Phát huy hết vai trò của đại biểu Quốc hội

21/07/2011 09:20

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII khai mạc lúc 8g30 sáng nay 21/7 (truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình VN và Đài Tiếng nói VN).

Phát huy hết vai trò của đại biểu Quốc hội

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII khai mạc lúc 8g30 sáng nay 21/7 (truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình VN và Đài Tiếng nói VN).

Bà Đinh Thị Bạch Mai (bìa trái, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, lần đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội) tiếp xúc cử tri quận Phú Nhuận, TP.HCM trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII - Ảnh: nguyễn Triều

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bầu cử trung ương) sẽ trình bày báo cáo kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tiếp đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo về “Tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong sáu tháng cuối năm 2011”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo nêu trên của Chính phủ .

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ làm việc về các nội dung liên quan đến công tác thẩm tra tư cách đại biểu. Quốc hội sẽ nghe Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình về số phó chủ tịch Quốc hội và số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, nghe báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.

* Báo cáo tại phiên trù bị chiều 20/7, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khóa XII Trần Đình Đàn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã thảo luận và thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung hai nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này: thứ nhất là nghị quyết về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bố trí nửa ngày để Quốc hội nghe và thảo luận về nội dung này); thứ hai là nghị quyết ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Ông Trần Đình Đàn Ảnh: V.Dũng

Về đề nghị bổ sung báo cáo tình hình biển Đông thời gian qua, ông Trần Đình Đàn nói: “Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XII, trong báo cáo chung về kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đề cập vấn đề an ninh, trật tự vùng biển đảo, trong đó có liên quan đến biển Đông. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây và chủ trương xử lý của nước ta để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội”.

Phát huy hết vai trò của đại biểu Quốc hội

Trả lời về một số vấn đề quan trọng sẽ được Quốc hội khóa XIII xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nói:

- Trước khi tiến hành bầu và phê chuẩn các vị trí nhân sự cấp cao, Quốc hội sẽ dành thời gian bàn bạc, thống nhất và quyết định về cơ cấu tổ chức, từ đó mới lựa chọn nhân sự phù hợp, đáp ứng được yêu cầu vận hành bộ máy đó. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là để đạt được hiệu quả cao nhất trong vấn đề này thì đồng thời với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục, đại biểu Quốc hội cần nắm rõ quyền hạn của mình, phát huy dân chủ, thẳng thắn và cởi mở trong thảo luận để cuối cùng đạt được sự thống nhất cao nhất.

Nếu nhìn vào chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến, có thể thấy một điểm mới trong công tác xem xét, quyết định tổ chức và nhân sự kỳ này là Quốc hội dành rất nhiều thời gian cho việc thảo luận. Điều này sẽ giúp các đại biểu có đủ thời gian cần thiết để bày tỏ ý kiến, bàn bạc, lựa chọn trước khi bỏ phiếu thể hiện chính kiến của mình.

* Thưa ông, về vấn đề tổ chức bộ máy và với từng nhân sự cụ thể, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Chính phủ đã có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi giới thiệu ra Quốc hội. Điều mà dư luận quan tâm là các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận gì thêm nữa?

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri: Nói phải đi đôi với làm

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về kỳ họp Quốc hội khóa XIII cho thấy cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu, nói đi đôi với làm;

phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cử tri và nhân dân còn kiến nghị Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, thật sự tiêu biểu để đảm nhiệm những chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước, đồng thời mong muốn những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có chương trình hành động gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ VN để theo dõi, giám sát.

Cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát các lĩnh vực mà nhân dân có nhiều ý kiến bức xúc, nhất là trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, nợ công và chi tiêu công, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Cử tri kiến nghị các đại biểu Quốc hội khóa XIII thực hiện tốt chương trình hành động của mình như đã hứa, giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Đối với Chính phủ, cử tri kiến nghị cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, giảm đà tăng giá, đồng thời duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững.

- Tôi khẳng định các cơ quan có thẩm quyền đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về công tác tổ chức, nhân sự trong thời gian dài theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhưng khi đưa ra Quốc hội thì quyền quyết định hoàn toàn thuộc về các đại biểu Quốc hội. Tôi hiểu dư luận phân vân rằng các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đã giới thiệu những người cụ thể ứng cử chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội, rồi những vai nào đứng đầu các bộ ngành, ủy ban của Quốc hội... thì việc đưa ra Quốc hội bàn có hình thức không.

Tôi nghĩ việc giới thiệu đó là quyền của các cơ quan quản lý cán bộ. Còn đại biểu Quốc hội, với trách nhiệm được hiến pháp và pháp luật quy định, phải thảo luận xem việc giới thiệu đó và ứng cử viên cụ thể đó có xứng đáng với cương vị, trọng trách Nhà nước giao phó không, vì vậy không thể nói việc thảo luận của đại biểu Quốc hội là hình thức.

* Lịch sử hoạt động Quốc hội từng ghi nhận có những trường hợp cơ quan có thẩm quyền giới thiệu ứng cử viên nhưng khi bầu (hoặc phê chuẩn) thì không trúng, có trường hợp Trung ương giới thiệu rồi nhưng ra Quốc hội thì đại biểu lại giới thiệu thêm. Ông có thể khẳng định tinh thần dân chủ, cởi mở về việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự sẽ được đảm bảo tại kỳ họp này?

- Các đoàn đại biểu Quốc hội và tất cả đại biểu Quốc hội đều có quyền thảo luận và giới thiệu người mà họ cho rằng xứng đáng nhất ứng cử các chức danh lãnh đạo. Tôi xin nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là chúng ta phải làm đúng quy trình, quy định nhưng phải thật sự dân chủ để mỗi đại biểu Quốc hội phát huy vai trò, thể hiện trách nhiệm của mình trước cử tri.

* Thưa ông, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ nhằm vào những nội dung gì, có phải chủ yếu để hiện thực hóa các văn kiện Đại hội XI của Đảng?

- Cá nhân tôi đến thời điểm này chưa thể khẳng định được rằng Hiến pháp 1992 sẽ được sửa toàn diện hay chỉ sửa một số điều, nhằm vào nội dung gì. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Việc này trước hết nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng là “khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới”.

* Qua thảo luận ở trung ương, mới đây là cuộc họp của Đảng đoàn Quốc hội và Đảng đoàn Chính phủ thì định hướng về cơ cấu, số lượng, thành phần trong tổ chức bộ máy nhà nước tới đây có gì thay đổi so với hiện nay không, thưa ông?

- Lần này thì về cơ cấu tổ chức, ví dụ như ở Quốc hội thì các cơ quan của Quốc hội sẽ không có gì thay đổi (hiện tại Quốc hội gồm có Hội đồng Dân tộc và chín ủy ban - PV). Còn ở Chính phủ, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ cũng dường như không có gì thay đổi. Chỉ có vấn đề trong các ủy ban của Quốc hội thì số lượng ủy viên là bao nhiêu, số phó chủ nhiệm các ủy ban cũng có thể tăng lên. Mục đích của việc này là để Quốc hội có đủ điều kiện và nhân lực đáp ứng công tác xây dựng pháp luật và thực hiện quyền giám sát.

* Vậy Quốc hội sẽ thảo luận những nội dung gì khi chương trình nghị sự của Quốc hội có việc thảo luận, quyết định cơ cấu Chính phủ khóa mới?

- Cơ cấu đó là do Chính phủ trình. Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận xem cơ cấu như vậy có phù hợp không. Các đại biểu sẽ phân tích quá trình hoạt động và hiệu quả bộ máy Chính phủ trong nhiệm kỳ hiện tại xem cái gì cần giữ nguyên, cái gì cần thay đổi. Nếu đại biểu thống nhất được như đề nghị của Chính phủ thì rất tốt, chưa thống nhất được thì phải bàn.

* Nhiều người cho rằng cơ cấu Chính phủ hiện nay có xu hướng phình ra, nặng nề hơn do số lượng tổng cục, cục chức năng tăng lên. Với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa XII, ông nhận xét gì?

- Đây là vấn đề mà trong một số cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương khóa X cũng như nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ sự băn khoăn. Việc giảm số lượng bộ, ngành được quyết định có những chỗ hợp lý nhưng có một số chỗ chưa hợp lý. Chẳng hạn như nói bộ đa ngành, nhưng gộp nhiều lĩnh vực lớn và quan trọng như thủy lợi, lâm nghiệp vào Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hay ở Bộ Công thương quản nhiều lĩnh vực quan trọng như vậy thì cũng rất khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Như vậy nếu giảm số lượng bộ, cơ quan ngang bộ mà tăng số lượng tổng cục, cục thuộc bộ thì chưa chắc đã tốt. Ví dụ khi một tổ chức, doanh nghiệp hoặc công dân có vấn đề gì cần ý kiến của lãnh đạo bộ, có thể người ta phải đi qua “cửa” của vụ thuộc tổng cục, rồi lên lãnh đạo tổng cục, sau đó lên vụ thuộc bộ rồi mới lên lãnh đạo bộ, nghĩa là con đường đi xa và tốn kém thời gian... Tôi nghĩ đây là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội sẽ quan tâm thảo luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát huy hết vai trò của đại biểu Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO