Phải trân quý và bảo vệ di sản

Văn Tám| 16/05/2023 01:00

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dành cho Doanh Nhân Sài Gòn buổi phỏng vấn "cấp tốc" xoay quanh chuyện văn hóa, di sản và đặc biệt là văn hóa của TP.HCM.

Phải trân quý và bảo vệ di sản

* Thưa ông, là một nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, ông có cảm nghĩ gì về việc thành phố mở cửa đón du khách tham quan trụ sở HĐND - UBND TP.HCM?

- Bản thân tôi rất hoan nghênh việc di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là trụ sở HĐND và UBND TP.HCM mở cửa cho du khách tham quan và xem đây là một sáng kiến đột phá.

Sự kiện này giúp đánh tan một số định kiến tồn tại lâu nay. Thứ nhất, người ta thường cho các cơ quan công quyền là của riêng của nhà nước và bất khả xâm phạm, song chính họ lại quên rằng Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa  Việt Nam đã quy định nhân dân là chủ đất nước, chính quyền là cơ quan quản lý, hơn nữa đây lại là một di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc biểu tượng của TP.HCM, cần cho dân chúng tham quan. Thứ hai, lâu nay người ta vẫn quan niệm cán bộ, công chức là "phụ mẫu chi dân", đứng trên dân, ban ơn cho dân, chứ không phải là người đầy tớ" phục vụ lợi ích nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy. Chính quyền và nhân dân thường xa nhau là vì vậy.

* Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, theo ông, việc phổ cập kiến thức trong lĩnh vực văn hóa - lịch sử cho người dân, đặc biệt là người trẻ thông qua việc tham quan các địa danh tương tự như trụ sở HĐND và UBND TP.HCM có tầm quan trọng như thế nào?

- Khi đến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, du khách không chỉ biết được hình dáng, kỹ thuật xây dựng, mà còn hiểu thêm về lịch sử và tuổi thọ của chúng, biết được cách sinh hoạt của cha ông vào giai đoạn tạo dựng ra công trình đó, biết được sức lao động trí tuệ và chân tay đã bỏ ra mới có duy nhất công trình ấy, không có cái thứ hai. Vì vậy, phải quý trọng, giữ gìn, tôn tạo các công trình ấy, xem đó là bảo vật quốc gia, không riêng cho thế hệ chúng ta, mà cho các hệ mai sau.

* Theo ông, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử nên được ưu tiên thế nào trong bối cảnh hiện nay? Cần làm gì để việc khai thác du lịch các sản phẩm văn hóa - lịch sử để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội?

- TP.HCM nói riêng, Nam bộ nói chung là vùng đất mới. Những di tích lịch sử, văn hóa có rất ít so với các tỉnh, thành khu vực miền Trung và miền Bắc. Vì vậy, chúng ta cần phải trân quý và ưu tiên bảo vệ. Trong tương lai, khi nền kinh tế đã phát triển đến độ bão hòa, người dân không còn phải vất vả lo cơm áo gạo tiền thì sẽ dành nhiều hơn thời gian cho cuộc sống tinh thần, những di tích lịch sử, văn hóa sẽ đáp ứng nhu cầu đó, chứ không phải những tòa nhà chọc trời.

Theo tôi, dù các di sản kiến trúc thu hút du khách, từng bước mang lại lợi nhuận cho ngành du lịch, nhưng không nên vì thế mà cải tạo, làm mất hình dáng nguyên thủy của chúng, vì đó là chứng tích lịch sử và văn hóa đúng sự thật để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử nói chung và văn hóa của TP.HCM nói riêng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải trân quý và bảo vệ di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO