![]() |
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là “vựa thóc và mỏ tôm, cá” nổi tiếng của nước ta. Tuy nhiên đến nay, phát triển kinh tế ở vùng châu thổ rộng lớn này vẫn mang tính khai thác tiềm năng tự nhiên nông nghiệp hiện có nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu tính ổn định và bền vững.
Giải pháp nào để ĐBSCL phát triển nông nghiệp bền vững là mục đích của hội thảo khoa học “thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL” vừa được Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL tổ chức tại TP.HCM.
Bất cập từ vùng châu thổ trù phú
![]() |
Nông dân, những người môt nắng hai sương làm ra hạt lúa vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. |
ĐBSCL là đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Đông Nam Á và trên thế giới, có diện tích gần 4 triệu ha (chiếm hơn 12% tổng diện tích cả nước), có số dân 18 triệu người bao gồm nhiều cộng đồng dân cư Việt, Khơme, Hoa, Chăm… ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km và vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng 360.000 km2, nằm ở hạ lưu vực sông Tiền và sông Hậu, tạo thành mạng lưới sông ngòi chằng chịt, đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, sinh thái ngập nước đa dạng, nguồn tài nguyên sinh vật phong phú…
Hiện khu vực này đóng góp khoảng 18% GDP cả nước, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn là vùng có năng lực cạnh tranh bình quân thấp, đời sống kinh tế của người nông và ngư dân còn khó khăn, đời sống văn hóa yếu kém và trình độ học vấn thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Tình trạng cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu kém, manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Tình trạng phát triển thiếu quy hoạch dẫn đến hậu quả được mùa rớt giá, sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất.
Bên cạnh đó, tình trạng lũ lụt trong mùa mưa, thiếu nước ngọt trong mùa khô, hiện tượng xói lở ven sông, suy giảm nguồn lợi thủy sản…cũng là một thách thức. Những hạn chế trên đây trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đã tác động nhiều mặt đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và đời sống nhân dân. Theo tiến sĩ Nguyễn Thế Bình, Phó Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch & Thiết kế Nông nghiệp, nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích vùng ĐBSCL bị ngập.
Khó phát triển bền vững trong khi nông dân còn chịu thiệt thòi
Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Dương, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học và Công nghệ TPHCM, có một thực tiễn không thể yên lòng bất cứ ai là trong quá trình hội nhập của kinh tế Việt Nam, nông dân ở ĐBSCL với sản phẩm là gạo và VietsovPetro với sản phẩm dầu thô là những người tham gia xuất khẩu đầu tiên với quy mô đáng kể suốt 20 năm qua. Thế nhưng trong khi công nhân viên Vietsovpetro đã nhận được những cải thiện đáng kể thu nhập và đời sống thìngược lại nông dân ĐBSCL vẫn còn nghèo bởi nghịch lý được mùa mất giá.
Ngay cả đối với giá gạo, người tiêu dùng trong nước và ngay cả bà con nông dân ĐBSCL và con em của họ đang làm việc tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng phải mua gạo với giá ngang hoặc cao hơn giá xuất khẩu. Vì thế, khi đã có chủ trương và chính sách đúng đắn về tam nông, thách thức lớn nhất lúc này chính là tìm và thực thi các giải pháp xóa bỏ nghịch lý nêu trên.
Còn ông Hồ Đức Tụng, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, cũng bức xúc: Người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa, lại chịu đựng mọi rủi ro và là người bị thiệt thòi nhiều nhất. Mỗi kg thóc làm ra, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo “bỏ túi” gần 2.000đ. Khi nổ ra suy thoái kinh tế, trong khi các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ chương trình kích cầu của Chính phủ, thì nông dân rất khó tiếp cận với đồng vốn ưu đãi.
Giải pháp nào?
![]() |
Một trong những giải pháp trước tiên được nhiều nhà khoa học nói đến khi giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL là khu vực này cần có một chính sách quy hoạch tổng thể ĐBSCL, một cơ chế đặc thù cho nền nông nghiệp của vùng. Phát triển nông nghiệp nông thôn ĐBSCL trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa tương lai phải tính đến sự phối hợp hài hòa với phát triển công nghiệp và đô thị. Việc lựa chọn ngành hàng mũi nhọn cần tính đến cả đến các mối quan hệ nhiều mặt để tập trung xây dựng những ngành hàng có lợi thế so sánh và vị thế quan trọng trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là cần có một quy chế phối hợp hành động trong việc quản lý, quy hoạch, để tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển bền vững. Trong các năm qua, đã có nhiều cuộc hội thảo và nhiều diễn đàn hợp tác kinh tế cấp vùng nhằm tìm ra giải pháp thích hợp, hướng đi mới cho phát triển kinh tế ĐBSCL.
Tuy nhiên, như ông Nguyễn Trần Dương nhận định, hiện nay, vấn đề này đang hết sức chín muồi. ĐBSCL đang có cơ hội mở toang cánh cửa để các nhà đầu tư tiếp cận khi cầu Cần Thơ được khánh thành, mà không còn e ngại ngăn cách sông nước nữa. Vì vậy, nếu không hành động ngay, ĐBSCL có thể bỏ lỡ thời cơ.
Mặt khác, cần có chính sách cụ thể cho phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình liên kết bốn nhà, trong đó nhà nước giữ vai trò trung tâm, đồng thời phải có chính sách chế tài trong quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc ký kết các hợp đồng kinh tế.