Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào

Nguồn VOV| 25/11/2009 07:24

VN hiện có khoảng 300.000 người VN ở nước ngoài trình độ đại học trở lên. Nếu biết cách thu hút nguồn lực trí thức này, họ sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nước nhà.

Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào

Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam ở nước ngoài trình độ đại học trở lên. Nếu chúng ta biết cách thu hút nguồn lực trí thức này, họ sẽ góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế nước nhà.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn trao kỷ niệm chương cho các kiều bào có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

“Cầu nối” để phát triển

Tham dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, GS. Phan Văn Trường, Việt kiều Pháp cho rằng: Đã đến lúc Việt Nam phải dần dần nắm vững các công nghệ căn bản để đi tới độc lập kỹ thuật. Có thể khởi đầu từ những dự án nước ngoài do chúng ta mua hoặc đầu tư để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ.

Chúng ta có thể tận dụng trí thức Việt kiều tại nước đó để tìm hiểu kỹ thông tin về những dự án như vậy và dùng họ làm cầu nối khi thương thuyết hợp đồng với đối tác nước ngoài để bất cứ dự án nào, chúng ta cũng phải đòi hỏi phần trăm lớn nhất có thể đạt được trong việc sản xuất phụ tùng trong nước.

GS. TS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT University (Australia) chia sẻ, các trường đại học trong nước phải coi việc chuyển giao công nghệ là công tác chính. Đại học nào có nhiều thành quả nghiên cứu việc chuyển giao công nghệ càng nhiều thì càng nhận được nhiều sự trợ giúp tài chính từ doanh nghiệp.

Đại học Việt Nam phải tăng cường hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và mời giáo viên của họ sang giảng dạy, sinh viên sẽ hấp thụ được nhiều nguồn tri thức tiên tiến trên thế giới, có điều kiện nâng cao mặt bằng kiến thức để nâng bằng cấp của đại học Việt Nam. Việt Nam đang có nhiều nhà khoa học tên tuổi đang làm việc tại các đại học nổi tiếng ở Mỹ, Australia, Canada, Anh, Hà Lan, Nhật như: đại học Harvard, Standford, Yales, Tokyo, Sydney... Nếu mời họ về nước giảng dạy, họ sẽ hết lòng với sự đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Quý, Việt kiều Canada cho rằng, trong sự nghiệp cải cách giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học, Việt kiều có vị trí đặc biệt quan trọng: Họ là những người đã sống, học tập và làm việc trong môi trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, có kiến thức và kinh nghiệm về các nguyên tắc vận hành của một đại học ở các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến; Những người này ít nhiều có hiểu biết về tình hình giáo dục Việt Nam, hiểu ngôn ngữ văn hóa Việt Nam và có tình cảm sâu nặng với Việt Nam.

TS. Tô Thanh Bình, CHLB Đức cho rằng, khoa học trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu Nhà nước tận dụng được kiều bào là những nhà khoa học ở các nước, họ sẽ là đầu mối liên kết các tổ chức, hiệp hội khoa học kỹ thuật thế giới và cá nhân nước ngoài với Việt Nam thông qua việc xây dựng các đề tài và dự án khoa học kỹ thuật để chuyển giao công nghệ về nước.

Cần có cơ chế thu hút

TS. Nguyễn Chánh Khê, Việt kiều Mỹ nêu ý kiến, để thu hút Việt kiều về nước làm việc, cộng tác, nên có chính sách đối xử bình đẳng, không phân biệt giữa trí thức Việt kiều và cán bộ trong nước trên mọi phương diện. Đăng ký đề tài cấp Nhà nước không nên chỉ giới hạn cho những nhà khoa học trong nước. Những công nhận quốc tế về các thành tựu khoa học công nghệ tại Việt Nam của chuyên gia Việt kiều cần được trân trọng và đánh giá đúng mức.

Ông Lê Văn Quý, Việt kiều Canada cho rằng, Nhà nước phải có một chính sách rõ ràng, nhất quán. Chính sách đó phải sử dụng đúng người, đúng việc, tạo dựng được lòng tin giữa Nhà nước và Việt kiều. Yếu tố quan trọng nhất để Việt kiều tham gia là họ phải nhận thức được quyết tâm của Nhà nước muốn sử dụng họ và tầm quan trọng của họ trong việc đóng góp cho sự phát triển đất nước bằng tài năng và kinh nghiệm của họ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách về điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ. Các cụ ta có câu: “Một người lo bằng cả kho người làm”, vậy khi đã tìm được người biết lo thì không cần thiết phải đắn đo trong việc trả thù lao cho xứng đáng với tài năng và hiệu quả công việc của người đó.

Ông Nguyễn Hữu Viêm, Việt kiều Ba Lan cũng cho rằng, Nhà nước cần tạo cơ sở pháp lí để các nhà khoa học Việt kiều tham gia các hội đồng khoa học ở Việt Nam và cho phép người nước ngoài có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Việt Nam. Trong các ngành khoa học mũi nhọn, có chính sách ưu đãi để lôi kéo các nhà khoa học là Việt kiều về làm việc tại Việt Nam.

TS. Võ Toàn Chung, Việt kiều Pháp đề xuất, cho phép số trí thức Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài được phép tham dự và nắm giữ những cương vị công tác khoa học tương xứng với nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể đi cùng với quyền được tổ chức và lãnh đạo nhóm nghiên cứu khoa học, với những mục tiêu được xác định cụ thể trong một giai đoạn cụ thể nhằm nhanh chóng đưa trình độ khoa học của đơn vị mình phụ trách lên tầm quốc tế.

Tạo cơ chế cho phép trí thức Việt Nam ở nước ngoài được đóng góp trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia trong ngắn, trung và dài hạn thông qua những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO