Quay về không dễ

13/07/2009 06:03

Tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuộc Vinatex trong sáu tháng đầu năm tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Quay về không dễ

Tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuộc Vinatex trong sáu tháng đầu năm tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Con số này do ông Vũ Đức Giang, tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra không có nhiều ý nghĩa, bởi tiêu thụ nội địa chiếm tỷ trọng nhỏ trong doanh số của Vinatex, trong khi ngành dệt may gặp khó trong xuất khẩu

Những công ty có mức tiêu thụ nội địa tăng mạnh có thể kể đến là Việt Tiến, Phương Đông, Nhà Bè, Việt Thắng…

Tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuộc Vinatex trong sáu tháng đầu năm tăng 23% so với cùng kỳ năm trước

Chậm chân, tốn nhiều

Ông Nguyễn Đức Hùng, phó tổng giám đốc Vinatex nhận xét: “Những doanh nghiệp thắng được trên thị trường nội địa là những công ty đã chịu trận từ nhiều năm trước, biết dày công đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối, thương hiệu, đội ngũ thiết kế… từ 3 - 5 năm trước. Các công ty khác vì không có sự chuẩn bị từ trước nên khi thị trường xuất khẩu bị ngừng, đành chịu, không có cách gì kiếm được chỗ chen chân vào thị trường nội địa”.

Phân tích trên cơ sở dữ liệu doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ, và mặt hàng bán mạnh nhất là sơmi, quần kaki, quần tây, ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc công ty Việt Tiến nhìn nhận: “Kinh tế khủng hoảng và những khó khăn trong đời sống tạo áp lực để người tiêu dùng chọn lựa kỹ hơn trong mua sắm. Đây chính là lúc mà những nhà sản xuất có thương hiệu riêng xác lập chỗ đứng của mình”.

Sáu tháng đầu năm doanh thu công ty An Phước vẫn tăng 20%. Bà Nguyễn Thị Điền, giám đốc công ty cho biết: “Không chỉ cần sản phẩm chất lượng, phải biết điều chỉnh mạng lưới phân phối, kế hoạch tung sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị gia tăng liên tục làm hài lòng khách hàng”.

Nhìn xa hơn trên thị trường tiêu thụ hàng may mặc nội địa, ông Kiệt cho rằng nhu cầu tiêu dùng của người dân rất lớn. Vấn đề của những công ty bị giảm doanh thu, không tìm được khách hàng nội địa chính là do thiếu đầu tư, thiếu sự quan tâm đúng mức đến xây dựng và phát triển thương hiệu. Ông Kiệt nói: “Để tạo chỗ đứng cho thương hiệu hàng may mặc Việt Nam hiện nay không chỉ phải đầu tư chi phí nhiều hơn, khoảng thời gian cũng phải dài hơn vì thị trường đang có quá nhiều cạnh tranh từ nước ngoài, không như cách đây mười năm chỉ có vài đơn vị”.

Hội chợ Thời trang Việt Nam VIFF 2009 (từ 8 - 14/7) tại trung tâm hội chợ triển lãm Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP.HCM. VIFF 2009 do Vinatex, hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiệp hội Da giày phối hợp tổ chức, thu hút khoảng 100 doanh nghiệp với 240 gian hàng. Nét mới của hội chợ năm nay là các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đều nỗ lực đưa ra những sản phẩm mới, giới thiệu bộ sưu tập mới của các nhà thiết kế. Tình trạng bán hàng xuất khẩu tồn kho, hàng tồn từ các nơi tuy vẫn có, nhưng đã giảm đáng kể.

Trong ế lộ yếu

Hàng loạt cửa hàng thời trang khu vực quận 1, quận 5 đang treo bảng giảm giá 50%, có nơi treo bảng giảm giá đến 80% mà vẫn vắng khách. Rút kinh nghiệm những lần trước là khách mua hàng sợ bị lừa khi chỉ có vài sản phẩm giảm giá, đa số cửa hàng thời trang ghi rõ: giảm tất cả 50%, hoặc giảm toàn bộ sản phẩm 50%. Cửa hàng còn treo cả băngrôn dài: hàng trung niên giảm giá 30 - 50%, hàng thời trang trẻ 50%... Tất cả đều cùng lý do: quá ế.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu hàng may mặc ở các shop đang giảm khoảng 30%, có nơi giảm đến 50%. Lượng hàng tồn kho quá nhiều, cộng thêm các công ty may mặc trong nước đang quay trở lại thị trường nội địa bằng hàng mới giá rẻ, đã buộc các chủ kinh doanh phải giảm giá càng nhiều mới bán được hàng.

Phó giám đốc phụ trách kinh doanh chuỗi cửa hàng thời trang TB cho biết: “Nhân viên đã giảm 30%, nhưng doanh thu giảm đến 40% nên thu cũng không đủ bù chi”.

Bà Trần Thị Hường, chủ nhãn hiệu thời trang Hạnh nhìn nhận: “Quan sát kỹ, hàng may mặc bị tồn đa phần là thời trang không có nhãn hiệu, không có phong cách rõ ràng và không mang lại cho khách hàng các dịch vụ ưu đãi nào… Giá trị gia tăng về niềm tự hào khi khoác bộ đồ hiệu lên người lại càng không có”.

Có đơn vị có thương hiệu, được thị trường chấp nhận nhưng lại đột nhiên đổi phân khúc từ hàng trung bình sang hàng cao cấp giá cao khi kinh tế đang khó khăn, nên hệ thống cửa hàng trở nên ế ẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quay về không dễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO