Quy hoạch năng lượng cần quan tâm đến điện hạt nhân

HT| 21/09/2020 07:35

Nhiều quan điểm cho rằng, để xây dựng quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được Viện Năng lượng - Bộ Công Thương thực hiện) cho sát thực tế, cần rút kinh nghiệm nghiêm túc việc triển khai các quy hoạch trước, đồng thời nên tính toán đến tái khởi động điện hạt nhân.

Quy hoạch năng lượng cần quan tâm đến điện hạt nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, lập quy hoạch lần này có bối cảnh tương đối khác với những lần lập quy hoạch trước. Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.

Đánh giá tổng quan về phát triển năng lượng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu năng lượng, đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho hay, hiện trạng than và sản phẩm dầu có tỷ trọng cao trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp. Tỷ lệ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây do sản lượng xuất khẩu giảm mạnh và nhập khẩu than tăng mạnh. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo trong phát điện có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian gần đây do chính sách hỗ trợ; phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng đang tăng đánh kể. Đối với tiêu thụ năng lượng cuối cùng có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các dạng nhiên liệu khác sang điện. Công nghiệp và giao thông vận tải là hai ngành chiếm tỷ trọng tiêu thụ hàng đầu.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm xấp xỉ 7% giai đoạn 2021-2030, giảm xuống xấp xỉ 6% giai đoạn 2031-2040 và xấp xỉ 5% giai đoạn 2041-2050. Trên cơ sở đó, dự báo được đưa ra trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng là tốc độ tăng nhu cầu năng lượng cuối cùng tăng trung bình 6,6% hàng năm giai đoạn 2021-2030 và giảm xuống 3,3% giai đoạn 2031-2050.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, để xây dựng quy hoạch mới, trước tiên cần xem lại tại sao trong quy hoạch đề ra trước đây, các mục tiêu lại không đạt được 100%. Trong phần đánh giá về hiện trạng cần đánh giá kỹ hơn nữa về nguyên nhân khách quan, chủ quan. Khách quan đối với đơn vị thực hiện quy hoạch chính là cơ chế chính sách và yếu tố tác động bên ngoài. Ví dụ, với ngành khai thác mỏ thì khách quan là yếu tố tự nhiên. Có thể khi báo cáo địa chất có than nhưng khi khai thác vào lại không có than, cần đánh giá kỹ hơn tại sao ở chỗ nọ chỗ kia chưa đạt mục tiêu quy hoạch đề ra.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính gồm: phân ngành than, phân ngành dầu khí, phân ngành điện lực và phân ngành năng lượng tái tạo. Trong nội dung 5 chương đầu đã hoàn thành của quy hoạch này hoàn toàn không tính toán đến sự có mặt của điện hạt nhân.

Theo đánh giá, hiện nay nội dung quy hoạch mới đề cập chủ yếu tới những thông số đầu vào, các chương sau còn rất nhiều vấn đề. Trong quy hoạch tổng thể về năng lượng nên đặt ra vấn đề quay lại phát triển điện hạt nhân. Điện hạt nhân so với các loại điện khác vẫn là an toàn cao. Việt Nam gần Trung Quốc, Trung Quốc đã xây dựng hàng chục nhà máy điện hạt nhân, trong đó có ba nhà máy ngay sát biên giới Việt Nam. Vấn đề lo ngại an toàn thì đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương, các viện nghiên cứu phải có nghiên cứu, cơ sở lập luận.

Viện Năng lượng phân tích, sau năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu năng lượng nghiêm trọng. Trong khi đó, than đã phải nhập khẩu. Thủy điện cũng đã khai thác hết. Khí hiện nay cũng sắp sửa phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Nếu cứ tiếp tục không phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu rất nhiều khí hóa lỏng và than. Điều đó đồng nghĩa với việc an ninh năng lượng bị hạn chế rất nhiều. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nghĩa là giảm phát thải khí nhà kính thì nên giữ lại những địa điểm phát triển điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận, sau năm 2030 sẽ tiếp tục phát triển.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến gồm 14 chương. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 5 chương đầu tiên.

Theo tiến độ xây dựng trong tháng 9/2020, chương 6-11 của quy hoạch sẽ được hoàn thành bao gồm: phương án phát triển tổng thể năng lượng; phương án quy hoạch phát triển phân ngành than; phương án phát triển quy hoạch phân ngành dầu khí; phương án phát triển năng lượng mới và tái tạo; phương án quy hoạch phát triển điện lực; nhu cầu vốn đầu tư.

Trong tháng 10/2020, ba chương cuối từ chương 12-14 của quy hoạch sẽ được hoàn thành gồm: cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giải pháp và tổ chức thực hiện; kết luận và kiến nghị; nộp đề án quy hoạch cho Bộ Công Thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quy hoạch năng lượng cần quan tâm đến điện hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO