Phục hồi kinh tế sau dịch: Mở cửa theo “hệ sinh thái doanh nghiệp”

Nguyễn Hoàng Bảo| 13/10/2021 09:00

TP.HCM đã nới lỏng giãn cách. Trước tình trạng mạng lưới sản xuất, kinh doanh bị phá vỡ do đại dịch Covid-19, trong ba tháng còn lại của năm 2021, mở cửa kinh tế đồng bộ phải được tính đến lúc này.

Phục hồi kinh tế sau dịch: Mở cửa theo “hệ sinh thái doanh nghiệp”

Hoạt động của doanh nghiệp luôn trong chuỗi mắt xích, ràng buộc lẫn nhau, đầu vào của đơn vị này là đầu ra của đơn vị khác. Do đó, TP.HCM cần phải tính toán phương án mở cửa lại theo "hệ sinh thái doanh nghiệp”.

Thời gian qua, do chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa và dịch vụ bị gãy, gián đoạn trong dịch, nên cần khôi phục lại, từ nơi sản xuất cho đến người tiêu dùng cuối cùng. 

Trước hết, phải gầy dựng lại thương mại và dịch vụ nội thành, liên tỉnh và quốc tế. Mọi sự cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ đều cản trở tiến trình khôi phục kinh tế. Lưu thông kinh tế không thể chia tách “vùng xanh” và “vùng không xanh”. Lưu thông kinh tế nên bắt đầu từ ngành kinh tế ít tiếp xúc gần, ít tụ tập đông người, có kết hợp với việc đi lại cho người có thẻ xanh (tiêm hai mũi vaccine) để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các ngành dịch vụ như hàng quán, giải trí... nên nới lỏng sau cùng.

Sau nhiều tháng dịch bệnh hoành hành, sự thiếu hụt số lượng và chất lượng lao động là không tránh khỏi. Muốn khắc phục, phải tiếp cận cả hai phía: người lao động và doanh nghiệp. Đối với người lao động các tỉnh, phải hỗ trợ di chuyển, chỗ ở, chi phí sinh hoạt ban đầu, chi phí phòng dịch cả cho vợ (chồng) và con cái đi theo. Hỗ trợ phải đảm bảo minh bạch, công bằng, kịp thời, có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà tài trợ cho đến khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Đối với doanh nghiệp, cần thống kê đầy đủ nhu cầu việc làm, số lượng và chất lượng lao động, và nếu cần, các cấp chính quyền và các cơ quan có chức năng phụ giúp doanh nghiệp trong vấn đề này.

Chính sách tài khóa của Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tái mở cửa nền kinh tế. Chẳng hạn như đẩy mạnh những công trình đầu tư công. Dòng tiền đầu tư công, đến lượt nó sẽ vận hành như một số nhân tiền tệ, tạo ra nhiều hoạt động kinh tế khác, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động. Nếu Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay thì phải tính toán hạ đến mức nào để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Hạ lãi suất cho vay thì kéo theo hạ lãi suất huy động tiền gửi, như vậy sẽ khó huy động vốn trong dân. Hay khi hạ lãi suất, do quản lý kém làm xuất hiện hiện tượng “đảo nợ”, tức vay nợ mới với lãi suất thấp để trả nợ cũ và thoát nợ, không kích cầu đầu tư từ doanh nghiệp.

Các ngành như xăng dầu, điện, phí vận chuyển hàng hóa, nhất là qua cảng biển cũng cần sự tài trợ nhất định từ Chính phủ để giúp doanh nghiệp giữ giá ổn định, không tăng giá trong thời gian đầu tái mở cửa kinh tế.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh sau dịch là rất quan trọng. Muốn vậy, doanh nghiệp thay đổi một phần cách sản xuất, kinh doanh, chẳng hạn như tổ chức làm việc từ xa cho bộ phận văn phòng, chuyển đổi số, đầu tư máy móc tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trước đây, các vấn đề này đối với doanh nghiệp là sự khác biệt, nay đã trở thành vấn đề sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phục hồi kinh tế sau dịch: Mở cửa theo “hệ sinh thái doanh nghiệp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO