Quanh chuyện kiểm toán: Xăng dầu - giá cả và hệ lụy

MỘC MIÊN| 11/12/2009 08:50

Kiểm toán Nhà nước đã xác lập một chuyên đề về việc đề nghị Bộ Tài chính bù lỗ kinh doanh các loại dầu đốt giai đoạn 2006-2008 của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Quanh chuyện kiểm toán: Xăng dầu - giá cả và hệ lụy

Kiểm toán Nhà nước đã xác lập một chuyên đề về việc đề nghị Bộ Tài chính bù lỗ kinh doanh các loại dầu đốt giai đoạn 2006-2008 của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Các báo cáo kiểm toán cho biết, về giá bán xăng dầu năm 2008, một số doanh nghiệp (DN) không thực hiện theo quy định, mà áp giá đề nghị của những DN lớn đã đăng ký giá. Năm 2008, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đã tính toán số lỗ các loại dầu gửi Bộ Tài chính và đề nghị Bộ Tài chính tạm ứng cấp bù trên cơ sở kết quả kinh doanh dầu nhập khẩu (trước 21/7/2008 đối với dầu hỏa, mazut và trước 16/9/2008 đối với diezen).

Tảng đá đặt ở cơ quan Kiểm toán Nhà nước với hai hàng chữ: Nghệ tinh tâm sáng - Công minh chính trực

Ngày 16/9/2009 cũng là ngày triển khai giá bán dầu diezen do thương nhân kinh doanh xăng dầu tự quyết định theo cơ chế giá thị trường trong khi Điều 1 Quyết định 78/2008/QĐ-BTC lại “ấn định mức giá bán lẻ thống nhất trong cả nước” khiến các DN lẫn cơ quan chức năng đều “khó xử” vì sự tréo ngoe này. Thêm nữa, chính sách thù lao cho các đại lý, tổng đại lý thời điểm ấy đã không còn phù hợp, được các DN vận dụng nhiều hình thức khác nhau để tăng mức thù lao nên rất khó kiểm soát và không đảm bảo tính công bằng giữa các DN.

Đặc biệt, khi chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường thì mức thù lao cao được sử dụng như một chính sách thu hút khách hàng, dẫn đến chi phí thực tế của DN đầu mối nhập khẩu càng tăng lên (mãi đến 20/8/2009 mới có thông tư của Bộ Tài chính thống nhất việc cấp bù mức thù lao này).

Về phía các tổng đại lý, đại lý, hộ công nghiệp, có một hiện tượng đã được ghi nhận: Giá dầu tăng thì trước và trong ngày (ở trước thời điểm chính thức áp giá mới) lượng hàng bán ra tăng đột biến, còn những ngày sau đó lượng bán ra giảm hẳn. Hoặc ngược lại, trước ngày, giờ quyết định áp giá bán tăng thì lượng bán trong ngày giảm hẳn (thậm chí bằng 0). Điều đó đồng nghĩa với việc rò rỉ thông tin từ chính các cơ quan chức năng, tiếp tay cho các hoạt động đầu cơ, trục lợi của một số ít người, gây thiệt hại cho Nhà nước và không công bằng đối với những DN làm ăn đứng đắn.

Kết quả là, những con số đề nghị cấp bù lỗ trong ba năm 2006-2008 đã được tính toán lại và dẫn đến một số tiền không nhỏ được ngành kiểm toán kiến nghị thu hồi gồm 35,1 tỷ đồng năm 2006 và gần 52,2 tỷ đồng năm 2007; ngân sách nhà nước cũng đỡ đi gánh nặng do giảm cấp bù lỗ xăng dầu năm 2008 tới 937,7 tỷ đồng. Tổng cộng, ba năm, trên 1.000 tỷ đồng liên quan đến bù lỗ giá xăng dầu đã bị yêu cầu trả lại cho ngân sách nhà nước. Những tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong việc ban hành các quy định về kinh doanh xăng dầu và cấp bù lỗ kinh doanh cũng được đề nghị “điểm danh” làm rõ trách nhiệm.

Các đơn vị kinh doanh xăng dầu nằm trong danh sách kiểm toán và phải hồi trả ngân sách, hoặc bị giảm cấp bù lỗ bao gồm: Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty dầu Việt Nam, Công ty Thương mại kỹ thuật đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM, Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Thương mại xăng dầu đường biển, Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Liên doanh dầu khí MêKông, Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ.
Cũng liên quan đến xăng dầu, từ tháng 7/2008 - 5/2009, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Jetsta Pacific Airlines vì nôn nóng đã không tuân thủ đúng nguyên tắc và không báo cáo hội đồng quản trị, vội vã nhập khẩu xăng dầu, gây ra khoản lỗ 31 triệu USD, “đóng góp” vào tình trạng thua lỗ nặng nề trên 1.100 tỷ đồng (tính đến 31/12/2008) của Hãng này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quanh chuyện kiểm toán: Xăng dầu - giá cả và hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO