.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm, lượng xe bốn bánh được nhập về Việt Nam đạt 19.738 chiếc giảm 21,2% về lượng và 16,8% về giá trị (486,5 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ trong tháng 3, lượng xe nhập từ Thái Lan dẫn đầu với 3.083 chiếc tăng 1,5 lần so với tháng 2, xe Hàn Quốc đứng thứ 2 với 1.536 xe, kế tiếp là xe Trung Quốc với 1.187 chiếc, Ấn Độ là 992 chiếc và Nhật Bản là hơn 700 chiếc.

Liên quan đến lượng xe nhập khẩu về Việt Nam cũng như doanh số bán hàng của dòng xe này trên thị trường, dự thảo luật thuế tiêu TTĐB sửa đổi bổ sung vừa được Quốc hội thông qua chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra rào cản lớn đặc biệt là trên phân khúc các dòng xe có dung tích lớn.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, các dòng xe ô tô có dung tích từ 1,5L trở xuống sẽ được giảm mức đánh thuế TTĐB từ 45% còn 40% trong khi các dòng xe dung tích từ 1,5L đến 2,0L thì phải đợi đến ngày 1/1/2018 mới được hưởng mức thuế này khi mà dòng xe dung tích dưới 1,5L tiếp tục được giảm mức đánh thuế TTĐB xuống còn 35%.

Trong khi phân khúc dung tích từ 2,0L – 2,5L vẫn giữ nguyên mức tính hiện hành là 50% thì viễn cảnh về thuế TTĐB dành cho các dòng xe dung tích trên 2,5L sẽ độc nhất là một mũi tên đi lên tại cột mốc ngày 1/7/2016 với mức tính thuế gồm 150% cho xe dung tích trên 6,0L; 130% cho xe dung tích từ 5,0L – 6,0L; 110% đối với xe có dung tích từ 4,0L – 5,0L; 90% dành cho xe có dung tích từ 3,0L – 4,0L.

Đối với phân khúc xe dung tích từ 2,5L – 3,0L sẽ được điều chỉnh mức tính thuế TTĐB là 55% từ ngày 1/7/2016 và tiếp tục thay đổi thành 60% vào ngày 1/1/2018.

Như vậy, tiếp theo sau hiệu lực của nghị định 108/2015/NĐ-CP hướng dẫn thay đổi về cách tính thuế TTĐB thì biểu thuế suất TTĐB mới của thông tư 195/2015/TT-BTC tiếp tục được áp dụng từ đầu tháng 7 đã tạo nên những cơn chấn động không hề nhỏ cho thị trường.

Trong khi hai chính sách mới về thuế TTĐB được các nhà nhập khẩu hợp thức hóa cho việc tăng giá xe thì quan điểm của cấp quản lý lại cho rằng giá xe tăng hay giảm chưa chắc do sự tác động của các chính sách thuế mà tùy thuộc vào khả năng các doanh nghiệp tự tiết giảm chi phí, nâng cao quy trình và khả năng quản lý để đảm bảo lợi nhuận. 

Thị trường ô tô Việt Nam đang bước vào đợt cao điểm bán hàng dành cho mùa hè, việc doanh số trong tháng 3 tăng trở lại sau hai tháng đột ngột giảm sút trước đó không làm các nhà nhập khẩu hứng khởi mà thay vào đó là sự hoài nghi về một sự tăng trưởng ảo đi cùng nỗi thấp thỏm dành cho thị trường xe nhập khẩu sau mốc thời gian 1/7/2016 sắp tới khi vẫn không thể biết liệu có thêm những thay đổi mới về thuế suất.

Ông Nguyễn Tấn Trung – Tổng giám đốc nhà phân phối thương hiệu xe nhập khẩu Audi: “Từ ngày 1/1/2016, Bộ Tài chính đã đổi cách tính thuế TTĐB lần thứ nhất là giá trị của nhà nhập khẩu cộng thêm 5% nhưng sắp tới vào ngày 1/7/2016 cùng với hiệu lực thi hành của biểu thuế TTĐB mới vừa được Quốc hội thông qua Bộ Tài chính tiếp tục đổi cách tính thuế một lần nữa cho xe nhập khẩu.

Với cách tính này theo tính toán thì mặc dù là xe dưới 1,5L sẽ được giảm thuế 5% nhưng vì thay đổi cách tính thuế TTĐB của Bộ Tài chính và luật mới ban hành giá xe thuộc phân khúc này sẽ không giảm mà còn tiếp tục tăng. Thương hiệu nào cố lắm cũng chỉ có thể giữ được giá xe dung tích dưới 1,5L như hiện tại cho sau ngày 1/7.

Cho đến bây giờ nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất mù mờ về cách tính thuế TTĐB sau ngày 1/7/2016 sẽ được tính đến người tiêu dùng hay đến đại lý và với bối cảnh chỉ trong vòng sáu tháng có đến hai lần thay đổi về chính sách thuế thì không có một nhà nhập khẩu nào có thể lên được kế hoạch kinh doanh.

Trong tháng 3 Audi đã đạt được doanh số bán hàng cao và dự đoán sẽ tiếp tục bán tốt trong ba tháng tiếp theo nhưng sau tháng 7 thì không biết như thế nào bởi bây giờ khách hàng có yêu cầu ký hợp đồng giao xe sau tháng 7 thì Audi cũng không dám ký. Đó là lý do mà mười mấy nhà nhập khẩu đã đồng lòng ký vào một bản kiến nghị gửi Chính phủ một lần nữa”.

Xét về tương quan số liệu, cùng với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu từ hiệp định AFTA vốn sẽ giảm tỷ lệ thuế nhập khẩu xuống còn 30% vào đầu năm 2017 thì lợi thế về giảm giá đang thể hiện rõ rệt trên phân khúc xe dung tích nhỏ từ 1,5L đến 2,0L mà theo giới phân tích những mẫu xe nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á nằm trong biên độ dung tích này có thể sẽ có mức giảm giá lý tưởng từ 25% đến 40% so với hiện nay.

Tuy nhiên, hiện tại doanh số lẫn sản lượng cung ứng ra thị trường của xe phổ thông dung tích nhỏ được lắp ráp trong nước vẫn đang nắm giữ ưu thế áp đảo so với xe nhập khẩu cùng chủng loại do đó cũng khó có sự đổi ngôi trên phân khúc này trong thời gian tới.

Còn đối với phân khúc xe dung tích lớn hơn, trong những tháng tiếp theo cùng với sự tăng tốc nhập xe từ các doanh nghiệp, mãi lực trên thị trường cũng sẽ tăng theo khi khách hàng cũng sẽ tăng tốc trong việc móc hầu bao nhằm né thuế.

Đó có thể là lý do từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt xe siêu sang với mức giá hàng chục tỷ đồng như Rolls-Royce hay Lamborghini liên tục được cập cảng Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhằm giảm bớt sự tập trung vào giá xe, các thương hiệu xe nhập khẩu cũng đẩy mạnh tổ chức hàng loạt những chương trình, hoạt động kích cầu. Động thái này cho thấy mặc dù có vẻ hơi bị siết chặt về thuế nhưng thị trường xe nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng đặc biệt là trên phân khúc xe sang khi tính cách mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam vốn không phải lúc nào cũng tùy thuộc vào giá cả.

Trở lại với bảng thống kê từ VAMA, trong quý I của năm 2016, dẫn đầu thị phần dòng xe du lịch vẫn là Toyota với 21,4% Mazda thành công từ các mẫu xe hợp thị hiếu thời thượng ở vị trí thứ 2 với thị phần chiếm giữ 12,1%, thương hiệu xe Mỹ Ford tiếp tục khẳng định sự ổn định vị trí thứ 3 với tỷ lệ 11,6% cùng hạng với thương hiệu xe Hàn Quốc Kia trong khi hai vị trí còn lại của top 5 vẫn thuộc về hai cái tên quen thuộc là Honda và GM với tỷ lệ lần lượt 3,7% và 3,5%.

Về doanh số bán hàng, mặc dù đạt được sự ấn tượng trong ba tháng đầu năm mẫu Kia Morning với 2.718 xe đã được bán ra vẫn chưa thể vượt mặt Toyota Vios với 3.428 xe.

Trong khi sedan luôn có ưu thế về thị phần trên thị trường thì con số theo sát vị trí dẫn đầu với 3.161 xe của mẫu bán tải Ford Ranger cho thấy thương hiệu xe Mỹ đang rất thành công với những chiến lược kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong hai năm qua.

Top 10 mẫu xe bán chạy nhất của thị trường Việt Nam trong quý I năm 2016 vẫn là những mẫu xe quen thuộc theo thứ tự: Toyota Vios (3.428 xe), Ford Ranger (3.161 xe), Toyota Innova (2.723 xe), Kia Morning (2.718 xe), Toyota Fortuner (2.364 xe), Mazda 3 (2.279 xe), Mazda CX-5 (1.789 xe), Ford Transit (1.746 xe), Kia K3 (1.337 xe) và Toyota Camry (1.176 xe).

Như vậy, khi ưu đãi về giảm thuế nhập khẩu theo cam kết gia nhập AFTA dường như sẽ không có nhiều tác động đối với thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam bởi hiện tại phần lớn xe nhập khẩu trên thị trường đều không phải từ các nước trong khu vực ASEAN do đó giá xe ô tô nhập khẩu chẳng những không có dấu hiệu giảm mà còn đang trong chiều hướng tăng thêm do thuế tăng và tất nhiên đó cũng cơ hội lớn dành cho dòng xe lắp ráp nội địa phát triển.

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2016 dự đoán sẽ còn nhiều biến động, khả năng cạnh tranh để duy trì tăng trưởng trên từng phân khúc của thị trường có thể sẽ rất khốc liệt và phụ thuộc nhiều vào những chiến lược kinh doanh phù hợp thời thế từ chính các doanh nghiệp.

>Thị trường ô tô Việt Nam 2015: Bức tranh đủ sắc màu

>3 xu hướng của thị trường ô tô châu Âu năm 2016

>Thị trường ô tô: Giá chưa giảm, thuế đã muốn tăng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quý I/2016: Thị trường ô tô tăng trưởng đầy kịch tính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO